Hơn hai năm sau ngày anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1975, P.2, TP.Tân An, Long An) sống lại và tiếp tục chết, người nhà gia đình vẫn không thể quên được những giây phút hãi hùng kỳ lạ đã xảy ra. Bà Nguyễn Thị Kim (mẹ đẻ của anh Hùng) vẫn ngày ngày cầu nguyện linh hồn đứa con đoản mệnh, sống khôn thác thiêng về phù hộ để gia đình được đoàn tụ.
Bà Kim vẫn chữa thể quên được ngày con trai chết đi sống lại
Bị “thần chết” bắt hụt
Nói chuyện với chúng tôi, bà Kim bần thần nhớ về đứa con trai của bà những ngày còn sống. Bà cho biết, Hùng là con trai cả trong nhà năm anh em. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, so với bạn bè, Hùng cũng như mấy đứa em, không ai được ăn học tử tế. Và rồi lớn lên, cái nghèo, cái khổ cứ vận vào đời Hùng như một định mệnh. Sau này, Hùng phải ngược xuôi TP. HCM, Vũng Tàu… làm phu hồ, cửu vạn. Thi thoảng, chàng trai nghèo mới có ít tiền gửi về giúp mẹ nuôi các em. Nhìn lại hoàn cảnh, Hùng thầm nghĩ sẽ chẳng bao giờ có ai dại dột mà yêu và cưới mình. Tuy nhiên có lẽ cũng tại chữ “duyên”, ít lâu sau anh gặp được một “nửa” của mình. Đó là một cô gái quê miền Trung với chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng. Hoàn cảnh của cô chẳng khá hơn Hùng là mấy. Hai người cùng nhau chấp nhận cuộc sống “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. “Đến khi hai đứa cháu nội lần lượt chào đời, tôi cũng chỉ biết cuộc sống chúng đã khốn nay càng thêm khó”, bà Kim nhớ lại.
Vào khoảng tháng 4/2010, Hùng và vợ xảy ra cãi vã. Ngày hôm sau, anh biến mất trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Những ngày tháng sau đó, vợ Hùng hoàn toàn không biết chồng đi đâu. Một ngày nọ, Hùng đột ngột trở về nhà người em gái thứ ba, trên tay mang theo túi ni lông đựng nhiều thuốc chữa bệnh. Người em hỏi: “Anh Hai bị bệnh gì mang uống nhiều thuốc dữ vậy?”. Hùng chỉ qua quýt: “Bị mấy bệnh lặt vặt thôi, không sao cả”. Sau này thấy anh trai mệt mỏi, mồ hôi ướt dầm, hay kêu đau ở bụng nên cô em gái khóc lóc, yêu cầu anh đi bệnh viện. Bất đắc dĩ, anh Hùng lọ mọ vác thân xác đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi hội ý, các bác sĩ chẩn đoán: Hùng bị ung thư túi mật ở giai đoạn cuối. Có dấu hiệu di căn sang một số bộ phận khác trong cơ thể. Gia đình nên đưa về nhà chăm sóc vì nếu có nằm viện, chỉ thêm tốn kém. Căn bệnh này không có thuốc chữa. Không tin đó là chuyện thật, anh Hùng tiếp tục đi sang một số bệnh viện khác khám lại. Và các kết quả nhận được khiến anh đau đớn.
Thất vọng với căn bệnh quái ác, Hùng khăn gói đến nhà mẹ đẻ nằm chờ đợi ngày về với tổ tiên. Từ khí Hùng nằm trong “vòng tay” của “thần chết”, không khí trong gia đình anh nặng nề. Ai cũng thờ dài ngao ngán và thấp thỏm lo lắng. Rồi từ ngày phát bệnh, Hùng nằm lì một chỗ trong nhà. Nhớ các con, anh lại tủi phận trách cảnh đời nghiệt ngã. Một tháng trôi qua, Hùng tiều tụy trông thấy. Thân hình trai tráng ngày nào bỗng gầy rọp chỉ còn da bọc xương. Bà Kim không kìm được nước mắt nhớ lại: “Đó là chuỗi thời gian khốn khổ nhất của Hùng. Ông trời đã định đoạt như thế tôi không thể nào giúp con được. Hàng ngày phải ngậm ngùi nhìn Hùng sống mà như chết”. Và đến ngày 15/6/2010, đúng hơn 50 ngày phát bệnh, trong bữa cơm chiều, Hùng bước ra tấm đệm trải trên nền gạch nằm nghỉ. Dọn dẹp nhà cửa xong, bà Kim thấy con trai nằm im chẳng hề có một cử động nào. Bà liền bước lại, kéo tấm mền định đắp lên mình con thì phát hiện Hùng đã tắt thở từ lúc nào. Nước da của con trai bà đã chuyển sang trắng nhợt. Bà Kim liền òa khóc nức nở. Nghe tiếng mẹ khóc, người nhà anh Hùng ùa vào kiểm tra. Họ ngắt sợi tóc đưa lên trước miệng, mũi anh nhưng không thấy sợi tóc rung rinh. Người thân trong nhà đã hiểu rằng Hùng đã tắt thở và đi về thế giời bên kia. Biết chuyện, mọi người trong khu phố nghe tin đều tranh thủ đến viếng thăm và chia buồn với gia đình có người thanh niên xấu số.
Bỗng nhiên sống dậy tiên đoán ngày chết “thật”
Thấy Hùng đã chết, mọi người ai nấy tiếc thương lo hậu sự. Thi thể anh được đặt nằm trên tấm phản ở giữa nhà. Người thân trùm tấm vải liệm, trên bụng dặt nải chuối và thầy cúng làm lễ nhập quan. Trước đó, họ tức tốc gọi điện cho vợ, con của Hùng từ Bà Rịa- Vũng Tàu về nhìn mặt chồng, cha lần cuối. Cả đêm đó, do nhà chật hẹp nên mọi người đều ngồi ngoài con hẻm để nghỉ ngơi. Riêng người em út của Hùng là Nguyễn Văn Trí mạnh dạn ngồi bên thi hài anh trai. Đến nửa đêm, Trí thấy dưới tấm vải trắng, bàn tay anh trai động đậy. Giật mình, anh Trí dụi mắt vì cho rằng mình gặp ảo giác. Thế nhưng, đến khi thấy cả thân hình anh Hùng run lên bần bật, bất ngờ thò bàn tay khỏi tấm vải trùm, cất giọng đòi uống nước, xin hút thuốc lá, ai nấy đều giật bắn mình. Họ bỏ chạy tán loạn. Có một số người sợ quá, lao vội từ nền gạch xuống dưới đường, ngã chổng vó. Một số trường hợp khác thì ngất xỉu tại chỗ.
Bà Kim cho biết, Hùng dụi mắt, khuôn mặt phờ phạc, ngơ ngác nhìn quanh như người vừa tỉnh sau giấc mơ dài. Ai nấy mặt mũi tái ngắt tự bấm, bẹo mình xem phải là trong cơn mộng. Khi đến nắm tay Hùng, mọi người mới tin Hùng là người trần thực thụ chứ không phải “sứ giả” của âm phủ trở về. Sau khi biết mình vừa chết đi sống lại, Hùng mới nhớ mang máng rằng: “Hình như trước khi chết, tôi có một giấc mơ lạ. Trong giấc mơ có một ông lão tóc bạc, bảo anh đến đúng ngày 15/7 (tức 1 tháng sau) sẽ chết thật”. Lúc đó mọi người nháo nhác hỏi thêm nhưng Hùng lắc đầu không con nhớ gì. Đến đây mọi người vừa mừng, vừa lo. Mừng vì anh vẫn còn sống, lo vì lời nguyền của “ông lão tóc bạc” kia sẽ đúng sự thật hay không. Suốt quãng thời gian đó, gia đình lại sống trong cảnh hồi hộp lo âu. Họ sợ rằng Hùng sẽ về “âm phủ” một lần nữa.
Quả như lời tiên đoán, đúng một tháng sau, tức ngày 15/7, anh Hùng “chết thật”. Ngày tang lễ, mọi người cũng đặt Hùng nằm như trước, nhưng lần này phép màu đã không xuất hiện. Gia đình chính thức tổ chức tang lễ trong sự buồn đau tiếc nuối. Điều đáng nói, chính cái chết khác người của Hùng mà những câu chuyện ma mị, liêu trai được đồn thổi. Bởi họ cho rằng, giữa giấc mơ lạ và lời tiên tri của Hùng khi sống lại có mối quan hệ với nhau. Họ bảo hùng là “sứ giả” thần chết, người bảo Tiên, thánh thần… Bởi vì nếu người thường thì không thể nào đoán biết được đích xác ngày mình về thế giới bên kia. Tuy nhiên, sau đó, người ta cũng hiểu đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Cuộc sống thực tại của bà Kim sau ngày con mất bội phần khó khăn. Đến giờ hai đứa cháu nội cùng người con dâu của bà cũng bặt vô âm tín. Nói chuyện với chúng tôi, bà Kim thở dài: “Nếu linh hồn con có linh nhiệm thì hãy phù hộ cho vợ và các con về tụ họp với mẹ”. Nói đến đây, bà Kim lặng lẽ giấu đôi mắt đỏ hoe nhìn lên di ảnh của con trai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Liêm, Giám đóc Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, trường hợp chết đi sống lại như anh Hùng không phải là hiếm. Ở Việt Nam và trên thế giới cũng xảy ra nhiều chuyện tương tự. Hiện tượng nói trên, khoa học có thể lí giải là bệnh nhân đã rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Đó là hiện tượng tim bệnh nhân đã ngừng đập, não không có tín hiệu hoạt động. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là người đó đã bị chết. Lúc này anh Hùng đang ở trạng thái thứ ba. Ở trạng thái chết lâm sàng này, các tế bào trong cơ thể con người vẫn còn sống.
Bi hài những tin đồn liêu trai Người dân trong khu phố nhà Hùng kể cho chúng tôi câu chuyện có một người đàn ông ham mê cờ bạc, lô đề tên Xem (ngụ ở phường 1, TP.Tân An). Một hôm, Xem đến ban thờ anh Hùng xin số đề. Anh ta cầu khấn: “Anh Hùng ơi em khổ quá, cho em xin trúng một số đề. Nếu trúng em hứa sẽ từ bỏ, không còn dính dáng đến nữa. Em sẽ mang lễ hậu tạ anh”. Dân làng đồn đại, người đàn ông tên Xem này sau đó trúng mấy chục triệu. Thế nhưng, do vẫn tiếp tục lao vào đánh, đánh cuối cùng mất sạch tài sản, giờ bỏ đi lang thang. Cái tin thất thiệt chuyền tai nhau, người người kéo đến xin đề, đến nỗi hính quyền địa phương sau đó phải vào cuộc, tuyên truyền cho người dân không tin tin vào các câu chuyện tưởng tượng, mê tín dị đoan. |
Hải Đăng