Với chiếc gùi trên vai cùng một đôi chân không biết mệt mỏi, ông giống như một lữ sĩ độc hành lang thang khắp chốn rừng thiêng nước độc tìm cây hái thuốc.
Cậu bé khác người và những trò nghịch dại
Ở bản Lành (xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), từ già đến trẻ, từ đầu đến cuối bản, dường như chẳng ai là không biết đến ông Cả Hưng. Vừa nghe tôi nhắc đến cái tên này, đám trẻ chăn trâu bên đường đã nhao nhao chỉ đường, một cậu nhóc trong số đó còn nhiệt tình trèo lên xe đưa tôi đến tận nhà. Đó là một ngôi nhà gỗ đơn sơ, nhỏ nhắn như bao ngôi nhà khác trong bản nhưng trước sân phơi la liệt những nong nia đựng lá thuốc, tỏa hương thơm nhè nhẹ.
Xe vừa dừng trước cửa, cậu nhóc dẫn đường đã cất tiếng gọi ầm ĩ khiến ông Hưng hớt hải chạy ra. Người thầy thuốc này đang nấu cơm để mang ra đồng cho vợ cùng đám thợ cày. Ông chỉ gùi lá thuốc dựa bên hiên nhà bảo: "Tôi vừa đi hái về, chưa kịp đổ ra phơi". Khi thấy tôi gọi mình là thầy thuốc, ông đỏ mặt, phẩy tay: "Ấy chết, tôi có qua trường lớp, có học vấn uyên thâm gì đâu mà dám nhận là thầy thuốc. Chẳng qua cũng chỉ biết mấy thứ lá rừng có thể chữa bệnh mà thôi".
Ông Cả Hưng ngại ngùng khi được gọi là thầy thuốc.
Ông tên thật là Lương Văn Hưng. Theo lời kể của Cả Hưng thì ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã rất thích thú với công năng đặc biệt của các loại cây rừng. Khác với tất cả những đứa trẻ cùng trang lứa chỉ thích chơi trò chơi, nhảy múa, hát hò thì Cả Hưng suốt ngày quanh quẩn bên các thầy mo, thầy lang.
Ông theo chân họ lên rừng hái thuốc, xem cách họ chữa bệnh cho người, cho trâu bò, lợn gà và coi đó như một thú vui của mình. Ban đầu, thầy mo, thầy lang tỏ ra rất khó chịu khi thấy một thằng bé gầy gò, đen nhẻm cứ lẽo đẽo đi theo mình. Lần nào Cả Hưng cũng bị họ đuổi về và dọa sẽ mách với bố mẹ cậu. Nhưng ông chẳng những không chịu về mà còn bảo bố mẹ đến xin với các thầy truyền dạy nghề thuốc cho mình.
Sau cùng, cả bố mẹ lẫn các thầy cũng phải chịu thua trước sự bướng bỉnh của cậu nhóc Cả Hưng và để cậu theo chân trong tất cả những lần đi lấy thuốc, chữa bệnh. Sau vài lần để Cả Hưng đi cùng, họ bắt đầu thấy yêu quý cậu bé lạ lùng này bởi sự thông minh, nhanh nhẹn tuyệt vời. Mặc dù đôi khi, cậu cũng gây ra những phiền phức nhất định.
Không ít lần cậu mải chơi nên bị lạc trong rừng khiến các thầy mo phải tá hỏa đi tìm. Nhiều khi, sau cả ngày trời tìm kiếm không kết quả, họ đã gần như rơi vào nỗi tuyệt vọng và quyết định mang tin dữ trở về cho bố mẹ cậu. Nhưng rồi, bằng một sự phi thường nào đó không sao hiểu nổi, họ lại nghe thấy tiếng gọi của cậu bé đúng vào lúc tất cả đều cho rằng cậu đã bị thú dữ ăn thịt hoặc trượt chân rơi xuống vực sâu.
Điều khiến mọi người lo lắng hơn cả là việc không biết sợ hãi bất cứ thứ gì trên đời của Cả Hưng. Trong khi chỉ một con chuột hay một con sâu hiền lành cũng đủ những đứa trẻ khác co chân bỏ chạy hoặc sợ hãi khóc ré lên thì Cả Hưng dường như chẳng biết kiêng nể bất cứ con vật nào dù là nguy hiểm. Trong mắt cậu bé khác người này, tất cả đều là bạn và đều có thể chơi được. Chính điều đó đã khiến cậu không ít lần gặp nguy hiểm khi định dùng tay bắt một con rắn trong lúc nó đang phun phì phì trước mặt hoặc vồ một con nhím với những chiếc lông sắc nhọn như tên...
Một thói quen khác của Cả Hưng là vô tư hái tất cả những gì được cậu cho là đẹp trên đường đi và sẵn sàng bỏ vào mồm một thứ quả hấp dẫn trong số đó. Tất nhiên, những hành động vô cùng dại dột ấy phần lớn đều được thầy mo, thầy lang, kịp thời ngăn chặn cùng những lời dặn dò kỹ lưỡng. Bây giờ thì Cả Hưng đã hoàn toàn biết thế nào là nguy hiểm và thường rùng mình khi nhớ lại những trò nghịch dại ngày xưa. Nhưng chính nhờ một trong những trò nghịch dại ấy mà Cả Hưng khi lớn lên đã tìm ra một bài thuốc hay cho những người không may bị gẫy xương, trật khớp.
Gùi thuốc lá vừa được ông hái trên rừng về.
Lấy thân mình làm "vật thí nghiệm"
Sau nhiều lần theo chân các thầy mo, thầy lang lên rừng tìm thuốc, chữa bệnh, Cả Hưng đã bắt đầu biết phân biệt một số lá thuốc cùng cách sử dụng chúng. Ngày nào ông cũng lôi hết đám chó, mèo, lợn, gà nhà mình ra, bắt chúng làm "bệnh nhân" và đắp lên đủ thứ lá thuốc mà cậu kiếm được trong rừng khiến các vật nuôi trong nhà cứ nhác thấy cậu chủ từ xa lại bỏ chạy tán loạn.
Bị bố mẹ mắng, cậu tự lấy chính cơ thể mình để thử thuốc. Trong một lần đi rừng bị ngã gãy tay, Cả Hưng cố chịu đau, đi tìm mấy thứ lá thuốc mà thầy mo vẫn dùng chữa gãy xương cho trâu bò để đắp cho mình. Nhưng vì không nhớ chính xác tất cả những cây thuốc cần phải tìm nên Cả Hưng đã hái thêm cả một số vị khác mà ông không dám chắc về công dụng của nó. Sau đó, ông nhai thuốc đắp lên chỗ bị đau rồi trở về nhà cùng số cây dự trữ. Thấy chỗ đau nhanh chóng dịu lại, ông yên tâm đắp thêm một thuốc khác. Sau 3 ngày đắp thuốc, cánh tay bị gẫy đã cử động bình thường trở lại trong sự ngỡ ngàng của những người xung quanh.
Ngay lập tức, ông vội vã trở vào rừng để tìm lại những cây thuốc đã giúp mình nhanh chóng chữa lành vết thương. Vì không nhớ mình đã hái những cây thuốc đó ở đoạn nào nên việc tìm kiếm của anh chẳng mang lại nhiều kết quả. Sau khi hái rất nhiều các loại cây khác nhau đưa lên mũi ngửi, cho vào mồm nhai, đắp lên chân tay để kiểm nghiệm, cuối cùng Cả Hưng cũng tìm ra cây thuốc quý.
Dựa trên những kinh nghiệm đã học được, ông mang 12 vị thuốc kết hợp với nhau thành một bài thuốc chữa gãy xương vô cùng hiệu nghiệm. 12 vị thuốc này được phơi khô, tán nhỏ rồi trộn với nước ấm thành một thứ bột sền sệt, đem đắp bên ngoài chỗ xương bị gẫy. Với những trường hợp gẫy xương thông thường, chỉ cần 2- 3 ngày đắp thuốc, vết thương sẽ lành trở lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Cả Hưng đã làm công việc lên rừng hái thuốc chữa bệnh cứu người được hơn 20 năm. Biết bao người bị gãy xương không kể nặng nhẹ đã được ông chữa khỏi. Trong số đó không ít những bệnh nhân ở xa nghe tiếng Cả Hưng cũng lặn lội tìm đến tận nhà xin thuốc.
Anh Trần Văn Tâm (xóm Tân Thành, xã Tâm Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) đi làm đá bị kẹt cả bàn tay vào máy nghiền đá, không sao cử động được. Sau nhiều ngày chữa trị không có kết quả, tưởng phải cưa tay, anh được người quen mách đến nhà thầy Cả Hưng xin thuốc. Sau khi xem xét vết thương, ông Cả Hưng đưa anh 3 túi thuốc để đắp trong 9 ngày với cái giá mà anh tưởng ông nói đùa là 100 nghìn đồng. Thuốc vừa hết cũng là lúc bàn tay của anh Tâm bắt đầu cử động bình thường trở lại. Bà Sầm Thị Dục, đã hơn 60 tuổi ở bản ông, đi bộ chẳng may bị ngã gãy tay, xương trật cả ra ngoài đẩy lớp da trồi lên trên, vô cùng đau đớn cũng đã được ông chữa khỏi chỉ bằng bài thuốc lá kỳ diệu này.
Điều lạ là trước nay, vị thầy kỳ lạ này chỉ chuyên tâm chữa những thương tích về xương cốt chứ không nhận khám chữa các bệnh khác. Ông bảo: "Cái gì chắc chắn chữa được thì tôi mới chữa và chữa bằng cái tâm của người làm việc tốt giúp đời chứ không vì lợi nhuận mà nhận bừa, nhận ẩu để lấy tiền". Ngoài việc đồng áng, ông thường lang thang khắp các khu rừng gần xa để hái thuốc.
Chưa truyền nghề vì sợ "bí kíp" rơi vào tay kẻ xấu Nhiều người mang lễ vật đến xin ông truyền lại bài thuốc hay để hành nghề chữa bệnh nhưng ông chưa nhận lời một ai. Bởi, không phải ông muốn giữ nghề mà sợ thuốc quý rơi vào tay kẻ xấu. Điều quan trọng nữa mà ông lo sợ là một khi bài thuốc được truyền đi, người ta sẽ đổ xô vào rừng hái thuốc làm kiệt quệ tài nguyên. Ông tâm sự: "Ngay bản thân tôi cũng không dám hái thuốc một cách tùy tiện. Để chúng có thể tiếp tục phát triển, tôi không bao giờ dám hái thường xuyên ở một khu rừng nào đó mà phải đến tận những khu rừng xa xôi ở Thanh Hóa, Quảng Bình... để tìm thuốc". Trong tương lai tôi sẽ truyền lại bài thuốc quý này cho một người thật xứng đáng. |
Dương Dung