Ngày 11/10, VnExpress đưa tin, trường Tiểu học John Bramston ở Ilford, Anh, mới đây gửi thư tới các bậc phụ huynh, bày tỏ lo ngại khi những em đã xem phim Squid Game (Trò chơi con mực) đang giả vờ bắn nhau ở sân chơi, như một cách tái hiện các cảnh bạo lực trong bộ phim của Hàn Quốc.
"Các bậc phụ huynh thân mến, có một sự việc khiến chúng ta quan tâm, đó là các con đang xem Squid Game trên Netflix. Chúng tôi phát hiện có nhiều em bắt đầu chơi phiên bản của trò này ở sân, gây nên xung đột giữa các nhóm bạn", bức thư viết.
Trong thư, nhà trường cho biết học sinh bị ảnh hưởng bởi cảnh bạo lực và đang diễn lại nó.
"Tôi muốn quý vị biết rằng bộ phim được dán nhãn là có lý do. Nó không thích hợp cho lứa tuổi tiểu học. Bất cứ em nào bắt chước hoặc minh họa những hành động đó, nhà trường sẽ gọi điện báo phụ huynh và áp dụng hình phạt", đại diện nhà trường cho hay.
Trường Tiểu học John Bramston cũng kêu gọi các bậc cha mẹ nhận thức về những mối nguy hiểm của bộ phim đối với con mình và tăng cường cách hành xử tích cực. "Hãy thẳng thắn chia sẻ với con rằng việc giả vờ bắn một ai đó là không chấp nhận được. Hãy hỗ trợ chúng tôi để bảo vệ con bạn được an toàn", bức thư nêu.
Thay vì viết thư, một trường khác ở hạt Kent bắt đầu có nhiều bài học về bạo lực và tác hại trực tuyến trước sự phổ biến của Squid Game. Người phát ngôn của nhà trường nói: "Chúng tôi luôn cập nhật lời khuyên tới phụ huynh và học sinh. Như một sự phản hồi với bộ phim này và những chương trình nguy hại khác, chúng tôi đã có nhiều bài học về bạo lực và sự tai hại từ chương trình trên mạng gây ra".
Không chỉ các trường ở Anh, trường Erquelinnes Béguinage Hainaut ở Bỉ cũng đăng cảnh báo phụ huynh trên Facebook.
"Quý vị có thể đã nghe tới bộ phim dài tập Squid Game. Trong phim, nhân vật chơi các trò chơi mà nếu thua cuộc sẽ bị giết. Phim cấm trẻ em dưới 18 tuổi vì có những cảnh bạo lực", nhà trường cho biết.
Thông báo được đưa ra sau khi trường phát hiện một số em tái hiện trò chơi truyền thống của Hàn Quốc có tên "Đèn đỏ, Đèn xanh" giống bộ phim. Trong phim, người thua cuộc sẽ bị xử tử còn ở trường học Bỉ, các em sẽ bị các bạn đánh, đấm.
Trong thông báo, nhà trường kêu gọi phụ huynh cảnh giác để ngăn chặn trò chơi nguy hiểm và thiếu lành mạnh này. "Chúng tôi trông cậy vào sự hỗ trợ và hợp tác của quý vị để giúp các con nhận thức được những tác hại mà bộ phim có thể gây ra", trích thông báo.
Cũng liên quan đến bộ phim Squid Game, theo VOV, Cảnh sát Thái Lan ngày 10/10 đã cảnh báo, phim Trò chơi con mực chứa những cảnh bạo lực và có thể để lại ấn tượng tiêu cực cho người xem.
Phó phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Kissana Phathaancharoen cho biết, loạt phim được giới phê bình đánh giá cao có những cảnh rất bạo lực không phù hợp để xem. Ông Kissana nhấn mạnh, các nhân vật trong bộ phim có các hành động bạo lực và bộ phim đã được xếp hạng 18+.
Phó phát ngôn viên cảnh sát cho hay, trong thời gian bị phong tỏa có rất nhiều người ở Thái Lan trong đó bao gồm cả những người nhỏ tuổi đã dành thời gian xem bộ phim trên. Bộ phim của Hàn Quốc đã mô tả các cảnh bạo lực, bao gồm cả giết người khiến người xem có thể tham gia vào các tội ác trong cuộc sống thực, nhất là lứa tuổi vị thành niên.
Cảnh sát Thái Lan cũng khuyên các bậc cha mẹ nên để mắt tới các hoạt động trực tuyến của con cái họ đồng thời cần biết thêm rằng có những trẻ có ấn tượng mạnh với với các hành động bạo lực. Chính vì vậy, khi xem phim trẻ em có xu hướng bắt chiếc các hành vi của nhân vật. Cảnh sát Thái Lan cũng đã đưa ra thông báo về sự nguy hiểm của việc xem các nội dung trực tuyến chưa chọn lọc.
Squid Game được phát hành trên toàn thế giới thông qua nền tảng phát trực tuyến nói về câu chuyện những người thất bại trong cuộc sống nhận được một lời mời bí ẩn để chơi các trò chơi thiếu nhi nhưng phải đánh đổi mạng sống của mình nếu thua cuộc để nhận giải thưởng khoảng 38 triệu USD.
Quốc Tiệp (t/h)