Cho đến nay, "cây nêu", "câu đối đỏ" dường như không còn được thịnh hành, "tràng pháo" bị cấm từ lâu nhưng "thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh" chắc còn lưu truyền mãi và không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên của mỗi gia đình người Việt.
Nói đến bánh chưng là chúng ta nhớ ngay đến hương vị thơm ngon của nó. Gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, muối tiêu... được gói lá dong xanh và luộc nhừ, ép chặt tạo thành hương vị độc đáo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y học, bánh chưng là một món ăn giàu năng lượng - đầy đủ các thành phần đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng.
Một góc bánh (1/8 chiếc bánh) có giá trị dinh dưỡng tương đương khi bạn ăn một bát cơm đầy với thức ăn. Mặc dù giàu năng lượng nhưng loại bánh này lại thiếu chất xơ.
Bánh chưng, thịt mỡ có giá trị dinh dưỡng rất cao
Theo bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn của Viện Dinh dưỡng quốc gia, ba nguyên liệu chính để gói bánh chưng là gạo nếp, đậu và thịt mỡ có thành phần dinh dưỡng như sau:
* Gạo nếp 100 gam cho 346 kcalo, chất tinh bột 74.9 g, chất đạm 8.6 g, chất béo 1.5 g, chất xơ 0.7 g và nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.
* Đậu xanh 100 gam cho 328 kcalo, chứa tinh bột 53.4 g, chất đạm 23.4 g, chất béo 2.4 g, chất xơ 4.7 g, và nhiều vitamin nhóm B như các loại ngũ cốc khác. Đặc biệt đạm trong đậu có hàm lượng cao, hấp thu tốt, tỉ lệ thải bỏ thấp.
* Thịt heo mỡ 100 gam cho 394 kcalo, đạm 14.5 g, béo 37.3 gam, không có bột đường.
Theo đó, bánh chưng thịt mỡ đúng là những thực phẩm hài hòa thành phần và có giá trị dinh dưỡng cao.
Dưa hành lại có nhiều dưỡng chất tốt
Hành thường được dùng làm thành phần chính trong món ăn hoặc dùng như là gia vị. Người đầu bếp có vô số món luộc, om, chiên, nướng, xào, như bò xào hành, gà hấp hành, súp hành tây… và có thể được ăn sống như loại rau.
Trong 100 gam hành tây cho khoảng 40 kcalo, trong đó có 89% nước, 4% đường, 1% protein, 2% chất xơ và 0,1% chất béo, một số vitamin và yếu tố vi lượng. Trong hành có rất nhiều chất sinh học (phytochemical) như các nhân đa phenolic, các flavonoid, hợp chất có lưu huỳnh, sắc tố anthocyanin.
Củ hành có giá trị rất lớn cho sức khỏe. Trong hành có trên cả chục hợp chất làm giảm cholesterol xấu LDL, tăng cholesterol tốt HDL, chống đông máu, ngăn ngừa sự xơ vữa động mạch vốn là ngòi nổ cho các bệnh về tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp. Nhờ có flavonoid quercetin, hành có khả năng ngăn ngừa ung thư. Một nghiên cứu được thực hiện tại Hà Lan trên 121.000 người (nam và nữ) cho thấy nếu dùng củ hành trong bữa ăn hằng ngày sẽ có tác dụng ngăn ngừa ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư thực quản, ung thư tiền liệt tuyến... Nhờ tinh dầu bay hơi, hành cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, cảm cúm... Các hợp chất flavonoids vốn là những chất kháng ôxy hóa nổi tiếng giúp ngăn chặn hư tổn tế bào do sự hình thành các gốc tự do. Các hợp chất sulphur trong củ hành giúp tăng lượng cholesterol “tốt” và “dọn dẹp” những mảnh vữa đeo bám ở thành mạch máu, giúp hạn chế các bệnh tim mạch.
Dưa hành cũng là một loại thực phẩm lên men chứa nhiều vi khuẩn có ích cho đường ruột, probiotic giúp bảo vệ và “nâng cấp” màng nhầy ruột và tạo ra các loại enzyme hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể.
Ẩm thực người Việt luôn coi trọng sự hài hòa, cân bằng trong hương vị vì thế đi kèm với sự đậm đà, ngậy béo của bánh chưng, thịt mỡ... không thể thiếu món dưa hành, củ kiệu hay dưa món thanh thanh, chua mát.
Không những thế, loại thực phẩm này còn giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. Bên cạnh đó, vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành, củ kiệu sẽ giúp gia tăng hương vị của những món ăn khác, đặc biệt kích thích tiêu hóa khi bạn ăn thực phẩm nhiều đạm, lipid, chất béo... như bánh chưng.
Phong Linh (tổng hợp)