Sputnik dẫn lời nhật báo Le Figaro của Pháp cho hay một phần nguyên nhân khiến Nga giành lợi thế trong nhiều cuộc xung đột địa chính trị xảy ra trên khắp thế giới là nhờ sự chèo lái của Tổng thống Vladimir Putin.
Tờ báo chỉ ra các chiến lược mà Nga áp dụng trên trường quốc tế đều được ông Putin tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng với nền tảng kiến thức vững chắc về địa lý, chính trị cũng như các đặc điểm nổi bật của mỗi quốc gia, dân tộc.
Và một ví dụ điển hình cho nhận định này chính là sự kiện hồi tháng 10/2017. Khi đó, Tổng thống Putin đã ngắt lời Bộ trưởng Nông nghiệp Alexander Tkachov khi ông này có bài phát biểu kế hoạch xuất khẩu thịt lợn sang Indonesia.
Nhà lãnh đạo nước Nga giải thích ông Tkachov đã định hướng sai vì Indonesia là một quốc gia phần lớn dân cư là người Hồi giáo (87%). Điều đó đồng nghĩa với việc Nga không thể bán thịt lợn cho họ.
Không giống với người đồng cấp phương Tây, Tổng thống Putin có một sự am hiểu rộng lớn về sự khác biệt văn hóa nhờ chất lượng giáo dục từ thời Liên bang Xô viết, cũng như sự quan tâm đặc biệt của ông với địa lý và điều này giúp ông đưa ra được những chính sách thiết thực hơn, báo Le Figaro nhận định.
Tờ báo đưa ra ví dụ cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và cựu Tổng thống Mỹ George Bush không thể phân biệt giữa hai tộc Hồi giáo Shia và Sunni trong thời kỳ đầu mới nhậm chức. Hay như Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron cũng nhầm lẫn, gọi Guiana – vùng hải ngoại của Pháp tại Nam Mỹ - là một hòn đảo.
Sự hiểu biết có phần khiêm tốn và chưa trọn vẹn về địa lý nhiều lần đã mang đến cho các nhà lãnh đạo sự hiểu lầm các vấn đề địa chính trị quốc tế quan trọng.
“Chẳng hạn, tại Mali, các tay súng Hồi giáo được coi là mối đe dọa với lợi ích của nước Pháp, nhưng tại Syria, các tay súng lại trở thành đồng minh vững chắc của phương Tây chống Tổng thống Bashar Assad”, tờ Le Figaro viết.
Tờ báo Pháp nói rằng nền tảng kiến thức chưa thực sự đầy đủ và trọn vẹn của các nhà lãnh đạo thế giới đôi khi khiến họ hiểu nhầm về các vấn đề địa chính trị quan trọng, cũng như chưa xác định rõ được ai là bạn bè, ai là đối thủ trong từng hoàn cảnh và giai đoạn.
Và điều này dẫn tới các sai lầm địa chính trị mà đôi khi thế giới phải trả một cái giá đắt. Điển hình là sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều là kết quả từ lần Mỹ đem quân tới Iraq năm 2003 và hỗ trợ khủng bố tại Syria.
Tổng thống Putin được coi là có hiểu biết khá sâu về địa lý và điều này khiến ông đưa ra những quyết định có phần chính xác hơn.
Người hùng của nước Nga
Không ai có thể phủ nhận, trong hơn 10 năm cầm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có vô vàn những thay đổi táo bạo khiến nước Nga chuyển mình đầy ngoạn mục. Sự lãnh đạo thành công của ông được AP ca ngợi: “Hiếm chính trị gia nào bước ra từ trong bóng tối và nhanh chóng được chú ý ở cả trong lẫn ngoài nước như Putin”.
Dưới tài lãnh đạo của mình, ông Putin đã vực dậy nền kinh tế yếu kém của nước Nga sau cú sốc cải cách. Chất lượng cuộc sống của người dân Nga cũng tăng lên đáng kể. Trước khi ông Putin nắm quyền, GDP quy đổi theo sức mua tương đương bình quân đầu người của Nga là 9.889 USD. Đến năm 2017, chỉ số này đã tăng gần gấp ba, lên đến 28.000 USD, cao nhất trong số Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Cũng nhờ tài lãnh đạo của Putin, nước Nga dần khôi phục lại vị thế chính trị và kinh tế của mình trên trường quốc tế. Qua đó, thế giới dần hình thành trật tự mới, đó là đa cực. Không những giúp nước Nga vượt qua khủng hoảng, Tổng thống Putin còn đưa vị thế của Moscow nâng cao trên trường quốc tế. Nước Nga giờ đã mang những sức mạnh nội lực vô tận bất chấp những khó khăn và khủng hoảng phải đối mặt.
Với những kỳ tích đáng nể phục mà ông Putin đã làm được cho nước Nga trong những năm qua, có lẽ, không ai có thể phủ nhận rằng, Moscow đã có một bước tiến dài, ngoạn mục so với trước đó.
Xem thêm >> Bất chấp hình ảnh ông Putin bị "bôi xấu", công chúng thế giới tin Nga "quan trọng" hơn Mỹ