Lý do thực sự khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ với Hàn Quốc

Lý do thực sự khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ với Hàn Quốc

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 09/10/2017 18:00

Jeju là một trong những nạn nhân đến từ cơn giận của Bắc Kinh, khi nước này cấm các công ty du lịch bán tour trọn gói đến Hàn Quốc để phản đối quyết định triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Seoul.

Gió đảo chiều

Các cửa hàng vắng vẻ, nhà hàng thưa khách đang làm nên một Jeju đầy bất thường trong vài tuần qua. Trong “Tuần lễ vàng” – kỳ nghỉ kéo dài của người Trung Quốc, du khách vắng bóng trên hòn đảo được mệnh danh là Hawaii của Hàn Quốc.

 

Tiêu điểm - Lý do thực sự  khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ với Hàn Quốc

Jeju là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc.

Du khách Trung Quốc chiếm 90% số khách du lịch đến với Jeju. Do đó, kể từ sau những căng thẳng gần đây, hòn đảo này không khác gì một “thành phố ma”.

Trung Quốc và Hàn Quốc vừa đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hồi tháng Tám. Những dấu mốc kỷ niệm trước nổi bật bởi những lời ca ngợi đến từ lãnh đạo hai nước.

Lần kỷ niệm 5 năm trước đây, ông Tập Cận Bình – khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc đã đến thăm Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vào thời điểm đó để chúc mừng.

Lần kỷ niệm năm nay thì khác hẳn.

Quan chức Trung Quốc cấp cao nhất đến tham dự tại Đại sứ quán Hàn Quốc là Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hầu như không đề cập sự kiện này.

Ông Tập Cận Bình có trao đổi thông điệp chúc mừng với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in . Nhưng trái ngược với thông điệp từ nhà lãnh đạo Seoul – kêu gọi hai nước tập trung vào những thành tựu và triển vọng trong quan hệ song phương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ nhấn mạnh sự sẵn sàng của mình trong giải quyết những khác biệt của cả hai.

Trả đũa

Trung Quốc cho thấy, nước này sẽ không cho phép Hàn Quốc quên một điều rằng, họ không hài lòng với việc triển khai THAAD.

Bắc Kinh nhiều lần khẳng định, hệ thống từ Mỹ được sử dụng để do thám các chương trình tên lửa của chính mình.

Tiêu điểm - Lý do thực sự  khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ với Hàn Quốc (Hình 2).

Một cửa hàng Lotte Mart bị đóng cửa ở Hàng Châu, Trung Quốc

Việc phê duyệt triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa được đưa ra bởi cựu Tổng thống Park Geun-hye hồi tháng 7/2016.

Hai bệ phóng THAAD đầu tiên đi vào hoạt động từ tháng Tư năm nay. Trong sự trỗi dậy đến từ hành động leo thang của Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Moon vừa triển khai thêm 4 bệ phóng mới.

Để trả đũa, Bắc Kinh đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ngoài quyết định cấm cửa khách du lịch, hoạt động kinh doanh ăn nên làm ra của Lotte ở Trung Quốc cũng lao đao khi bị cấm cửa.

Doanh thu của nhà hàng Hàn Quốc tại khu vực Bắc Kinh đã giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng của Hyundai và Kia Motors cũng giảm một nửa.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc ở Trung Quốc đang tìm đường rời khỏi mảnh đất hứa.

Tất cả điều này đang thể hiện khoảng thời gian khó khăn nhất đối với quan hệ Trung-Hàn kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.

Các bước đột phá ngoại giao năm 1992 đã nối tiếp sau đó bằng một “tuần trăng mật” ngọt ngào về kinh tế và địa chính trị.

Bên cạnh quan hệ kinh doanh mở rộng một cách đáng kể, Seoul tìm hướng bớt phụ thuộc vào Mỹ và theo đuổi chính sách cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong khi đó, những bất đồng với Nhật Bản về sách giáo khoa lịch sử và tranh chấp lãnh thổ cũng đã đưa đẩy Trung Quốc tìm đến Seoul nhiều hơn.

Đến nay, các liên kết kinh tế vững chắc đã làm cho mối quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất ở châu Á cũng như trên thế giới.

Trong năm 2015, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 227 tỷ USD.

Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Hàng hóa nước này chiếm hơn 1/10 tổng lượng nhập khẩu của quốc gia đông dân nhất châu Á.

Tỷ lệ tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc của Trung Quốc cũng vượt quá 1/4, cao gấp đôi tỷ lệ của Mỹ.

Hàng hóa Trung Quốc chiếm 1/5 lượng nhập khẩu Hàn Quốc, gần bằng tỷ lệ hàng hóa Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Cùng với đó, Seoul cũng là 1 trong 5 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu tại Trung Quốc.

Đối thủ cạnh tranh

Tiêu điểm - Lý do thực sự  khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ với Hàn Quốc (Hình 3).

Triều Tiên là yếu tố khiến quan hệ Trung-Hàn giữa đường đứt gánh.

Một trong những động lực chính đằng sau việc mở rộng liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc là sự bổ trợ lẫn nhau về mặt địa lý.

Công ty Hàn Quốc cung cấp phụ tùng, vật tư thiết bị cho hàng điện tử, các loại máy móc cho nhiều ngành công nghiệp, hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Trung Quốc nhiều năm trước.

Trong khi đó, người dân Trung Quốc nhìn sang người hàng xóm của mình như một tấm gương để noi theo.

Các loại hàng hóa Hàn Quốc, từ điện tử tới thời trang và mỹ phẩm, cũng như phim ảnh và sản phẩm âm nhạc là những ví dụ rất phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trong tháng 12/2015, hai nước đã ban hành một Hiệp định Thương mại tự do song phương cam kết sẽ loại bỏ thuế đối với gần 90% hàng hóa được giao dịch trong vòng 20 năm.

Nhưng ở giai đoạn này, quan hệ ưu tiên về kinh tế nhường chỗ cho sự ganh đua.

Nền kinh tế định hướng xuất khẩu Hàn Quốc đang phải vật lộn với những “thách thức Trung Quốc” chứ không còn tận dụng “cơ hội Trung Quốc” như trong quá khứ.

Công ty Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với đối tác Hàn Quốc trong các lĩnh vực mà sau này họ tin rằng sẽ chiếm ưu thế.

Số lượng các nhà cung cấp nội dung của Trung Quốc đang gia tăng một cách đáng kể, trở thành áp lực chưa từng có đối với các công ty Hàn Quốc.

Những tập đoàn điện tử mới nổi như Huawei và Haier đang từng bước chiếm lĩnh thị phần toàn cầu, cạnh tranh mạnh mẽ với Samsung, LG và các đối thủ nặng ký khác.

Từ ô tô, đóng tàu đến hóa chất, hay bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, các công ty Hàn Quốc đang cảm thấy hơi nóng phả ra từ các đối thủ kinh doanh được hậu thuẫn bởi Nhà nước Trung Quốc.

Những thay đổi này đang tạo ra một bối cảnh mới cho mối quan hệ song phương, thêm vào đó là các yếu tố đến từ Triều Tiên.

“Vài năm trước, khi quan hệ Bắc Kinh-Seoul ở đỉnh cao, các chuyên gia từng phân tích, Hàn Quốc luôn có xu hướng hút về phía cường quốc mạnh nhất trong khu vực, mà lúc đó là Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện đã kết thúc, Seoul đã trôi dạt trở lại với người bạn Washington”, Giáo sư Ivan Tselichtchev từ  đại học Quản trị Niigata ở Nhật Bản và là tác giả cuốn Trung Quốc đối đầu với phương Tây: Chuyển giao quyền lực toàn cầu trong thế kỷ 21 – nhận định trên SCMP.

Mối đe dọa Triều Tiên đã chia rẽ châu Á dọc theo trục Chiến tranh Lạnh năm xưa và mối quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Seoul cũng không nằm ngoài bộ khung đó.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.