Kỳ lạ chuyện "cụ rùa" "cõng" trẻ con
Theo chân anh Nguyễn Trung Tính (30 tuổi, cán bộ ban đền bù đất huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), PV báo ĐS&PL tìm về chùa Khánh Hưng vào buổi chiều tà để xác minh thực hư ngôi chùa thu hút những con vật có khả năng kỳ lạ. Nếu không tận tai nghe bà con của ấp Tân Thuận kể lại, PV sẽ không tin ở thế kỷ 21 có chuyện “cụ rùa” cõng trẻ con đi chơi khắp xóm, hay cặp rắn khổng lồ tìm về chùa tu đạo.
Anh Nguyễn Trung Tính cho biết: "Chùa Khánh Hưng xưa nay nổi tiếng có nhiều ký tích xuất hiện. Tôi đã từng chứng kiến cụ rùa về chùa vào ngày rằm hàng tháng, thấy "vợ chồng" rắn mãng xã xuất hang vào nằm dưới tượng Phật trong chùa mà nghe kinh Phật. Khoảng năm 1999-2000, tôi học tại trường cấp 3 gần chùa, tôi hay vào chùa nghỉ trưa và ôn bài cùng người bạn đang tu ở đây. Trong mấy năm đó, tôi tận mắt thấy cụ rùa về chùa, tắm dưới ao sen, chơi đùa cùng trẻ con. Người dân nơi đây lúc thì gọi ông rùa là “ông quy”, lúc lại gọi là “cụ rùa”. Họ cho là "ông quy" biết nghe giảng đạo. Sự việc này là có thật bởi khi còn là học sinh, nhiều lần tôi thấy "ông" vào sân chùa nằm im những lúc chùa tụng kinh".
Chia sẻ thông tin về "ông quy" biết nghe "giảng đạo", các bậc cao niên sống ở ấp Tân Thuận nhớ lại: "Chúng tôi không ai biết chính xác "ông quy" về khi nào. Nhưng từ lâu lắm, cứ mỗi ngày rằm hàng tháng, dân xung quanh ngôi chùa khi ấy còn là tường tre, mái lá, đã thấy “ông” lừng lững, ngạo nghễ đi trong sân chùa. Khi về xóm, "ông quy" khó đoán tuổi này dáng điệu bò chậm chạp, xem chừng cũng có thể được khoảng tuổi cụ, tuổi kị. "Ông quy" hay xuất hiện vào ngày lễ lớn của chùa nên bà con mới khuyên nhau nên xưng hô tôn kính, từ đó danh xưng "cụ rùa" hay "ông quy". Những danh xưng như trên dần được mọi người sử dụng khi nhắc đến con rùa bí ẩn này".
Theo lời anh Tính miêu tả: “Cụ rùa” ở chùa Khánh Hưng có kích thước gần tương đương với “cụ rùa” ở Hồ Gươm, cái mai sần sùi to bản nhưng rất hiền lành. "Ông quy" đã già, da nhăn nheo. Dáng vẻ to lớn nhưng "ông quy" rất lành tính, đặc biệt rất thân thiện với trẻ con trong xóm. "Ông quy" không sợ hãi trước sự chọc phá, cũng không tìm cách trốn tránh con người. Ngày trước, "ông quy" thường đi ngang qua trường học của chúng tôi. Mấy đứa học trò cấp 1 hay lấy cây chọc phá, ném đá vào mai rùa, nhưng "ông quy" chẳng mảy may sợ hãi, cứ điềm tĩnh lê bước dạo khắp xóm trong tiếng hò reo của trẻ con, tiếng xình xịch của xe cộ. Thấy con vật có khả năng lạ kỳ, người dân dần quen thuộc rồi yêu quý, trông đợi ngày "ông quy" về thăm hàng tháng".
Chùa Khánh Hưng vừa được xây mới rất khang trang.
Bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung) miêu tả "ông quy" trong trí nhớ: "Ông có chiếc mai nặng trịch, rộng khoảng 0,4m2, đen bóng, nhiều sọc chằng chịt, tạo thành các họa tiết kỳ lạ giống chữ Hán. Nếu giờ "ông quy" còn sống thì chắc cũng gần trăm tuổi. Nhưng lâu không thấy ông về, nhớ lại cũng thấy buồn". Chính từ sự xuất hiện như có lịch hẹn trước và thân thiện với con người của "ông quy", khiến người dân trong ấp dần quen thuộc rồi sùng kính "ông quy" kỳ lạ này. Họ bắt đầu xem "ông quy" là niềm tự hào, con vật linh thiêng của trời đất, nên vô cùng tôn kính. Từ chỗ chọc phá, bọn trẻ chuyển sang chơi đùa, nhiều đứa mạnh dạn leo lên lưng cho "ông quy" “cõng” đi khắp xóm.
Lý giải về nguyên nhân "ông quy" hay tìm đến chùa, ban trụ trì chùa Khánh Hưng cho rằng: "Cảnh vật xưa kia của chùa Khánh Hưng tĩnh mịch, gần gũi nên thu hút nhiều sinh vật kỳ lạ đến nương náu. Chùa cũ lợp mái lá, sau được tu sửa chỉ lớn bằng ngôi nhà bình thường. Mái chùa thấp thoáng dưới những cây cổ thụ thuộc hàng gỗ quý như sao, dầu, bồ đề. Thế nên, đây trở thành môi trường sống lý tưởng của muông thú. Đặc biệt là những con vật có linh khí như “ông quy” và cặp mãng xà khổng lồ".
Cũng từ câu chuyện này, chùa Khánh Hưng nổi tiếng gần xa với giai thoại gắn với "ông quy" kỳ lạ, người hiếu kỳ từ khắp nơi về Tân Hòa xem con vật lạ. Trong khoảng thời gian này, chùa cũng bắt đầu xây mới với diện tích được mở rộng. Để phục vụ cho việc xây mới, nhà chùa cho người chặt nhiều cây cổ thụ, lấp ao sen trước sân chùa. Việc đến và đi bí ẩn cũng như "nguồn gốc xuất phát" của mình, khiến việc "ông quy" xuất hiện "định kỳ" trở thành một hiện tượng lạ, chưa có lời giải đáp.
Cặp mãng xà khổng lồ rời hang tu đạo?
Trong dòng hồi ức của anh Tính, trước đây khuôn viên chùa Khánh Hưng có một cây bồ đề khổng lồ. Cây bồ đề ước chừng mấy trăm năm tuổi, năm người ôm không xuể, tán cây rợp mát cả một góc sân cũng là một trong những "bảo vật" của chùa. Thế nhưng, nhà chùa và người dân chỉ bắt đầu quan tâm đến cây bồ đề cổ thụ khi phát hiện dưới gốc cây quý có một cặp mãng xà khổng lồ trú ngụ. Anh Tính cũng như mọi thành phần người dân Tân Hòa đều biết chuyện thân cây bồ đề to rộng, bị khoét thành một hang sâu, tối mịt là cái hang tự nhiên của cặp mãng xà.
Các bậc cao niên đất này kể lại rằng, người đầu tiên phát hiện cặp mãng xà khổng lồ là vị trụ trì đời trước của chùa. Trong một lần quét sân, sư thầy bất thần thấy hai con rắn to lớn trồi lên từ dưới gốc cây cổ thụ. Chúng đi ngang qua mặt sư thầy, rồi lặng lẽ bò vào chùa, quấn dưới chân tượng Phật. Nghĩ loài vật linh có lòng ngộ đạo, sư thầy lặng lẽ vun vén cho cuộc sống tự nhiên của cặp mãng xà tại chùa. Thông tin thêm về việc hy hữu này, anh Nguyễn Trung Tính cho biết: "Hai con mãng xà này lớn lắm, chúng sống quấn quýt với nhau ở chùa và hiền như vật nuôi. thường ít người thấy cặp mãng xà này xuất hiện. May ra đến đêm, khi đất trời như hợp làm một, chúng mới trườn lên, vắt mình trên các cụm rễ khổng lồ của cây đại thụ và bò đi kiếm ăn".
Tuy nhiên, sự xuất hiện của cặp mãng xà to lớn khiến người dân hoang mang. Nhiều người tin rằng chúng sẽ là hiểm họa của gia súc và nguy hại cho mấy đứa trẻ con hay vào chùa chơi đùa. Thế nên, nhiều người dân đến xin ý kiến trụ trì chùa để tiêu diệt hai con rắn khổng lô,ì nhưng trụ trì lại tin rằng chúng là loài có linh tính, ngộ đạo, không hại ai. Hơn thế, ông cho rằng, hai con mãng xà này chỉ đến chùa để tu chứ không có ý phá quấy, làm hại con người. Bằng chứng là từ ngày bị sư thầy phát giác, chưa có một việc đáng tiếc nào xảy ra có liên quan đến cặp mãng xà. Một người dân trong vùng cho biết: "Hai con mãng xà này lớn lắm, chúng sống quấn quýt với nhau ở chùa và hiền như vật nuôi, hiếm khi nào thấy được cặp rắn như thế này. Chỉ đến ngày rằm hay lễ lớn chúng mới xuất hiện".
Vào ngày rằm, khi nhà chùa mở lễ, có người dân sợ đến rợn tóc gáy, nổi da gà khi tận mắt chứng kiến cảnh hai con mãng xà thân đen kịt, ngóc đầu trườn ra từ góc bồ đề đại thụ bò ngang qua sân vào chùa. Chứng kiến cảnh ấy, người dân tin rằng chúng biết ngửi được mùi thức ăn trong lễ vật của người dân mang lại. Tuy nhiên, chuyện không thể ngờ đã diễn ra trước mặt đông đảo mọi người. Hai con rắn bò lên bậc tam cấp, tiến thẳng đến chân tượng Phật rồi quấn mình nằm yên...
Việc loài linh vật mất tích vẫn là bí ẩn Người dân, nhà chùa cho biết hiện vẫn không ai lý giải được lý do tại sao "ông quy" và cặp rắn mãng xà lại bỏ chùa, bỏ dân vùng Tân Thuận đi mất. Nhiều người cho rằng, do cảnh cũ người xưa đã đổi thay, nên không còn hợp linh khí nên vật thiêng cũng bỏ mà đi. Trụ trì chùa Khánh Hưng hiện nay, sư cô Thích nữ Vân Nghiêm cũng chỉ biết lắc đầu tiếc nuối: "Tôi vừa đến đây được mấy năm, nghe người dân trong vùng cũng truyền tụng nhiều về hai con vật ly kỳ này. Các trụ trì trước cũng có truyền lại nên cũng thấy hoài niệm". |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn