Chúng ta thường được nghe kể nhiều câu chuyện về những tấm gương hiếu học, quyết tâm "dùi mài đèn sách", “sôi kinh nấu sử” để khi vinh quy bái tổ sẽ được cả làng trọng vọng, rạng danh họ tộc.
Ai cũng biết học tập, làm việc dưới môi trường ánh sáng kém trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị lực, mà cụ thể là làm tăng nguy cơ mắc bệnh cận thị. Trong khi đó thời xưa các sĩ tử chủ yếu đọc sách dưới ánh nến hay đèn dầu, đó là với những gia đình có điều kiện, còn với những anh học trò nghèo thì còn phải tận dụng ánh trăng hay ánh sáng từ đom đóm. Nhưng tại sao người xưa thường xuyên đọc sách, viết chữ trong điều kiện ánh sáng kém như vậy nhưng lại rất ít người bị cận thị?
Điều này cơ bản là do điều kiện học tập thời xưa khác biệt lớn so với ngày nay nên việc bị cận rất khó xảy ra.
Trong xã hội phong kiến, người dân đa số là không biết chữ, chỉ một số con cái gia đình giàu có mới có điều kiện đi học. Số người đọc sách ít vì thế tỉ lệ bị cận cũng thấp.
Thứ hai, hoàn cảnh thời xưa không hiện đại như bây giờ. Ban đêm không có nhiều loại đèn với cường độ chiếu sáng mạnh, ra đường cũng ít người đem theo đèn, mà đèn thời xưa cũng là đèn dầu, đèn nến với ánh sáng yếu. Người xưa sống trong điều kiện ánh sáng yếu như vậy vào ban đêm nên mắt cũng dần quen với thứ ánh sáng đó.
Thứ ba là chiếc bút người xưa sử dụng để viết chữ là bút lông. Bút lông thường có phần thân dài, khi viết thì đầu phải ngẩng cao, mắt xa trang giấy, chữ viết thời xưa cũng thường to hơn bây giờ, dễ nhìn hơn, những điều này đã góp phần làm giảm nguy cơ cận thị.
Một yếu tố nữa phải kể đến là ngày nay chúng ta sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính, iPad... Tất cả những sản phẩm này đều ảnh hưởng đáng kể đến thị lực, làm tăng tỉ lệ người bị cận thị. Đây cũng là nguyên do tại các thành phố lớn, số lượng người cận thị cao hơn ở nông thôn.
Hiện nay nhiều trẻ bị cận thị sớm do tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử. Cùng với đó, việc học ở trường với cường độ cao, tư thế ngồi học, đọc sách ở cự ly gần hoặc trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo cũng là tác nhân gây ra cận thị.
Bên cạnh đó nhiều người có thói quen phụ thuộc vào đồ ăn nhanh vì sự tiện lợi, nhanh chóng dẫn đến việc thiếu bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức khỏe cho đôi mắt vốn đã phải hoạt động nhiều mỗi ngày.
Vì vậy, ngoài việc đề ra cho đôi mắt chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế một số chất kích thích lẫn thức ăn không có lợi cho mắt như đường, thuốc lá... thì việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho mắt cũng là điều hết sức quan trọng.
Vitamin A: Vitamin A là một loại vitamin quan trọng đối với mắt, đặc biệt là mắt cận. Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, sữa, gan động vật, các loại rau củ như mồng tơi, rau dền, rau ngót, cà chua, gấc, đu đủ, cà rốt...
Kẽm: Kẽm có tác dụng giúp máu lưu thông trong mắt dễ dàng, ngăn ngừa mắt bị khô, rát, mệt mỏi, khó chịu. Kẽm có nhiều trong thịt bò, thịt gà, sò, lòng đỏ trứng...
Beta carotene: Là một tiền chất của vitamin A, có vai trò rất quan trọng đối với thị giác, giúp mắt sáng hơn. Beta carotene có nhiều trong rau, củ, quả có màu vàng, cam hay xanh đậm như: cà rốt, bí đỏ, đu đủ, khoai lang, ... Beta carotene được hấp thu ở ruột non, vì thế khi chế biến nên kết hợp chúng với các loại dầu, mỡ để quá trình hấp thụ tốt hơn.
Crom: Thiếu crom, nhãn cầu mắt sẽ bị lồi ra, mắt sẽ tăng độ cận nhanh hơn. Crom có nhiều trong gan bò, lòng đỏ trứng, nấm, nước ép nho...
Selen: Selen có vai trò đảm bảo sự ổn định của thị lực. Selen có nhiều trong các loại cá, tôm, cua, ốc, các loại hạt,..
Các loại vitamin B: Thiếu vitamin B1 trong một thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng xuất huyết võng mạc giảm thị lực. Thiếu vitamin B2, khả năng hấp thu ánh sáng của mắt sẽ giảm và hay xuất hiện hiện tượng ngứa, viêm bờ mi, viêm giác mạc hay đục thủy tinh thể. Thiếu niacin sẽ dẫn tới việc thiếu hụt vitamin C, còi xương, bệnh mù ban đêm....Để bổ sung vitamin B1, B2 và niacin, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như thịt nạc, gà, bò, các loại đậu, rau màu đậm, sữa, trứng...
Minh Hoa (t/h)