Nhiều "điểm đen" ngập lụt tại trung tâm Tp.Thanh Hóa
Trưa 11/7, cơn mưa lớn kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ đã khiến nhiều khu vực của Tp.Thanh Hoá (Thanh Hoá) bị ngập sâu, người dân cùng các phương tiện gặp nhiều khó khăn khi lưu thông qua các khu vực này.
Cụ thể, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại các khu vực như đại lộ Hùng Vương, đường Tống Duy Tân, Lạc Long Quân, Trịnh Khả, ngã tư đường Trần Phú - Đại Lộ Lê Lợi, đường Lê Lai, đường Phan Chu Trinh, Hàn Thuyên... đều bị ngập sâu, với mực nước ngập trung bình khoảng từ 0,3m - 0,7m, có nơi sâu nhất tới khoảng 1m.
Do nước ngập sâu, nhiều người dân sinh sống hoặc thường đi qua các khu vực này gặp nhiều khó khăn, hạn chế công việc mỗi khi có mưa lớn.
"Những năm trước thành phố ít ngập hơn, tuy nhiên năm nay mới có trận mưa lớn nhưng gần như những vùng trũng của thành phố đều đã bị ngập hết. Công việc tôi thì hay di chuyển nhiều quanh thành phố, tuy nhiên, lần sau khi trời mưa tôi sẽ chọn phương án ở nhà, hoãn lại công việc vì nguy cơ hỏng xe là rất cao nếu nhỡ lái xe qua những đoạn ngập sâu mà mình không biết trước", anh Nguyễn Thuấn, trú phường Đông Hương, Tp.Thanh Hóa cho biết.
Ngoài ra, trong cơn mưa trưa 11/7 có kèm theo tố, lốc đã xuất hiện tình trạng nhiều cây cổ thụ ở một số tuyến đường bị bật gốc, gãy đổ ra đường giao thông gây hư hại tài sản của một số người dân.
Theo thông tin dự báo từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, trong ngày 11/7 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to, trong cơn mưa có kèm gió lốc. Lượng mưa tính từ 19h ngày 10/7 đến 13h ngày 11/7 tại các trạm Khí tượng Thủy văn phổ biến từ 10 – 30mm; riêng khu vực Tp.Thanh Hóa ghi nhận mức 111mm.
Theo báo cáo của UBND Tp.Thanh Hóa, trên địa bàn hiện có 10 điểm đen ngập lụt nội thành và 4 điểm ngập lụt ngoại thành khi xuất hiện lượng mưa trên 100mm/24 giờ. Trong đó, có các khu vực bị ngập sâu và nước rút chậm điển hình như đường Phan Chu Trinh ngập từ 0,3 - 0,7m, đường Dương Đình Nghệ 0,5 tới 1m, đường Lê Lai đoạn qua làng trẻ SOS 0,3 - 0 ,6m... với thời gian nước rút từ 1 đến 2 giờ đồng hồ.
Cũng theo báo cáo, tại khu vực nội thị, hiện nay nước mưa và nước thải sỉnh hoạt được thu gom vào hệ thống thoát nước chung, sau đó được xả ra qua các con sông như: Sông Hạc, sông Nhà Lê, sông Thống Nhất,... Trong các năm 2007 và 2012, qua các chương trình cải thiện môi tường đô thị miền Trung - Tiểu dự án Thanh Hóa và dự án phát triển toàn diện Tp.Thanh Hóa (CSEDP), thành phố đã được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải với tổng chiều dài 14,7km. Nước sau khi thu gom sẽ được xử lý tại nhà máy xử lý nước thải phường Quảng Thịnh (Tp.Thanh Hóa) với công suất 15.000m3/ ngày đêm, tuy nhiên hiện nay mới chỉ vận hành với công suất 6.500m3/ ngày đêm do hệ thống thu gom nước vẫn đang được tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh.
Đồng thời, để xử lý các điểm đen ngập lụt này, hiện trên địa bàn Tp.Thanh Hóa cũng đang hoặc dự kiến triển khai 6 dự án xử lý các điểm ngập lụt với số vốn lên tới gần 65 tỷ đồng từ nay tới năm 2024.
Do quá trình đô thị hóa và ý thức của người dân?
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Anh Nhân, chuyên viên phòng Quản lý đô thị Tp.Thanh Hóa cho biết, hàng năm phía thành phố Thanh Hóa chi gần 180 tỷ đồng cho công tác công ích như tiêu thoát nước, vận hành chiếu sáng, cắt tỉa cây xanh, quét rác... Trong đó, công ty CP Môi trường và công trình đô thị Tp.Thanh Hóa thực hiện khoảng 96% hợp đồng với gần 155 tỷ đồng, còn lại HTX dich vụ môi trường Tân Sơn với giá tị hợp đồng gần 25 tỷ đồng. Cũng theo ông Nhân, việc các đô thị bị ngập lụt cục bộ tại Việt Nam là chuyện không hiếm xảy ra trong quá trình đô thị hóa.
"Hàng năm, thành phố đều chi tiền thuê các đơn vị thực hiện việc nạo vét, khai thông cống rãnh. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, cải tạo chỉnh trang đô thị nhiều khi không tránh khỏi được các vấn đề về ngập lụt, như Hà Nội và Tp.Hồ Chí minh là những ví dụ điển hình. Theo giai đoạn từ năm 2021 - 2025, thành phố cũng lập đề án để xây dựng các hệ thống tiêu thoát nước, xử lý các điểm ngập úng cục bộ trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các dự án này trong thời gian tới", ông Trịnh Anh Nhân cho biết.
Còn theo vị đại diện công ty CP Môi trường và công trình đô thị Tp.Thanh Hóa (Công ty MTĐT), là đơn vị thực hiện chính các công tác dịch vụ công ích của Tp.Thanh Hóa, việc ngập lụt ngoài các vấn đề như đô thị hóa thì ý thức của người dân thành phố khiến cho việc tiêu thoát nước gặp nhiều khó khăn.
"Hàng năm chúng tôi thực hiện công tác nạo vét, khơi thông các cống rãnh, hố ga cho thành phố để nâng cao hiệu quả trong việc tiêu thoát nước. Tuy nhiên, một số người dân cố tình bịt các miệng cửa thu nước mưa do lo ngại mùi hôi thối bốc ra từ đây nên khi mưa lớn khiến nước không thể tiêu thoát được", bà Lê Thị Huyền, Phó phòng Kế hoạch kỹ thuật, công ty CP Môi trường và công trình đô thị Tp.Thanh Hóa cho biết.
Ngoài ra, giải thích về việc nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy đổ, bà Huyền thông tin, trong năm 2022, công ty MTĐT có kế hoạch cắt tỉa 1.100 cây xanh theo hợp đồng với thành phố Thanh Hóa và cơ bản sẽ hoàn thành xong trước mùa mưa bão. Đồng thời, vị đại diện này cũng cho rẳng, việc một số cây xanh bị bật gốc gãy đổ ngoài lý do khách quan như mưa gió lớn, có phần do người dân tự đem cây về trồng khi cây đã lớn nên bộ rễ mỏng, dễ bị gãy đổ khi gặp mưa to, gió lớn.
"Dân mình thường thích trồng những cây xanh bóng mát trước nhà. Tuy nhiên, khi tiến hành trồng thì lại thường chọn những cây đã lớn nên bộ rễ không thể bám sâu,chắc như cây được trồng từ bé nên dễ bị bật gốc. Theo kế hoạch, chúng tôi cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cây trước mùa mưa bão nhưng những tháng đầu năm, người dân mình thường có tâm lý duy tâm, ngại cắt cành lá nên cũng gây khó khăn, kéo dài thời gian hoàn thành công việc", bà Huyền nêu lý do.
Về vấn đề pháp lý liên quan phát sinh trong trường hợp một số cây xanh bị bật gốc gãy, đổ gây thiệt hại về tài sản của người dân, vị đại diện công ty CP Môi trường và công trình đô thị Tp.Thanh Hóa cho biết, "về quy định, cây trên khu vực vỉa hè công cộng thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng cây tới hàng chục nghìn nên không biết khi nào cây sẽ đổ nên không thể kiểm soát hết được. Còn việc xác định để đền bù rất khó, tôi chưa thấy ai quy trách nhiệm cụ thể đâu", bà Huyền nêu quan điểm.
Trả lời vấn đề trên, ông Trịnh Anh Nhân, chuyên viên phòng Quản lý đô thị Tp.Thanh Hóa cho rằng, một trong những yếu tố chính làm căn cứ đền bù thiệt hại là việc xác định ai là chủ của cây xanh gãy đổ gây thiệt hại tài sản.
Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc công ty luật An Doanh tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước tiên trong sự việc nêu trên cần xác định ai là chủ cây và cái cây và xe ô tô đều được xác định là tài sản.
Trường hợp ô tô đâm vào cây, khiến cây đổ, hư hại tài sản là cây cối thì người gây tai nạn đâm đổ cây có trách nhiệm phải bồi thường. Ngược lại, khi xe ô tô dừng đỗ hoặc tham gia giao thông đúng quy định mà cây bất ngờ đổ gây hư hại đến xe, làm người trong xe bị thương, thì người chủ, quản lý cây phải bồi thường.
Việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra được quy định tại Điều 604, Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe.
Việt Phương