Báu vật của làng
Từ lâu, cánh rừng Đông Rân đã nổi tiếng là khu rừng với hàng trăm cây nghiến cổ thụ, nhưng đằng sau khu rừng ấy vẫn còn rất nhiều câu chuyện kì bí chưa có ai giải thích có đầu có cuối. Mọi người cũng truyền cho nhau một quy tắc bất di bất dịch đó là muốn làm ăn yên ổn thì đừng bao giờ xâm phạm đến khu rừng này. Làng còn tự đề ra quy định riêng với khu rừng: Không được vào rừng lấy củi, trâu bò không được phép thả vào rừng, còn chuyện săn bắn thì tuyệt đối không được phép xảy ra. Do có quy ước đó chẳng ai dám trái lại lệ làng.
Cây nghiến được công nhận Cây di sản Việt Nam trong khu “rừng ma” đông Rân
Tại khu rừng còn là một điểm di tích rất quan trọng. Mới đây, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức lễ tôn vinh và gắn biển, công nhận cây nghiến này là Cây di sản Việt Nam. Cùng với cây nghiến này còn có một cây cổ thụ khác ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cũng được công nhận. Riêng với cây thuộc địa phận khu rừng thiêng này tại bản Lũng Túng được xác định có niên đại gần 1.000 năm tuổi. Cây có chiều cao khoảng 50 mét, đường kính thân 2,5 mét.
Theo ông Hính cây này đã nhiều lần sinh tử vì ngày trước cây nằm trong dự án đường điện đi qua nên đã suýt bị chặt bỏ. Sau mấy tháng trời dân làng cương quyết đấu tranh nên cây đã được giữ lại. Hiện nay xung quanh gốc cây đã được quây lại bằng bệ bê tông để bảo vệ cho bộ rễ trùm ra.
Những chuyện đồn thổi ly kỳ ở "rừng ma trẻ"
Trên con đường liên xã thuộc địa phận xã Kim Loan mọi người sẽ không khỏi choáng ngợp trước khu rừng đầu nguồn Đông Rân của xóm Lũng Túng. Với hàng trăm cây cổ thụ lớn nhỏ mọc theo dãy núi đá ôm sát lấy ngôi làng. Từ xa đã có thể nhìn thấy những "cụ nghiến" cổ thụ mọc thẳng tắp nổi bật hơn hẳn những cánh rừng khác. Dân làng gọi đó là “rừng ma trẻ”, vì đây là nghĩa địa của những sinh linh bé bỏng vừa chào đời (nhiều nhất cũng chỉ được mấy tháng tuổi trong những thập niên trước) được chôn cất tại đây.
Mó nước kỳ diệu
Ngoài ngôi đền thiêng và khu “rừng ma”, cạnh con đường liên xã mới thi công đi quan địa phận Kim Loan còn có một mó nước quanh năm mát rượi và trong vắt. Xung quanh mó nước này cũng có rất nhiều điều kỳ lạ. Dẫn chúng tôi ra tham quan mó nước cụ Hính cho biết, đó là mó nước kép, một cái chỉ có nước vào mùa mưa, đến mùa khô thì cạn. Tuy nhiên cái mó nước bên cạnh thì lúc nào cũng có nước bất kể quanh vùng hạn hán thế nào. Điều lạ là mực nước ở mó này lúc nào cũng chỉ ngấp nghé miệng, không bao giờ vượt miệng nhưng cũng không bao giờ chạm đáy. Ngày xưa cán bộ Kiểm lâm đến tuyên truyền về việc bảo vệ rừng, có dạy rằng làng này may mắn lắm khi có mó nước ở đầu làng, nếu chặt phá hết rừng thì nước không chảy ra và cả làng sẽ chết khát. Nhờ tin và thực hiện theo mà mó nước này hiện vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho dân làng Lũng Túng.
Theo người dân địa phương, nếu ai đi qua đoạn này vào chiều tối hay những lúc âm u, mưa phùn thường sẽ khó tránh khỏi sự khiếp sợ, bởi lẽ khi đó trời âm u, không có người qua lại cộng thêm tin đồn từ trước tới nay người dân khu vực cho rằng đó là khu rừng ma.
Cụ Lăng Văn Hính năm nay 77 tuổi, một trong những già làng trong vùng, cụ là người nắm rõ nhất về những chuyện liên quan đến khu rừng. Cụ cho biết, sát cánh rừng Đông Rân có một cái miếu thờ thổ công đầu làng. Ngôi miếu thiêng này nằm ngay chân khu rừng Đông Rân, ngay đằng sau là cánh rừng rộng bạt ngàn với hàng trăm cây cổ thụ mọc san sát nhau. Đã có rất nhiều câu chuyện mà người dân cho là kì lạ xảy ra ở đây.
Cụ Hính kể: "Trước đây đã từng có người cưỡi ngựa qua trước ngôi miếu, nhưng đến đó ngựa quỳ xuống không đi được nữa, mãi đến khi người đó phải xuống ngựa, vào miếu thắp nén hương thì ngựa mới đứng dậy để đi tiếp(?). Không những thế trâu bò nơi khác đến đây, bất kể chỉ đến cày hay được mua về cũng phải theo thủ tục như vậy”.
Cụ còn nhớ, năm ngoái gia đình anh Phù có mua một con trâu mới, lúc đầu về trâu cày rất khỏe, thế nhưng chỉ được một thời gian, trâu cứ ngày càng gầy đi. Lúc đó anh Phù mới sực nhớ ra là mình chưa làm thủ tục nhập thổ. Vậy là gia đình phải lập cập chuẩn bị mâm cơm mang lên miếu thắp hương xin thần linh nhận trâu. “Bây giờ con trâu đó đã trở lại bình thường và cày rất khỏe”, cụ Hính nói. Kể chuyện là vậy, nhưng cụ Hính vẫn cho rằng đó chỉ là phong tục, tín ngưỡng chứ không có cơ sở nào để khẳng định những chuyện đó là có thật mà đa phần là do người dân đồn thổi mà thôi.
Hiện nay tại ngôi miếu này cứ đến ngày mồng 1 tháng 3 hàng năm cả làng tổ chức lễ cúng. Buổi lễ thường tổ chức vào chiều tối hôm đó đến trưa hôm sau, ít nhất mỗi gia đình phải góp mặt một người. Phong tục này với mong muốn cả làng sẽ yên ổn và mùa màng bội thu. "Những phong tục từ xưa truyền lại đến nay mọi người vẫn thực hiện, trong đó có tục những cô dâu về nhà chồng trong ngày cưới tránh qua đoạn đường trước ngôi miếu mà phải đi vòng. Những điều cấm kị đó vẫn được mọi người ở đây thực hiện vì đó là phong tục tín ngưỡng mà", bà Hoán, một người dân trong làng cho biết.
Chuyện "ma giữ rừng" là đồn thổi
Cụ bà Lăng Thị Dình kể: "Trước đây có một người công nhân dưới xuôi lên thi công tuyến đường liên xã. Lên một thời gian thì quen lối, thỉnh thoảng người này có đi vào "rừng ma" nhưng chưa bao giờ bị lạc. Vậy mà một hôm anh vào khu rừng chặt lấy một cây để dựng lều. Đi từ sáng đến trưa không thấy về mọi người mới hoảng hốt nhờ dân làng đi tìm thì thấy anh ta đang ngồi co ro ở một gốc cây rừng, mặt tái xanh sợ sệt.
Mó nước kỳ diệu ở Lũng Túng
Sau khi được đưa ra khỏi rừng anh mới hoàn hồn kể lại. Chính anh cũng không hiểu sao, sau khi chặt cây xong định đem về thì đầu óc bỗng nhiên quay cuồng không thể nhớ nổi đường ra cứ đi lòng vòng một lúc lại quay trở lại chỗ cũ (?). Sau lần đó người này hoảng sợ quá thu xếp đồ về quê luôn".
Để kiểm chứng thông tin đó, chúng tôi được bà dẫn đến nơi mà mọi người đã tìm thấy người công nhân bị ma rừng giữ. Theo quan sát đây là một góc của khu rừng, khá âm u bởi những tán cổ thụ phủ kín và gần như ánh nắng mặt trời không thể xuyên qua, bốn góc chằng chịt dây leo bám lên những cây cổ thụ. Có những gốc không thể nhận ra đó là gốc cây hay là đá. Bà cho biết, người lạ đi vào chỗ đó chắc chắn sẽ bị mất phương hướng, tuy nhiên với những người đã quen rừng thì rất khó mà nói rằng bị lạc được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Kim Loan cho biết: "Hiện ở Làng vẫn còn nhiều quan niệm, phong tục có phần mê tín và cổ hủ. Về khu rừng thiêng (còn gọi là “rừng ma trẻ”), theo ông mọi câu chuyện về ma quỷ, huyền bí đều do người dân thêu dệt nên và truyền lại nhằm mục đích tuyên truyền để mọi người có ý thức bảo vệ và giữ rừng. Từ trước đến nay bản thân ông cũng chỉ nghe kể chứ chưa gặp ai tận mắt chứng kiến những chuyện như vậy bao giờ".
Tuy nhiên hiện nay những người dân khu vực bản Lũng Túng vẫn có một niềm tin kỳ lạ vào sự linh thiêng bởi khu rừng bao bọc, chở che cho cuộc sống của họ.
Nguyễn Thái