Tôi đã từng rất sốc khi chứng kiến cuộc ly hôn ở tuổi 55 của người bác họ. Ly hôn tuổi xế chiều như vậy là điều chưa từng xảy ra trong gia tộc nhà tôi nên khiến họ hàng choáng váng, bức xúc và đồng loạt “vào cuộc”... cho ra nhẽ. Tôi nhớ sự giận dữ của bác trưởng họ mỗi khi nhắc đến chuyện, theo bác là “làm xấu cả dòng họ”. Nhớ vẻ thất thần của ông bà ngoại. Và những cuộc họp mỗi tối của đại diện các gia đình để ngăn bằng được sự việc được gọi là “làm trò cười cho thiên hạ” ấy. Định kiến “già rơ còn bày đặt chuyện ly hôn” khiến người trong cuộc và cả dòng tộc nhà tôi đều đau khổ, bối rối và bế tắc khi ấy.
Ly hôn là chuyện không lạ, dù ở đâu. Ở Mỹ, tỷ lệ này chiếm tới 40% các cuộc hôn nhân, theo số liệu năm 2019. Trong khi đó, ở Việt Nam tỷ lệ ly hôn so với kết hôn năm 2019 là ¼. Tức cứ 4 cặp đăng ký kết hôn thì có một đôi nộp đơn ly hôn. Có điều, một thực tế là, tỷ lệ ly hôn hầu hết rơi vào người trẻ. Độ tuổi 50-60 ly hôn chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Có lẽ bởi vậy mà những ngày qua cuộc ly hôn “chấn động” thế giới của ông Bill Gates và bà Melinda đã khiến không ít người từ giật mình, bàng hoàng chuyển sang phán xét. Định kiến “ly hôn chỉ là chuyện của người trẻ” khiến người ta ít có được sự đồng cảm trong sự vụ này và quy chụp cho cặp đôi nổi tiếng này những kịch bản thường được gắn sau mỗi cuộc đổ vỡ hôn nhân: Có kẻ thứ 3, mục tiêu chia gia sản.... Họ đúc rút câu chuyện của cặp đôi nổi tiếng thế giới vì trí tuệ, sự giàu có và dường như rất đẹp đôi này như một hiện tượng khác thường bằng quan niệm phiếm diện và cũ kỹ mà không hay rằng ly hôn ở người lớn tuổi thực sự đang là một xu thế khó tránh.
Ly hôn ở người lớn tuổi hay còn gọi là “ly hôn xám” theo cách của người phương Tây nhằm ám chỉ màu tóc “tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm” của những kẻ chia tay nhau buổi xế chiều, gia tăng ở hầu khắp các quốc gia. Hơn 40% người trung niên Hàn Quốc cho biết họ muốn ly hôn, theo kết quả của một cuộc thăm dò do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện năm 2019.
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal cho biết, tỷ lệ ly hôn đã giảm ở Mỹ trong 20 năm qua, thế nhưng, tỷ lệ ly hôn ở những cặp trên 50 tuổi lại có xu hướng gia tăng đáng kể.
Trong bài viết mới đây về xu hướng ly hôn của người tuổi trung niên nhân cuộc chia tay của cặp vợ chồng tỷ phú hàng đầu thế giới, nhà tâm lý học người Mỹ John Duffy cho rằng lượng khách trung tuổi của ông phản ánh tỷ lệ ly hôn ở người Mỹ từ 50 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.
Ông John Duffy cho rằng ở thời đại, tuổi thọ trung bình tăng lên rất nhiều so với thế hệ trước, nhiều người cho rằng tuổi trung niên thực sự vẫn có thể mở ra những cơ hội, vẫn còn đủ thời gian và sức khỏe để theo đuổi chương tiếp theo trong cuộc đời dài lâu của mình.
Nếu như trước đây, khi nhận thấy cuộc hôn nhân có nhiều vấn đề, vợ chồng bất đồng người ta có thể nghĩ rằng cuộc hôn nhân phải kết thúc trước cả khi cặp đôi bước vào độ tuổi 50-60 nhưng giờ thì khác, tuổi này vẫn được nhiều người coi là thời điểm thích hợp để đổi mới bản thân, tìm kiếm hạnh phúc viên mãn.
Trong con mắt của những người bước vào cuộc ly hôn ở tuổi trung niên, cuộc đời dường như những chương của một cuốn sách.
Cuộc hôn nhân đưa họ từ tuổi đôi mươi đến tuổi 50, thậm chí là 60, là chương quan trọng nhất, ở đó họ gặp phải những khó khăn tài chính, xây dựng sự nghiệp và nuôi dạy con cái. Nhưng sau đó, họ lại muốn viết một vài chương khác của cuộc đời và nếu như họ không thể đồng điệu được với người bạn đời hiện tại, họ không ngại tiếp tục xây dựng chương mới với một người bạn đời khác, ông John Duffy lý giải.
Hôn nhân và tình yêu không phải bao giờ cũng luôn song hành. Nỗi bất hạnh mà những cặp đôi phải hy sinh trong suốt hoặc một phần đời khi trẻ vì những mục tiêu an toàn cho gia đình như nuôi dạy con, chia sẻ về tiền bạc, sức lao động... thực sự không phải bao giờ cũng là điều xứng đáng hy sinh. Những đứa con không thể hạnh phúc khi sống trong một gia đình bất hạnh. Những của cải, vật chất, dẫu nhiều cũng không bù lại được những tổn thất tinh thần, sức khỏe.
Hôn nhân thời đại mới không chỉ đơn thuần là sự “góp gạo thổi cơm chung” mà còn mong đợi rằng nó sẽ biến đổi bản thân người trong cuộc thành những phiên bản thăng hoa hơn, tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Cuộc sống ngắn ngủi và thực quý giá nên hãy lựa cho mình những gì giúp ta cảm thấy là con đường viên mãn nhất. Rõ ràng nếu một cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho mình nó cũng sẽ không thực sự làm bạn đời hạnh phúc dù ở tuổi nào.
Cuộc ly hôn của vợ chồng tỷ phú Bill Gates hẳn là câu chuyện buồn nếu suy đoán dựa trên định kiến phiếm diện, xưa cũ. Nhưng nếu nhìn tình yêu với khái niệm của cuộc sống hiện đại, hẳn ta sẽ thấy cả chiều tích cực. Cuộc chia tay của hai con người tài năng này, biết đâu, đó là khởi đầu hành trình sống mới hạnh phúc hơn và ý nghĩa hơn cho họ và cho cộng đồng.
Hãy đừng cố dập tắt, xua đuổi và tự chụp cho mình, cho người thân mình cái mũ tuổi già dù trái tim vẫn còn rực lửa yêu thương. Hãy buông bỏ định kiến để thấy được những cơ hội trong tương lai thay vì để cảm xúc tiêu cực phá hủy cuộc sống hiện tại, mỗi ngày.
Thu Hương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả