Theo CNN, thời gian gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục có nhiều động thái thể hiện rằng Mỹ dường như đang định hình chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, ông Trump đã có hai cuộc trao đổi với Trung Quốc và với Nhật. Ông điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối ngày 9/2 và tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10/2.
Điều này đi ngược lại với lo ngại, ông Trump sẽ “bỏ rơi” chiến lược xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama.
Có điều, ông Trump chọn hướng đi theo một cách riêng. Cách ông gắn kết và cân bằng các mối quan hệ đang được đánh giá là mạnh mẽ và quyết đoán hơn so với người tiền nhiệm.
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, ngoài việc khẳng định nỗ lực đưa quan hệ song phương lên những bước phát triển mới, ông Trump đã khẳng định nước Mỹ tôn trọng và kiên trì chính sách “Một Trung Quốc”.
Tuyên bố này có thể nói đã đi ngược lại quan điểm mà ông Trump từng đưa ra sau khi đắc cử, khi cho rằng cần nhìn nhận lại chính sách này.
Vài giờ sau cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, ông Trump lại có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Sinzo Abe. Cái bắt tay dài tới 19 giây theo giới truyền thông ghi nhận giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe, được đánh giá là cái bắt tay lịch sử.
Cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đồng minh Nhật - Mỹ, vốn từng bị lo ngại sẽ trở nên “kém mặn nồng” dưới thời Tổng thống Trump.
Tại cuộc gặp này, hai bên đã ra tuyên bố chung xác nhận lại quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh và kinh tế giữa hai nước.
Trong bản Tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự biển dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm tự do hàng hải và các tự do trên biển hợp pháp khác. Đồng thời hai bên cũng phản đối mạnh mẽ những chủ trương uy hiếp, cưỡng chế, bạo lực xâm hại tới biển.
Cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Sinzo Abe mang một sắc thái đặc biệt: Trấn an. Phía Mỹ muốn trấn an đồng minh thân thiết của mình trước những lo ngại rằng, chính sách của Mỹ có thể sẽ có những thay đổi đối với khu vực châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái.
Nỗi lo ngại này không phải là vô căn cứ. Chẳng hạn việc Mỹ nhanh chóng rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước mà Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng, cho thấy những lo lắng đó là có cơ sở.
Vì lẽ đó mà Thủ tướng Abe đã nhanh chóng có những động thái tiếp xúc nhằm "làm rõ" hơn chính sách của Mỹ. Ông Sinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất gặp ông Trump trước khi nhà tỷ phú này nhậm chức và là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai, sau Thủ tướng Anh Theresa May thăm Mỹ sau khi ông Trump lên nắm quyền.
Những cử chỉ đón tiếp nồng hậu dành cho Thủ tướng Nhật Bản mang tính trấn an từ phía Mỹ cho thấy, ông chủ Nhà Trắng nhận thức rõ tầm quan trọng của quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm này.
Dường như ông Trump đang muốn chứng minh cho dư luận thấy rằng, ông đang thực sự quan tâm đến cả đồng minh cũng như đối thủ của Mỹ tại khu vực châu Á và không né tránh bất cứ bên nào.
Với những thể hiện đó, giới quan sát cho rằng, tân Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ hiện thực hóa chiến lược tái cân bằng, xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Xoay trục sang châu Á sẽ giúp Mỹ thực hiện được mục tiêu tăng cường sự hiện diện tại châu Á trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng khuyếch trương sự ảnh hưởng mạnh mẽ.
Việc quan tâm nhiều đến châu Á cũng được cho là nhằm thuận lợi hóa cho lộ trình hâm nóng mối quan hệ với Nga của ông Trump.
Theo nhận định của giới chuyên gia, trọng tâm hướng về châu Á sẽ có lợi cho vị tân Tổng thống Mỹ trong những kế hoạch phát triển sắp tới của Mỹ.
Xem thêm >> Người tác động khiến TT Trump nhìn nhận chính sách 'Một Trung Quốc'
Thanh Hiền