Chẳng hạn: Ông B và bà H sống kết hôn năm 2012, có hai con gái, vợ chồng có nhiều tài sản chung. Sau khi ông bị vợ phát hiện có quan hệ người khác, ông B yêu cầu vợ chấp nhận quan hệ này , nếu không sẽ ly hôn để chung sống với người thứ ba,vì ông B khát khao có đứa con trai….Người vợ không chấp nhận yêu cầu trái khoáy này và cũng không đồng ly hôn. Ông B đã gửi đơn đến Tòa án yêu cầu giải quyết cho ly hôn và chia tài sản. Theo luật, Tòa án sẽ giải quyết cho ông B ly hôn hay bác đơn?
Căn cứ nào để Toà án cho ly hôn vợ/chồng lấy bồ nhí? Ảnh minh hoạ
Nhiều quan điểm cho rằng: Ông B đãvi phạm luật HNGĐ, lý do ly hôn không chính đáng. Do đó, yêu cầu ly hôn của ông B sẽ không được Tòa án chấp nhận. Theo đó, sau một năm kể từ ngày tòa án xử bác đơn ly hôn, nếu tình trạng hôn nhân không thể hàn gắn được , ông B mới được quyền nộp đơn yêu cầu ly hôn. Việc giải quyết chấp nhận hay không sẽ do Tòa án xem xét quyết định khi thụ lý giải quyết lại.
Quan điểm khác cho rằng,Tòa án xử chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông B , vì theo khoản 1, Điều 89 Luật HNGĐ đã quy định về căn cứ cho ly hôn. Khi xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung giữa ông B và bà H không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được (thực tế ông B đã ngoại tình , bị vợ phát hiện , đời sống chung vợ chồng không thể kéo dài..)
Căn cứ cho ly hôn:
“1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài,mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn. (Khoản 1 Điều 89 Luật HNGĐ).
Thế nào được coi là “tình trạng trầm trọng “ để Tòa án quyết định cho ly hôn? Luật HNGĐ 200 không quy định cụ thể .Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2000/NQ - HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có hướng dẫn :“ Được coi là tình trạng vợ chồng trầm trọng khi: 1.Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc vợ/chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, hòa giải nhiều lần. 2.Vợ/chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau như thường xuyên đánh đập,hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần. 3.Vợ/chồng không chung thủy như có quan hệ ngoại tình,đã được chồng/vợ hoặc bà con thân thích hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.” .
Mặt khác, Luật HNGĐ và Nghị quyết hướng dẫn của TAND tối cao không xét đến yêu tố lỗi của đương sự khi ly hôn. Thực tiễn giải quyết án ly hôn, bên vi phạm luật vẫn được Tòa án đối xử bình đẳng và họ vẫn được ly hôn,được giành quyền nuôi con,được quyền yêu cầu chia tài sản chung như mọi trường hợp khác. Việc áp dụng luật trong trường hợp như vậy là “công bằng quá “đối với người vi phạm cả về đạp đức và pháp luật , cần phải được sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Theo dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp (Tổng kết thi hành Luật HNGD năm 2000) về căn cứ ly hôn dựa trên thực trạng quan hệ hôn nhân, không dựa trên yếu tố lỗi của vợ chồng trong việc làm phát sinh mâu thuẫn dẫn tới ly hôn. Việc xác định căn cứ ly hôn vì thế còn định tính, trừu tượng, khó xác định và cũng không bao quát được hết các trường hợp vợ chồng có yêu cầu chính đáng về ly hôn. Xác định trách nhiệm của người vi phạm quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân vì thế đã không được quy định rõ ràng trong Luật. Nhiều trường hợp việc giải quyết ly hôn đã bị lạm dụng bởi một số đương sự nhằm để tránh né các chế tài do đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ - một chồng, đồng thời để hợp pháp hóa quan hệ ngoại tình của mình trong thời kỳ hôn nhân.
Những bất cập của Luật HNGĐ năm 2000 đã tồn tại trong một thời gian dài, cho thấy luật chưa phải là “thuốc hữu hiệu “để bảo vệ“ tế bào xã hội”phát triển lành mạnh, hạnh phúc, bền vững. Vì thế, Luật này cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ cho ly hôn,căn cứ bác đơn ly hôn, cần có chế tài nghiêm khắc đối với người vi phạm, để Tòa án có căn cứ áp dụng khi ra những phán quyết chấp nhận hoặc bác yêu cầu ly hôn vừa có căn cứ, đúng luật và phù hợp với đạo lý.
> Luật sư - chuyên mục đồng hành cùng công lý
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Khánh Hoà)