Đứng trước mẹ và vợ, một người sinh thành nuôi dưỡng mình, một người đi với mình hết đời, cả hai người đều quan trọng, vì thế không thể đem lên bàn cân rồi bắt con trai/chồng lựa chọn.
Những “nỗi sợ” bắt nguồn từ tâm lý
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng: “Nguyên nhân những mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn đã có từ trong nếp nghĩ cũ, được truyền từ đời này sang đời khác, đến thời nay đã cổ hủ, song, vẫn còn tàn dư.
Tâm lý một người mẹ, sau bao ngày tháng chăm sóc, nuôi dưỡng con trai đến khi trưởng thành, dẫn một cô gái lạ lẫm ở đâu về làm dâu, người mẹ chắc chắn có sự ghen tuông sâu lắng ở trong lòng, lo rằng con trai mình sẽ yêu quý cô gái kia và xa lánh mẹ”.
Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, trung tâm tư vấn tâm lý 247 cho rằng: “Xuất phát từ tâm lý sợ mất con, một bộ phận bà mẹ khi con trai đi lấy vợ thì cảm thấy lo lắng, mặc dù con trai và con dâu cưới xong sống cùng nhà với mình. Đặc biệt là những người mẹ không còn chồng ở bên cạnh, hoặc gia đình có một “cậu ấm”.
Điều đó dẫn tới việc khi có con dâu, họ thường có cảm giác như bị sẻ chia tình cảm duy nhất đó. Tìm nhiều cách để tách con trai với con dâu ra mỗi khi có thể. Người mẹ thường dễ buồn đau khi thấy con trai mình cười với con dâu, hay gắp thức ăn cho con dâu… Hoặc khi hai vợ chồng ở phòng riêng lâu với nhau. Có những người mẹ còn giả bộ ốm nặng để lôi kéo sự quan tâm của con trai mình”.
“Yếu tố văn hóa của hai gia đình khác nhau. Mỗi người đều sinh sống theo thói quen của văn hóa gia đình mình, đồng thời mỗi gia đình lại có sự khác nhau về văn hóa đó. Văn hóa càng khác nhau dẫn tới mâu thuẫn càng nhiều.
Nhận thức khác nhau: Mẹ chồng, nàng dâu cùng là phụ nữ nhưng ở hai thế hệ khác nhau, trình độ, suy nghĩ khác nhau”, anh đánh giá.
Chuyên gia tâm lý Pepper cũng khẳng định: “Mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu vốn bắt nguồn từ tình yêu và chỉ có thể giải quyết bằng tình yêu. Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng tôi xin kể một câu chuyện trước.
Có một người phụ nữ, mấy chục năm trước mang nặng đẻ đau và sinh ra một cậu con trai. Bà đã tảo tần ngược xuôi nuôi con bà khôn lớn, bà ấy sẽ yêu con và lo cho con cho đến hết cuộc đời, bà vẫn lo và xem anh ấy như đứa con bé bỏng. Và người phụ nữ ấy chính là mẹ chồng.
Nhưng, khi lớn lên, người con trai ấy sẽ chở vợ đi ăn nhiều hơn, ngủ với vợ nhiều hơn, ở nhà riêng với vợ, tiền kiếm được anh ấy cho vợ con nhiều hơn. Và còn nhiều nhiều thứ khác nữa anh ấy dành cho vợ, mà không phải cho người phụ nữ tảo tần kia”.
“Vậy thì, có đáng trách, đáng hận không khi người mẹ chồng ganh tị một tí, hờn trách một tí, khó dễ với con dâu một tí. Không! Mẹ chồng đáng để yêu thương hơn là đáng trách, đáng giận.
“Mẹ chồng” bỏ chữ “chồng” còn chữ “mẹ”. Vì vậy, tại sao không yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột, trao thật nhiều điều đẹp và niềm vui.
Cuối cùng thì chẳng người con trai nào bỏ mẹ của họ cả. Vì với họ, mẹ là duy nhất.
Đừng bắt chồng mình phải chọn giữa mẹ và vợ, anh ấy sẽ khó xử vô cùng. Đừng cố gắng bắt anh phải bênh vực vợ trước mặt mẹ, bà sẽ tổn thương biết mấy và vì thế sau đó bà sẽ càng khó chịu với con dâu hơn”, bà phân tích.
Cuối cùng, chuyên gia tâm lý Pepper nhấn mạnh: “Hãy cố gắng đứng cùng chiến tuyến với mẹ chồng, hãy yêu thương như mẹ ruột vì bà chính là “cầu nối” vững chắc cho hôn nhân của hai vợ chồng. Và thật không phải lẽ nếu vì vợ mà chồng khiến cho mẹ, người phụ nữ hy sinh tất cả vì họ, tổn thương”.
“Liều thuốc” tình cảm
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, việc hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu thuộc vấn đề đạo đức, không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được. Trước hết, nếu mẹ chồng “mở lòng”, coi việc đón con dâu vào nhà như một bảo bối “hời”, không sinh mà lại có thêm một cô con gái gọi mình bằng mẹ thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn. Và người con dâu nào cũng có cách suy nghĩ đôn hậu như nữ thi sỹ Xuân Quỳnh thì cũng chẳng có mâu thuẫn, xích mích nào:
“Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy đã từng là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời yêu mẹ mẹ ơi…”
Theo chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, trong mỗi gia đình, người chồng nên là “cầu nối” giúp mẹ và vợ có cơ hội hiểu nhau, luôn ở thế trung lập. Mỗi tuần hoặc mỗi tháng nên thống nhất dành cho nhau một buổi để nói ra những suy nghĩ của mình, và mong muốn của bản thân, trên cơ sở thật sự lắng nghe và tôn trọng đối phương.
Anh nhấn mạnh: “Để hóa giải mâu thuẫn thì cần cả mẹ chồng, nàng dâu hợp tác với nhau. Tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh “nắm chìa khóa” thì người đó chính là mẹ chồng. Mẹ chồng là người gương mẫu, chuẩn chỉ thì con dâu sẽ kính nể từ đó thay đổi để theo nếp nhà chồng”.
“Ở góc độ chuyên gia cũng như cá nhân, tôi ủng hộ việc sau khi kết hôn, nếu bố mẹ còn khỏe thì các cặp vợ chồng trẻ nên ở riêng. Bố mẹ cũng như vợ chồng trẻ có cuộc sống riêng của mình. Sau khi bố mẹ già, hoặc còn một bố, hoặc mẹ thì đón về ở chăm sóc dưỡng già. Điều quan trọng là trong khoảng thời gian ở riêng đó duy trì được sự kết nối quan tâm thường xuyên, và là “cầu nối” cho mẹ chồng, nàng dâu hiểu, để sau này khi bố mẹ già về chung sống được hòa thuận”.