Vợ cựa người phát hiện chồng biến mất
Vụ án cổ Trung Quốc này xảy ra vào thời vua Hàm Phong Thanh triều. Theo đó, tại Thất Giải Kiều, Hợp Châu, Tứ Xuyên có một gia đình họ Cúc, cha mẹ con trai con dâu sống vui vẻ hòa thuận với nhau. Một buổi tối nọ, người mẹ tên Hướng cựa người, cảm thấy bên cạnh trống không liền tỉnh dậy thì phát hiện ra chồng biến mất từ lúc nào. Ngồi dậy tìm, bà phát hiện ra cửa sổ, cửa ra vào đều bị mở toang. Cảm thấy chuyện không lành, Hướng thị (thị- chỉ giới nữ) lo lắng gọi con trai nhưng rất lâu sau cũng không thấy anh ta xuất hiện.
Ngày càng nóng ruột, người mẹ chạy sang phòng của hai vợ chồng thì phát hiện ra con dâu cũng đang lo lắng tìm chồng giống mình. Hai mẹ con vừa khóc vừa chạy đi tìm người. Bất ngờ thay, ngay khi bước ra khỏi cổng nhà, họ đã nhìn thấy thi thể của người thân nằm ở bên đường đối diện. Người mẹ vì quá sốc mà ngất đi, cô con dâu chỉ biết vừa khóc vừa dìu mẹ chồng vào bên trong nhà.
Sáng hôm sau, hai mẹ con Hướng thị đến quan phủ báo án. Tuy nhiên vì không tìm được bất kỳ chứng cứ nào ở hiện trường nên vụ án rơi vào ngõ cụt. Theo luật lệ triều Thanh, thời gian xử lý mỗi vụ án chỉ được kéo dài tối đa trong 6 tháng. Nếu sau 6 tháng không tìm được thủ phạm thì bị tính là “Sơ tham”, sau 1 năm chưa phá được gọi là “Nhị tham”, 2 năm vẫn dậm chân tại chỗ gọi là “Tam tham”. Mỗi lần tính như vậy, quan phủ sẽ bị cảnh cáo và trừ lương thưởng bổng lộc của triều đình. Nếu bị tính đến “Tứ tham” thì sẽ bị cắt chức, giáng xuống là dân thường.
Chính bởi lẽ vậy nên không chỉ người nhà họ Cúc mà quan phủ Hợp Châu, Vinh Vũ Điền cũng vô cùng nóng ruột. Nếu không thể phá án theo đúng thời hạn thì sắp tới đây quan viên triều đình xuống kiểm tra, chắc chắn ông sẽ bị khiển trách.
Vinh Vũ Điền gọi toàn bộ những người giúp việc cho mình lại để cùng nhau bàn bạc tìm ra cách phá án. Một người đã chợt nhắc đến viên quan hình sự có tên Trần Lão Luân, người gốc Hợp Châu đang làm việc trong nha môn. Trần Lão Luân được mọi người xung quanh kính nể bởi cách đối nhân xử thế, giải quyết công việc ổn thỏa, hợp lý.
Nói đến đây, Vinh Vũ Điền cho gọi Trần Lão Luân ngay lập tức. Quan phủ họ Vinh đồng ý thưởng cho Trần Lão Luân 500 lạng bạc và cất nhắc thăng chức nếu ông có thể tìm được hung thủ. Trần Lão Luân vui vẻ đồng ý.
Mưu hèn kế bẩn của viên quan làm việc ở nha môn
Bởi vì trước kia Hướng thị có thường xuyên đến nha môn hỏi chuyện nên Trần Lão Luân và bà cũng được tính là quen biết. Lần này vì liên quan đến vụ án nên Trần Lão Luân đã đích thân đến tận nhà họ Cúc để kiểm tra tình hình, Hướng thị cũng vô cùng nhiệt tình đón tiếp. Không bao lâu sau, Trần Lão Luân quay trở về bẩm báo với Vinh Vũ Điền: “Mọi chuyện đã rõ ràng, chỉ cần đợi thêm một chút thời gian mà thôi”. Vinh Vũ Điền nghe thấy vậy vô cùng mừng rỡ, không ngần ngại thưởng cho Trần Lão Luân 500 lạng bạc và thăng chức như đã hứa.
Sau khi từ phủ của Vinh Vũ Điền về, Trần Lão Luân âm thầm phái một bà mối, giả vờ bị lạc đường nên vào nhà họ Cúc nghỉ tạm, uống nước. Trong quá trình ngồi nghỉ tại đây, bà mối đã lân la hỏi chuyện Hướng thị, bày tỏ thắc mắc vì sao chỉ có hai người phụ nữ ở nhà. Hướng thị cũng thật thà, kể toàn bộ bi kịch của gia đình cho bà mối nghe. Nghe chuyện xong, bà mối liền nói: “Nhà bà cũng không phải khá giả, không bằng gả con dâu đi. Vừa có thể bớt 1 miệng ăn lại vừa kiếm thêm được chút tiền lễ để duy trì cuộc sống rồi chạy vạy vụ án của chồng và con trai”.
Hướng thị nghe cũng có chút xuôi tai liền hỏi bà mối xem có nhà nào điều kiện tốt quanh đây không. Bà mối không ngần ngại nhắc đến Trần Lão Luân.
Hướng thị ngẫm nghĩ một chút, gần đây Trần Lão Luân vừa được thăng chức, vừa được ban thưởng, mặc dù không biết rõ nguyên nhân vì sao nhưng nếu có chút quan hệ với quan phủ thì vụ án của nhà bà cũng dễ dàng hơn. Không tốn nhiều thời gian, Hướng thị vui vẻ đồng ý.
Sau khi thành thân với Trần Lão Luân, người vợ vì được sống an nhàn hơn nên sớm đã không còn nhớ về người chồng đã mất của mình. Một ngày nọ, Trần Lão Luân trở về nhà, mặt mày ủ rũ:
- Bây giờ vụ án nhà nàng đã giao lại cho ta giải quyết rồi. Nàng có cách nào có thể khuyên mẹ tạm thời không thúc giục phá án nữa hay không?
- Sao có thể được, chồng và con trai chết thảm như vậy, sao mẹ có thể để yên được chứ?
Trần Lão Luân không nói gì nhưng thực chất trong lòng đã có tính toán.
Một ngày khác, Trần Lão Luân quay về với bộ mặt nghiêm trọng thông báo:
- Quan trên ra hạn cho ta phải giải quyết vụ án trong vòng 1 tháng, nếu không sẽ xử trảm ta.
Người vợ sợ hãi, lo lắng hỏi Trần Lão Luân liệu có cách giải quyết nào khác không. Thấy vậy, Trần Lão Luân nói rằng thực ra mẹ cô có nhân tình bên ngoài, họ đã cùng nhau lên âm mưu để sát hại chồng cùng con trai. Tuy nhiên vì không có bằng chứng nên muốn cô đứng ra làm chứng.
Người vợ bắt đầu lúng túng, ra sức giải thích và bênh vực sự trong sạch của người mẹ. Trần Lão Luân từ từ giải thích: “Mẹ nàng ngoại tình có nói cho nàng biết không? Bây giờ nàng không đứng ra làm chứng, ta sẽ chết”. Nói đến đây, vì lo sợ cuộc sống phú quý của mình biến mất nên người vợ đã đồng ý.
Ngày xét xử, tri phủ trước sau chỉ khẳng định hung thủ của vụ án là Hướng thị. Không những vậy, bà vì ngoại tình nên mới giết chồng cùng con trai. Hướng thị ngạc nhiên, không hiểu vì sao quan phủ lại khẳng định như vậy nên một mực kêu oan. Tuy nhiên, người con dâu đột nhiên đứng ra làm chứng về việc từng nhìn thấy mẹ cùng người tình lén lút gặp nhau sau nhà. Cuối cùng, Hướng thị bị kết tội giết chồng và con trai, nhốt vào ngục chờ ngày xét xử.
Cách xử án của tri phủ khiến người dân Hợp Châu vô cùng tức giận nhưng không ai dám kêu oan thay cho người phụ nữ đó. Em trai của Hướng thị khi đó cũng không dám làm bừa, chỉ dám nhờ con gái 9 tuổi đi đánh trống kêu oan. Tuy nhiên, có lẽ người em trai không biết rằng các cấp quan phủ khi đó đã được đút tiền để không tiếp nhận lời kêu oan. Khi cô bé đến liền bị đánh đuổi đi.
Bóc mẽ sự thật
Cô bé 9 tuổi sợ hãi quay người bỏ chạy thì đúng lúc quan giám sát của Tứ Xuyên, Hoàng Tông Hán xuất hiện. Tò mò cáo trạng trên tay cô bé, Hoàng Tông Hán cầm lên đọc rồi đi thẳng vào phủ.
Sau khi vào phủ, Hoàng Tông Hán yêu cầu tái xét xử vụ án của Hướng thị. Lúc này Hướng thị nhìn gầy gò đi rất nhiều, trên người không có chỗ nào là không bị bầm tím hay chảy máu, đầu óc rối tung, tay chân đều đã run rẩy nhưng miệng vẫn không ngừng kêu oan.
Hoàng Tông Hán cho truyền người đàn ông bị chỉ mặt là “người tình” của Hướng thị lên công đường. Hoàng Tống Hán nhìn qua 1 lượt người đàn ông nước da hồng hào, tay chân nhẵn nhụi không hề giống phạm nhân liền tức giận ra lệnh: “Phạm tội tày trời như vậy, đánh cho ta!”
Quân lính nghe vậy liền đè người đàn ông xuống và bắt đầu đánh. Chỉ sau 3 lần vung gậy, tên phạm nhân đã hét lên: “Dừng lại, các ngươi đã hứa không để tôi chịu nhục hình, tại sao bây giờ lại ra tay đánh người?”. Câu nói của người đàn ông khiến quan phủ chột dạ, khuôn mặt dần xám lại vì lo lắng. Lúc này trong lòng Hoàng Tông Hán hiểu rõ, tên quan phủ vì lo lắng bị phạt nên đã thuê một gã đàn ông để giả danh làm tình nhân của Hướng Thị. Tuy nhiên, nếu không thể tìm ra hung thủ thực sự thì vụ án của người phụ nữ này không thể được giải quyết.
Hoàng Tông Hán ra lệnh cho Lý Dương Mịch âm thầm đi điều tra. Lý Dương Mịch lần theo manh mối mà mở rộng khu vực điều tra ra cả ngoài địa phận Tứ Xuyên. Một tối nọ, trong một quán trọ cách Tứ Xuyên khá xa, Lý Dương Mịch nghe được cuộc nói chuyện giữa 2 người khách ở đó: “Quan lệnh bây giờ thật hồ đồ, ta nghe nói ở Tứ Xuyên có hai cha con nọ bị giết, quan lệnh lại phán đó là do vợ mưu sát”.
“Vậy thì là ai được chứ?”, một người đàn ông khác thắc mắc.
“Là ta”, gã đàn ông còn lại trả lời. “Đêm đó, ta đi ngang qua Thất Giản Kiều thì hết sạch tiền tiêu nên không thuê được chỗ trọ liền nảy sinh ý định lấy trộm một chiếc chăn của gia đình gần đó. Lúc trốn ra ngoài, một gã đàn ông đuổi theo đòi lại chiếc chăn. Ta đe dọa nếu không thả tay thì sẽ dùng dao chém hắn ta. Nào ngờ, gã ta không sợ, ta vì quá sợ hãi nên đã dùng dao đâm ông ta. Một lúc sau, lại một tên thanh niên khác đuổi theo, ta không còn cách nào khác ngoài giết thêm hắn ta. Ta đã bỏ trốn ngay trong đêm. Đã hơn 1 năm trôi qua, nghe tin vụ án đã khép lại ta mới quay lại đây”.
Lý Dương Mịch nghe thấy vậy liền lập tức bắt tên hung thủ lại, dẫn về quan phủ định tội.
Cuối cùng, Hướng thị được rửa oan, tên tri phủ bị cắt chức chờ hình phạt từ nhà vua. Trần Lão Luân tự sát trong tù, con dâu của Hướng thị bị lăng trì công khai để làm gương cho dân chúng.
Han (theo 163)