Thời đại tạo nên xu thế
Tại ZMA 2017, các nghệ sĩ giành chiến thắng ở các hạng mục quan trọng đều là những nghệ sĩ trẻ. Các giải thưởng quan trọng, bao gồm: Nghệ sĩ của năm - Soobin Hoàng Sơn, Bài hát của năm - Có em chờ (Min, Mr.A), MV của năm - Ghen (Khắc Hưng, Min, Erik), Nghệ sĩ mới của năm - Ali Hoàng Dương, Ca khúc R&B/Soul được yêu thích - Mặt trời của em (Phương Ly, Justa Tee), Nữ ca sĩ được yêu thích - Hương Tràm, Nam ca sĩ được yêu thích - Sơn Tùng M-TP, Nghệ sĩ truyền cảm hứng - Chi Pu... Đó đều là những cái tên rất mới của làng âm nhạc Việt.
Không chỉ ZMA mà giải thưởng Làn sóng xanh 2017 mới đây cũng cũng ngập tràn các gương mặt mới như: Sơn Tùng M-TP, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh, Soobin Hoàng Sơn, Hương Tràm, Khắc Hưng, Rhymastic, Kai Đinh, Chi Dân, Min, Erik…
Những tên tuổi kỳ cựu chỉ còn xuất hiện ở top 5 ca sĩ được yêu thích nhất như: Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn, Lệ Quyên, nhưng xem ra cũng không tạo nên hứng thú khi mà chính ban tổ chức cũng khẳng định, từ năm sau, hạng mục này sẽ không còn xuất hiện nữa.
Nhiều người băn khoăn, các ca sĩ trẻ đều hát loại nhạc thị trường dường như đang “áp đảo” các nghệ sĩ đàn anh, nhưng người cả đời đau đáu với âm nhạc nghệ thuật? Vậy có gì nghịch lý ở đây không?
Nhạc sĩ Trí Minh cho biết: “Bản thân tôi không phân biệt nhạc thị trường hay nhạc nghệ thuật. Mỗi ca sĩ, một giọng hát có lựa chọn riêng, phù hợp với phong cách mình theo đuổi. ZMA là giải thưởng âm nhạc trực tuyến, mà ở thời đại công nghệ số này thì giới trẻ thạo mạng xã hội lắm. Họ thường xuyên xem và nghe nhạc trực tuyến là điều dễ hiểu thôi.
Mỗi giải thưởng âm nhạc đều có tiêu chí riêng. Hơn nữa, giới trẻ thì sôi nổi, vui tươi, họ chọn nhạc trẻ - những ca khúc có tiết tấu nhanh, vui là điều bình thường. Giải thưởng có bình bầu, có Hội đồng riêng nên tôi cho rằng, những ca sĩ đạt giải tại ZMA hay các giải thưởng âm nhạc khác là do họ phù hợp với tiêu chí của BTC đưa ra.”.
Mới đây, tại cuộc họp báo ra mắt CD mới Phố à phố ơi, Diva Hồng Nhung bày tỏ quan điểm: “Tôi biết tại sao nhiều bạn nghệ sĩ trẻ lại nổi tiếng vì âm nhạc và nghệ thuật rất đa dạng, vậy thôi. Tôi cũng không phân biệt giữa các dòng nhạc, nhạc thị trường hay nhạc sang mà chỉ tách bạch theo chuyên môn, các loại nhạc, đâu là ballad, đâu là rock... Ai thích thì nghe, không thích thì không nghe. Cái này là thị hiếu, không thể bắt người khác theo mình được”.
Ca sĩ Thu Trang chia sẻ với PV: “Nhiều giải thưởng âm nhạc được tổ chức dựa trên thị hiếu khán giả, ZMA cũng thế. Nói chung là tuỳ từng tiêu chí của giải thưởng đó mà tôn vinh những nghệ sĩ nào. Ở giải thưởng âm nhạc Cống hiến, BTC bình chọn trên tiêu chí nghệ thuật, các nhiều MV/bài hát có lượt người nghe cao, nhưng chưa chắc đã lọt vào để cử. Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận, nhạc trẻ, nhạc thị trường đang chiếm lĩnh thị trường âm nhạc khá lớn. Đây là xu thế chung, thời đại tạo nên xu thế. Tuy nhiên, cũng đừng lo lắng quá, nghệ thuật cần thời gian để lắng đọng, những cái gì ồn ào, xốc nổi sẽ qua nhanh thôi”.
Giải thưởng chỉ là “thời vụ”, nghệ thuật là đường dài
Khi được hỏi, có ranh giới giữa nhạc thị trường và nhạc nghệ thuật hay không, ca sĩ Khôi Minh cho hay: “Có khái niệm nhạc thị trường - nhạc nghệ thuật đấy, nhưng để phân định cũng không dễ và không thể nói, bạn nghe nhạc nghệ thuật thì sang chảnh hơn tôi nghe nhạc thị trường. Đó là do thị hiếu và trải nghiệm thôi. Khán giả trẻ thích nhạc có tiết tấu nhanh, còn khán giả có tuổi, có sự trải nghiệm thì muốn nghe những bài hát tình tự. Hãy cứ để giới trẻ thoải mái đi. Âm nhạc là không có giới hạn”.
Ca sĩ Khôi Minh cho PV biết: “Nhạc thị trường thường nói về những bài hát mới của giới trẻ, do các nghệ sĩ trẻ hát. Theo đó, các giải thưởng bây giờ cũng có tình trạng “so bó đũa, chọn cột cờ”. Thật ra, chọn nhạc thị trường là sở thích của người hát, không thể vin vào đó mà chê được”.
“Không chỉ đến khi có các giải thưởng về âm nhạc thì người ta mới giật mình nhắc đến việc, nhạc thị trường đang áp đảo nhạc nghệ thuật mà lâu nay, nhạc trẻ vẫn được nhiều khán giả đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người có tâm với âm nhạc Việt Nam lo ngại rằng, liệu một nền âm nhạc, các giải thưởng âm nhạc chỉ thường xuyên tôn vinh những ca sĩ mới nổi, hát nhạc thị trường thì có bất thường? Nhưng, bản thân tôi thấy không sao cả, các giải thưởng đó chỉ là “thời vụ”, nghệ thuật là đường dài, vì thế, nếu có khả năng thì mới trụ được với nghề.
Có những ca sĩ trẻ làm nghề vài năm, được giải thưởng xong… im ắng luôn. Cũng như các món ăn nhanh, vui thì người ta gọi nhau ăn, nhưng khán giả cũng thích ăn cơm nhà hơn và không chán được”, nhạc sĩ Tạ Đình Ngôn cũng đồng quan điểm.
Nhà phê bình âm nhạc Thuỵ Kha cho PV báo Người Đưa Tin biết: “Nhạc thị trường dành cho khán giả trẻ, nhiều bài hát được đặt hàng theo chủ đề, nhạc nghệ thuật là những bài hát có chiều sâu, được khẳng định qua nhiều thế hệ khán giả. Khó so sánh, nhạc nghệ thuật hay nhạc thị trường loại nào “sang” hơn nó cũng như khi so sánh, một người yêu hoa hậu và một người yêu một cô gái bình thường, ai hạnh phúc hơn. Quan trọng là khán giả thấy phù hợp với mình.
Nhiều người cứ lo, nhạc trẻ, những bài hát thị trường sẽ lấn át nhạc nghệ thuật, nhưng không phải, âm nhạc cũng là sự chắt lọc nếu không có giá trị, những bài hát ấy sẽ khó “sống” lâu được. Âm nhạc Việt Nam giờ toàn những “ông hoàng”, “bà hoàng” nhạc nhẹ, việc tung hô nhau không ai đánh thuế nhưng người ta tự cảm thấy nhố nhăng thì những bản nhạc “mỳ ăn liền” sẽ không tồn tại được”.