Dẫn khách du lịch để học tiếng Kinh
Sùng A Hờ có lẽ là cái tên không còn xa lạ với những ai đam mê dịch chuyển và chọn Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) làm điểm đến không thể thiếu trong hành trình của mình. A Hờ không biết chữ, nhưng lại thông thạo tiếng Kinh, biết chơi Facebook và là một “kho tàng” về văn hóa người Mông ở vùng cao Tây Bắc này.
Đã có dịp trở đi trở lại Y Tý nhiều lần nhưng với tôi, lần nào gặp A Hờ cũng như mới quen, rất hồ hởi, nhiệt tình, thú vị. A Hờ luôn biết cách làm mới những cuộc trò chuyện bằng chính sự thật thà, mộc mạc của mình. Cũng như rất nhiều chàng trai người Mông, A Hờ thích uống rượu, uống không biết say. Hoặc giả có khiến A Hờ say cũng phải là người có tửu lượng tốt lắm.
Sinh năm 1985, có vợ và hai con đủ nếp đủ tẻ nhưng gặp ở ngoài, ai cũng nghĩ anh già hơn tuổi rất nhiều. Được biết, nhà A Hờ trước đây nghèo lắm, nghèo đến nỗi 8 anh chị em không một ai được học cái chữ. Bố A Hờ từng là một gã nghiện ma túy khiến cuộc sống càng thêm khốn khó. Nhưng rồi khi các con lớn lên, mẹ A Hờ hết lời khuyên nhủ, ông đã bỏ thuốc phiện và trở lại là một nông dân hiền lành chăm chỉ, bốn mùa đi nương đi rẫy khiến cho con cháu sum vầy.
Cũng vì nghèo mà A Hờ tưởng không thể lấy được vợ, nhưng rồi sự chăm chỉ, nỗ lực của bản thân đã giúp anh có được hạnh phúc toại nguyện như ngày hôm nay.
Y Tý là mảnh đất hoang sơ và chưa bị thương mại hóa như nhiều vùng đất khác, nên có sức hấp dẫn đặc biệt với nhiều người. Mùa lúa vàng, mùa đổ nước, ngày nắng chói chang hay mưa tuyết... ,Y Tý luôn có sự thú vị riêng, nhất là với người trẻ. Bằng sự thông minh, nhanh nhạy của mình, A Hờ mở dịch vụ Homestay (một hình thức du lịch xanh, khách du lịch ăn ở cùng gia chủ để học được nhiều văn hóa đặc biệt của nơi mình đến – PV) để đón khách.
Homestay của A Hờ đi vào hoạt động mới hơn một năm nhưng mỗi tuần đón đôi ba đoàn khách, có đoàn lên đến mấy chục người. Khách lên không chỉ ăn nghỉ với giá cả phải chăng mà còn nhờ A Hờ dẫn đường leo núi Lảo Thẩn – đỉnh cao nhất ở Y Tý với cảnh đẹp hùng vĩ mê đắm, thử thách ý chí con người. Ban đầu, A Hờ cho khách ở nhờ với gia đình, sau khi tiết kiệm được tiền thì dựng căn nhà mới rộng hơn, có sức chứa đến mấy chục người với khu sinh hoạt riêng để đón khách. Cũng từ đó, A Hờ được biết đến nhiều hơn vì họ có cơ hội được lưu trú lại Y Tý lâu hơn.
A Hờ không được học chữ nhưng lại thông thạo tiếng Kinh và hiểu biết về văn hóa người Mông. Bởi vậy, những câu chuyện của anh luôn đầy cuốn hút. Khách đến Y Tý gặp A Hờ một lần thì không thể không tìm đến anh trong những lần tiếp theo. Chỉ sự dí dỏm của người đàn ông có vẻ ngoài thân thiện cũng đủ níu chân du khách với vùng đất này.
Khách đến với Homestay A Hờ từ khắp mọi miền Tổ quốc. Xa nhất có cả TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Niềm vui dẫn khách du lịch của A Hờ là được học tiếng Kinh. Nhiều tiếng A Hờ không hiểu nhưng khách nói diễn tả bằng hành động nhiều, dần dần A Hờ thông thạo hết. Cũng nhờ khách du lịch dạy nên A Hờ biết dùng Facebook. Nhưng do không biết chữ nên Facebook của A Hờ chỉ có ảnh, tuyệt nhiên không một dòng status (trạng thái) hay bình luận, tin nhắn gì.
Bắt vợ bằng 500.000 đồng
A Hờ không chỉ uống rượu giỏi mà còn rất có duyên và nói chuyện cực kỳ thú vị. Hầu như những phong tục, tập quán, nét văn hóa của người Mông nơi đây, A Hờ thông thạo đến từng chi tiết nhỏ. Một trong những nét văn hóa độc đáo của người Mông nơi đây chính là tục bắt vợ.
Ngày thường chuyện bắt vợ ít diễn ra hơn, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, khi người bản dành thời gian dài nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả cũng là lúc trai gái tìm nhau trong tiếng khèn, điệu sáo. Người con trai tìm hiểu người con gái nhà ở đâu, con nhà ai, trò chuyện mà có ý ưng nhau thì rủ thêm 3-4 người bạn nữa kéo cô gái về nhà mình.
Cô gái được ngủ cùng chị em gái hoặc mẹ của chàng trai rồi chung sống với gia đình nhà chàng trai chừng 3-4 ngày. Sau đó, nếu hai người thực sự thích nhau, bố mẹ chàng trai sẽ sang nhà gái đặt vấn đề xin cưới. Còn nếu hai người cảm thấy không phù hợp thì trao đổi với nhau và chia tay.
Theo tục lệ của người Mông, con gái đã ra khỏi nhà như thế là phải ở với gia đình nhà chàng trai 3-4 ngày. Chưa hết thời gian ấy có tìm về cũng không được vào nhà. Đây là thời điểm để cô gái tìm hiểu gia đình nhà chàng trai xem mình có thực sự phù hợp với cuộc sống mới hay không để quyết định tiến đến hôn nhân. Nếu gia đình khó khăn quá phải chờ mấy tháng hoặc cả năm sau mới được cưới. Đấy là thời gian để chàng trai thay đổi, chăm chỉ làm ăn, nuôi lợn, gà chuẩn bị đám cưới. Còn nếu gia đình giàu có, đám cưới sẽ tiến hành ngay sau ngày bắt vợ.
A Hờ kể, ngày xưa nhà nghèo nên bắt vợ lần đầu không thành vì gia đình cô gái chê gia đình anh nghèo, không có nhà mà ở thì lấy đâu ra chăm lo cho cuộc sống. A Hờ đành để cho cô gái kia trở về nhà vì không thương lượng được với bên nhà gái. Đến lần thứ hai, A Hờ bắt được cô vợ hiện tại rồi nên duyên vợ chồng... chỉ 500 nghìn đồng tiền xin cưới.
A Hờ nhớ lại: “Ngày bắt vợ về rồi sang thương lượng, nhà gái cũng lại ngăn cản không cho cưới vì gia đình tôi quá nghèo. Nhưng may mắn có mẹ vợ thông cảm, mẹ nói: “Giàu nghèo gì cũng là cái duyên cái số, chúng nó đã yêu thương nhau thì đừng ngăn cản nữa, sau này cuộc sống khó khăn hay sướng khổ thế nào là phận trời cho, tự chịu”. Sau câu nói của mẹ vợ, mọi khó khăn được giải quyết. Bố mẹ và các anh chị mang theo 500.000 đồng sang hỏi vợ cho tôi”.
Thời điểm cách đây 10 năm, số tiền ấy cũng được coi là giá trị. Còn bây giờ theo lời A Hờ, cũng phải có một khoản tiền kha khá mới cưới được vợ. “Ngày ấy mà không có mẹ vợ, có lẽ tôi không bao giờ lấy được vợ nữa”, A Hờ cười nói.
Nhìn cuộc sống của A Hờ hôm nay có lẽ gia đình đã hoàn toàn yên tâm, dù con gái mình có làm vợ một chàng trai không biết chữ. Bởi A Hờ không những chăm chỉ làm ăn mà còn thông minh, nhanh nhạy. Homestay mở ra, vợ A Hờ có thêm công việc khi hàng ngày, chị là nữ đầu bếp chính làm ra những món ăn ngon cho du khách.
“Bây giờ cứ có khách du lịch lên Y Tý là hai vợ chồng vui lắm, vừa có thêm thu nhập lại được học hỏi nhiều điều từ du khách. Vợ tôi cũng vì thế mà không bao giờ cằn nhằn cho dù chồng dẫn khách đi cả tuần trời”, A Hờ phấn khởi cho biết.
Con phải hơn cha Cảm nhận được sự thiệt thòi khi không biết chữ, A Hờ quyết tâm cho hai đứa con đi học, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn ở phía trước. “Tôi cũng muốn đi học cái chữ lắm, nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, điều kiện ngồi lại lớp học khó hơn và công việc cũng bận rộn. Thôi thì vợ chồng tôi cố gắng cho các con đi học nên người và sau này nhờ chúng dạy cho mình. Bây giờ, tôi biết viết được tên mình cũng là do con đi học về dạy bố. Con cái nhất định phải vươn lên, hơn đời cha mẹ”, A Hờ nói. |
Dương Thu