Theo Duvar, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng dưới thời ông Biden, Mỹ sẽ không trừng phạt nước này vì đã mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ không muốn quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng dưới thời ông Biden và không muốn Mỹ áp đặt trừng phạt vì nước này đã mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, một quan chức cấp cao trong đảng AK của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho hay.
Sự căng thẳng giữa Ankara và Washington nảy sinh từ một loạt các vấn đề từ chính sách Syria đến việc Mỹ từ chối dẫn độ Fethullah Gülen, nhà truyền đạo Hồi giáo.
Thổ Nhĩ Kỳ đã dựa vào mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Tổng thống Erdoğan và người đồng cấp, Tổng thống Mỹ Donald Trump để giải quyết những chia rẽ, nhưng ông Biden được cho là sẽ cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ về các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Ankara.
Việc Ankara mua S-400 vào năm ngoái và Mỹ cho rằng vũ khí này không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO. Sự việc này làm tăng khả năng Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm tới nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng.
Dù vậy, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters, Phó Chủ tịch đảng AK Numan Kurtulmus đã hạ thấp nguy cơ này.
"Tổng thống Mỹ sẽ xem xét sự cân bằng ở Trung Đông một cách rất thận trọng vì lợi ích của Mỹ và sẽ không muốn tiếp tục quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi tin là họ sẽ có những biện pháp tích cực trong tương lai", ông Kurtulmus cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cúi đầu trước áp lực
Washington cho biết, hệ thống S-400 sẽ gây ra mối đe dọa với chương trình tiêm kích F-35 và đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình mà Ankara vừa là nhà sản xuất vừa là bên mua này.
Trong khi đó, Ankara khẳng định hệ thống S-400 sẽ không hợp nhất với hệ thống của NATO và kêu gọi một nhóm làm việc chung thảo luận về các mối quan tâm của Mỹ. Ông Kurtulmus cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cúi đầu trước sức ép đảo ngược quyết định mua S-400 hay việc không được sử dụng đến chúng.
"Chúng tôi không mua vũ khí này chỉ để làm vì. Chúng tôi mua để phòng thủ và nhu cầu an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Kurtulmus cho biết.
Trong khi Tổng thống Erdoğan tuyên bố sẽ phản đối các biện pháp trừng phạt, ông cũng hứa sẽ cải cách kinh tế và tư pháp trong cuộc cải tổ kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh đồng lira lao dốc.
Khi được hỏi liệu các cải cách có nhằm mục đích xoa dịu căng thẳng với Mỹ và Liên minh châu Âu hay không, ông Kurtulmuş cho biết chính phủ sẽ hành động chỉ vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói: “Chúng tôi hành động theo suy nghĩ cải cách nào chúng tôi cần, các bước đi sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân của chúng tôi và đi trên con đường đó, chứ không phải bằng cách nghĩ rằng hành động hay lời lẽ nào sẽ làm hài lòng họ”.
Theo TASS, tại một cuộc điều trần của Ủy ban Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ về ngân sách cho năm tới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, lập trường của Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 do Nga sản xuất cũng như quyết định loại Ankara ra khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 đã làm tổn hại quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
“Bất chấp một số bất đồng về các vấn đề hòa bình và an ninh tại Syria và Libya, chúng ta đang cố gắng phối hợp với Mỹ-đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, một số yếu tố làm ảnh hưởng đến quan hệ của chúng ta với Mỹ vẫn chưa được giải quyết. Mỹ vẫn tiếp tục đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thỏa thuận mua S-400", ông Mevlut Cavusoglu khẳng định.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đầu tiên của NATO mua tổ hợp tên lửa phòng không từ Nga. Hai bên đã đạt thỏa thuận mua bán các tổ hợp S-400 với tổng trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2017. S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung, được thiết kế nhằm tiêu diệt các phương tiện tấn công và trinh sát trên không, cũng như bất kỳ mục tiêu trên không khác trong điều kiện hỏa lực và thiết bị gây nhiễu điện tử của đối phương hoạt động mạnh. Các chuyên gia quân sự nhận định, S-400 có sự vượt trội hơn hẳn các mẫu vũ khí tương tự của phương Tây.