Trong Tây du ký, khi mới gặp Bồ Đề Tổ Sư, Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ thuần phác và lương thiện, không hề có tính kiêu ngạo hay hung hãn. Ngộ Không từng nói với Bồ Đề Tổ Sư: “Người ta mắng con, con cũng không giận; đánh con, con cũng không tức, chỉ lạy họ mà thôi, cả đời con không có tính”. Điều này thể hiện rõ sự khiêm tốn và nhẫn nhịn của Ngộ Không vào lúc đó.
Nhờ bản tính thuần khiết và sự nhẫn nhịn, Tôn Ngộ Không được Bồ Đề Tổ Sư chân truyền yếu quyết tu Đạo, học được phép trường sinh và 72 phép biến hoá. Những phép thuật này đã mang lại cho Ngộ Không khả năng siêu phàm, khiến y càng thêm tự đắc về bản thân.
Từ một con khỉ thuần phác Tôn Ngộ Không bắt đầu sa ngã, khi Mỹ Hầu Vương vì một chút tự hào, muốn thể hiện bản lĩnh trước mặt bạn hữu mà bị Tổ Sư đuổi khỏi sư môn. Sự kiềm thúc của người thầy đã không còn, và Ngộ Không trở về Hoa Quả sơn với tâm trạng thất vọng nhưng không kém phần kiêu ngạo. Từ đây, không còn ai kiểm soát và hướng dẫn, tâm kiêu ngạo của Ngộ Không ngày càng bành trướng. Y thường xuyên khoe khoang về sức mạnh và phép thuật của mình, thích giao du với những yêu quái hung hãn, tàn bạo. Những mối quan hệ này khiến Ngộ Không học theo những thói hư tật xấu, trở nên hung dữ, coi thường luật pháp và dễ bị cám dỗ bởi danh lợi, quyền lực, dẫn đến những hành động ngông cuồng, ngang ngược.
Đỉnh điểm của ngông cuồng là việc, Ngộ Không không hài lòng với chức quan phong Bật Mã mà Thiên Đình ban cho, và cái tên Tề Thiên Đại Thánh dường như không đủ để thỏa mãn tham vọng của Mỹ Hầu Vương.
Sự kiêu ngạo, ngông cuồng và ngang ngược của Tôn Ngộ Không đã dẫn đến việc đại náo Thiên Cung, một hành động táo bạo và đầy thách thức đối với quyền lực của Thiên Đình. Hậu quả, Ngộ Không bị Phật Tổ Như Lai dùng thần lực đè dưới Ngũ Hành sơn trong 500 năm.
Có thể thấy, Tôn Ngộ Không là một nhân vật phức tạp, từ khỉ đá thuần phác trở thành một Tề Thiên Đại Thánh ngỗ ngược. Sự thay đổi này chủ yếu do thiếu sự kiềm thúc và hướng dẫn sau khi rời xa sư phụ. Câu chuyện của Ngộ Không không chỉ là một truyền thuyết ly kỳ mà còn là một bài học sâu sắc về việc giữ gìn và kiểm soát cái tôi cá nhân, cũng như tầm quan trọng của sự khiêm tốn và nhẫn nhịn trong cuộc sống.
* Bài viết này là góc nhìn của tác giả. Bạn đọc có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác.
Quốc Tiệp