Bài phát biểu gây sốc
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe khiến người dân nước này hôm 19/11 không khỏi choáng váng khi không hề đề cập đến việc từ chức trong bài phát biểu trên truyền hình và thách thức đảng cầm quyền ZANU-PF.
Trước đó, đảng cầm quyền đã phế truất ông Robert Mugabe khỏi chức Chủ tịch đảng. Hàng trăm nghìn người cũng biểu tình kêu gọi nhà lãnh đạo này từ chức.
Dù theo nguồn tin từ thành viên cao cấp của Chính phủ nước này và nguồn tin thân cận với quân đội, trước khi có bài phát biểu, ông Mugabe thông báo sẽ từ chức trước toàn dân sau khi đảng ZANU-PF phế truất ông khỏi vị trí lãnh đạo đảng.
Tuy nhiên, khi ngồi giữa các tướng lĩnh, đọc bài phát biểu, ông Mugabe nhắc đến nhiều việc, ngoại trừ việc ông từ chức.
Trong bài phát biểu kéo dài 20 phút, ông Mugabe nói: "Đại hội của đảng cầm quyền ZANU-PF sẽ diễn ra trong vài tuần tới và tôi sẽ chủ trì việc này".
Ông Robert Mugabe, 93 tuổi đã lãnh đạo Zimbabwe trong suốt 37 năm qua, kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1980. Ông buộc phải từ chức nếu không ông sẽ phải đối mặt với việc bị luận tội.
Đằng sau việc không tuyên bố từ chức
Nhận định về việc không tuyên bố từ chức của ông Mugabe, tờ Zimbabwe Mail cho rằng, điều này có thể bắt nguồn từ quy định trong Hiến pháp của quốc gia này.
Hiến pháp Zimbabwe quy định, Tổng thống chỉ có thể thông báo từ chức bằng văn bản gửi tới Chủ tịch Quốc hội. Và Chủ tịch Quốc hội sau đó thông báo đến toàn dân. Bản thân ông Mugabe không thể tự tuyên bố từ chức.
Tại cuộc họp hôm 19/11, lãnh đạo đảng Zanu PF cho biết sẽ tiến hành các thủ tục phế truất ông Mugabe theo Điều khoản 97 của Hiến pháp Zimbabwe nếu nhà lãnh đạo tiếp tục cố vị.
Hãng tin AP dẫn lời đại diện đảng cầm quyền Zimbabwe ZANU-PF, ông Lovemore Matuke cho biết: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ kế hoạch luận tội với ông Robert Mugabe. Quyết định của Ủy ban trung ương đảng vẫn được giữ nguyên cho tới khi có thêm tham vấn nào khác”.
Trước đó, đảng ZANU-PF tuyên bố phế truất chức lãnh đạo đảng của ông Mugabe và buộc ông từ chức trước 12 giờ trưa nay 20/11 hoặc phải đối mặt với nguy cơ luận tội. BBC dẫn nguồn thạo tin cho biết, ông Mugabe có thể bị luận tội vào cuối tuần này.
Ông Matuke cho biết: “Bài phát biểu khiến chúng tôi bất ngờ. Nó đúng như kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi đã nghĩ rằng, việc ông ấy từ chức nhằm tránh bị luận tội một cách đáng hổ thẹn. Quân đội có hướng đi của riêng mình và các chính khách cũng có hướng đi riêng, nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo ông ấy phải ra đi”.
Dưới những năm ông Mugabe lãnh đạo, Zimbabwe là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Dẫu vậy, nguồn cơn dẫn đến khủng hoảng chính trị ở nước này không phải từ Tổng thống, mà được cho là chính từ người vợ hai của nhà lãnh đạo, bà Grace Mugabe cùng tham vọng kế nhiệm chồng.
Những năm gần đây, khi tình hình sức khoẻ của Tổng thống Mugabe sa sút, bà Grace Mugabe càng thể hiện khao khát mãnh liệt được trở thành nhà lãnh đạo đất nước. “Họ nói rằng tôi muốn trở thành Tổng thống. Tại sao không chứ? Chẳng lẽ tôi không phải công dân Zimbabwe à?”, vị phu nhân nói trong một buổi gặp gỡ người dân.
Bà và cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa từng được xem là những đối thủ để trở thành người kế nhiệm của ông Mugabe.
Tình thế đấu đá lên đến đỉnh điểm khi Đệ nhất phu nhân ngày 5/11 công khai cáo buộc ông Mnangagwa tìm cách làm suy yếu quyền lực của Tổng thống và chia rẽ đảng.
Hôm 6/11, bà Grace dường như tin chắc sẽ là người kế nhiệm chồng mình, khi Tổng thống Zimbabwe sa thải ông Mnangagwa. Việc sa thải này được coi là động thái dọn đường cho đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, sau đó binh biến đã xảy ra ở Zimbebwe. Hệ lụy là một cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết...
Xem thêm >> Tổng thống Robert Mugabe mất vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền