Ly kỳ chuyện mua trăn về làm bạn với vong hồn của con!

Ly kỳ chuyện mua trăn về làm bạn với vong hồn của con!

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Trong căn nhà nhỏ, bên cạnh bàn thờ đặt di ảnh người con mới mất, là một chuồng trăn được xây khá cẩn thận. Con trăn đặc biệt này được gia chủ nuôi và chăm sóc rất cẩn thận, vì họ tin rằng đó là người bạn thân của vong hồn đứa con xấu số!

Câu chuyện dựng tóc gáy

Đến huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đi đâu chúng tôi cũng được nghe người dân nơi đây đồn đại về chuyện: Một gia đình đang nuôi con trăn lớn, ngay cạnh bàn thờ đứa con trai của mình, để cho vong linh đã khuất có người bầu bạn. Quá tò mò, lần theo những lời chỉ dẫn của bà con nơi đây, chúng tôi đã tìm đến được ngôi nhà đặc biệt này.

Pháp luật - Ly kỳ chuyện mua trăn về làm bạn với vong hồn của con!

Nhiều người tò mò vẫn tìm đến gia đình bà Tuyết để xem con trăn.

Trong căn nhà hai gian cũ kỹ, bàn thờ của người vắn số được đặt đơn sơ gần góc nhà. Bên cạnh đó là một chiếc chuồng xây bằng xi măng kiên cố, phía trên được bịt bằng hai lớp sắt cứng. Dưới ánh sáng của bóng đèn mới được gia chủ bật lên, chúng tôi hốt hoảng khi thấy một con trăn khoảng 10kg đang nằm khoanh tròn trong chuồng. Thấy có tiếng động, nó vẫn nằm im, không nhúc nhích, tựa hồ chẳng quan tâm gì đến xung quanh. Phải đến khi chủ nhà dung que, đâm nhẹ lên người, chú ta mới ngóc cổ dậy, khò khè vài tiếng rồi lè chiếc lưỡi dài ra tự vệ.

Thắp nén hương cho người quá cố, chúng tôi được bà Lê Thị Tuyết (52 tuổi) kể về cái chết bất ngờ của đứa con út. Hoàng Văn Hồng (SN 1992) sinh ra trong một gia đình có 5 người con, ở xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Cuộc sống gia đình khó khăn nên Hồng nghỉ học sớm, đi làm thuê phụ giúp gia đình. Giữa tháng 1/2012, sau khi nghỉ lễ tết Nguyên đán xong, Hồng khăn gói đi ra Hà Nội làm thuê.

Công việc của một phụ hồ rất vất vả, sức lao động bỏ ra nhiều mà đồng lương chẳng được bao nhiêu nhưng cậu vẫn quyết tâm bám nghề, vì lời hứa với mẹ ngày ra đi: "Mẹ đừng đập ngôi nhà này vội, đợi con đi làm, tích góp tiền gửi về xây nhà, khi đó hẵng đập nó". Đúng 2 tháng 2 ngày sau, cả gia đình bà khóc ngất khi nhận được hung tin: Hồng đã ra đi mãi mãi vì tai nạn sập giàn giáo, khi đang xây công trình. Đưa xác con về quê, cha mẹ đắng lòng lập một bàn thờ ngay nơi cậu vẫn hay ngủ.

Sau khi lo ma chay cho con xong, gia đình nén đau thương, tiếp tục sống và sản xuất. Khi nỗi đau chưa nguôi ngoai, thì gia đình bà gặp một chuyện lạ lùng. Hôm đó đang đi cắt cỏ ngoài đồng, bà Tuyết bỗng thấy trong lòng mình xốn xang, linh tính mách bảo nên liền chạy về nhà. Bà thấy lòng không yên, nên tất tả ống thấp ống cao, đội nón sang xã bên gọi hồn con.

Tại đây, bà thầy bói lạnh lùng cho biết: "Thằng Hồng nó bảo, sắp cho gia đình bà lộc, một con trăn và một con chim. Hiện vong linh người mới mất đang bẩn, không được đi đến nơi này nơi khác, nó rất cô đơn nên muốn có bạn cho đỡ buồn"!. Bà bói còn phán thêm, con trăn ấy đã xuất hiện, nhưng giờ đang bị người hàng xóm Nguyễn Văn Phú bắt nhốt trong chuồng nhà anh này. Bằng mọi cách, bà hãy đi chuộc nó về.

Trở về nhà, nghe chồng bảo, anh hàng xóm tên Phú vừa bắt được con trăn ngay cạnh bụi chuối gần nhà mình, bà lại càng tin lời bà bói là có cơ sở. Bà liền sang nhà ông Phú để xin mua lại con trăn. Ban đầu ông Phú không có ý định bán nên từ chối. Bất đắc dĩ, bà đành kể đầu đuôi ngọn ngành câu chuyện. Bản thân ông Phú là người không tin chuyện có vong hồn nhưng vì thương gia cảnh bà Tuyết, nên đành biếu lại con trăn mình mới bắt.

Pháp luật - Ly kỳ chuyện mua trăn về làm bạn với vong hồn của con! (Hình 2).

Con trăn được nuôi sát bàn thờ người đã khuất.

Dân đổ xô xem chuyện lạ

Vì mang yếu tố tâm linh, nên gia đình bà Tuyết rất chú trọng việc vệ sinh cho chuồng trăn. Hàng ngày, bà Tuyết phải thường xuyên tắm rửa cho “người bạn” của con mình. Mùa nắng nóng như vừa qua, mỗi ngày bà phải dội 2-3 lần nước vào chuồng. Cứ khoảng 4 tiếng đồng hồ là bà lại dội nước, vệ sinh chuồng trăn một lần. Sang mùa thu như bây giờ, ít nhất cũng phải tắm cho nó 1 lần trong ngày. Trong một tháng, vợ chồng bà Tuyết cho trăn ăn khoảng 3 - 4 lần, mỗi lần khoảng 7 con chuột sống. Lúc mới đưa về con trăn nặng hơn 5 kg, nhưng sau hơn 2 tháng được gia đình chăm sóc cẩn thận, con trăn đó giờ đã nặng khoảng 10 kg.

Khi chúng tôi ghé nhà, bà Tuyết tiếc nuối cho biết thêm: "Cách đây hai ngày, có một con chim lạ bay vào nhà. Đuổi mãi không thấy nó bay, chúng tôi nghĩ đó có lẽ là con chim mà Hồng báo mộng, nên tìm cách bắt. Không ngờ con chim ngoan ngoãn nằm trong tay đứa cháu ngoại của tôi. Nhưng vì lúc đó không có lồng để nhốt, nên nó lại bay?".

Khoảng hơn 2 tháng nay, ngày nào gia đình ông Hoàng Văn Viễn và bà Lê Thị Tuyết cũng có khách đến thăm. Phần lớn là những người hiếu kỳ muốn tìm về mục sở thị con trăn lạ, nhân tiện thắp nén nhang cho người đã khuất sớm siêu thoát. Có ngày ông bà phải tiếp trên 10 người. Ai đến đây cũng thắp nén hương, rồi đốt điếu thuốc lá cắm vào chân nhang, gửi lại ít tiền cúng tùy tâm.

Câu chuyện có sức lan tỏa rất nhanh. Đầu tiên là những người hàng xóm biết chuyện tìm đến xem, dần dần, tin đồn lan rộng nên càng có nhiều người từ trong huyện, cho đến ngoài tỉnh kéo nhau tìm về. Ông Thành cho biết, người dân nơi đây thì không lạ lẫm gì đối với con trăn và nuôi trăn, nhưng đây là một trường hợp đặc biệt nên sự việc vang đi rất nhanh.

Ai đến xin xem con trăn và thắp hương cho đứa con xấu số, ông bà Viễn Tuyết đều tiếp đón nhiệt tình. Bởi họ quan niệm, còn có người đến thăm xem, thì vong linh của con cũng sẽ bớt cô quạnh? Tuy nhiên, suy cho cùng, đây vẫn là một câu chuyện mang đậm tính chất mê tín di đoan chưa ai kiểm chứng.

Trao đổi với PV, ông Lương Thế Đông - trưởng Công an xã Quỳnh Mỹ cho hay: Chính quyền xã cũng có nghe sự việc gia đình bà Lê Thị Tuyết thờ con trăn. Mặc dù, đó là vấn đề tâm linh riêng của gia đình, nhưng lãnh đạo cũng đã đến nhắc nhở, nhằm lấy lại trật tự an ninh cho bà con trong xã. Từ khi có chuyện đó, cả làng trở nên náo động, vì nhiều người dân hiếu kỳ từ khắp nơi đến xem. Có người còn đem theo cả hoa quả, hương nhang đến làm lễ tại gia đình. Ông Đông cũng cho biết thêm, gia đình bà Tuyết thuộc hộ nghèo trong xã, bản tính chất phát, công việc chủ yếu là làm nông. Có lẽ một phần do sự thiếu hiểu biết, nên họ đã hành động mê tín dị đoan như vậy.

Kim Long- Loan Nguyễn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.