Dịch bệnh bạch hầu bùng phát ở một số địa phương khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Cho đến thời điểm hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận tổng cộng 25 trường hợp dương tính với bạch hầu. Trong đó, có 2 ca tử vong. Gia Lai cũng phát hiện 10 ca bạch hầu, 1 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với BS Ngô Việt Hùng (chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Hữu nghị Việt-Tiệp) để lý giải về việc dịch bệnh bạch hầu bùng phát trái mùa.
Được mệnh danh là “hiệp sĩ” chống dịch vậy ông đã từng trải qua những "cơn cuồng phong" của bệnh bạch hầu?
Trước hết chúng ta phải hiểu bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu hình que (Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Thời gian nó có thể ủ bệnh từ 2-5 ngày hoặc lâu hơn. Nó lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp…Người dễ mắc bệnh bạch hầu thường là những người chưa được tiêm chủng để phòng bệnh.
Những năm trước đây, khi chưa có tiêm chủng mở rộng ca bệnh khá nhiều. Năm nào cũng có, mùa nào cũng có, dịch bệnh bạch hầu cũng xuất hiện và đa phần xuất hiện ở nông thôn, nó rất nặng nề và nguy hiểm. Nhưng sau đó cũng đã có thuốc chuyên về đường hô hấp và thuốc đặc hiệu nên sự lây lan của dịch bệnh cũng đã giảm đi khá nhiều.
Còn nhớ, ngày ấy chúng tôi phải chống dịch hơn “chống giặc” và là những đơn vị “thiện chiến” ở tuyến đầu. Dịch bệnh bệnh hầu thường bùng phát vào mùa đông xuân.
Thời điểm hiện tại đang là mùa hè vậy tại sao dịch bệnh bạch hầu lại xuất hiện và diễn biến khá phức tạp?
Hiện nay thời tiết diễn biến khá phức tạp và có sự chuyển mùa liên tục nên trong môi trường ẩm dịch bệnh dễ bùng phát. Hơn nữa, việc tiêm chủng ở miền núi điều kiện khó khăn, phương tiện đi lại, địa hình không thuận lợi nên để đạt được 90% đến 95% dân số trẻ em được tiêm chủng thì khó.
Vậy nên chúng ta phải bảo vệ được ít nhất trên 70% dân số mới không lo ngại về dịch bệnh, dù dịch bệnh có xuất hiện nhưng khi được tiêm chủng chúng ta sẽ an tâm hơn.
Nhiều người đã từng tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, bác sĩ có thể lý giải điều này?
Một số người đã từng tiêm vaccine nhưng vẫn dính dịch bệnh là do cơ địa của họ quá yếu, không đáp ứng được miễn dịch. Đặc biệt hơn, nếu vaccine không được đảm bảo, việc tiêm để phòng bệnh cũng không đủ yêu cầu.
Cách để phòng, tránh dịch bệnh bạch hầu thưa ông?
Dịch bệnh bạch hầu không khó phòng tránh nếu người dân chú ý và làm theo hướng dẫn. Thứ nhất chúng ta đã có vaccine, vậy nên cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lứa tuổi. Thứ 2, để tránh lây lan dịch bệnh bảo vệ các đường hô hấp của mỗi người. Những ai có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Mai Thu