Ly kỳ giếng trời khiến cả làng có giọng hát như ca sĩ

Ly kỳ giếng trời khiến cả làng có giọng hát như ca sĩ

Thứ 7, 28/12/2013 16:22

Là một bộ phận dân tộc mới được phát hiện, nhưng người dân ở hầu hết các làng của xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi cư trú của đồng bào Ma Coong đang được mệnh danh là "xã ca sỹ".

Tuy ở đây còn nhiều người không nói được tiếng phổ thông nhưng kỳ lạ là người dân, nhất là phụ nữ lại có một khả năng trời phú là bắt chước và hát rất hay đủ các thể loại ca khúc, kể cả nhạc nước ngoài. Nhiều người bỏ công ra tìm hiểu nhưng tới nay chưa ai đưa ra lời giải thích về hiện tượng trên ngoài "nghi vấn" về việc người dân đã uống một thứ nước được múc từ chiếc giếng lạ nằm trên đỉnh núi.

Nơi phát tích của người Ma Coong

Thượng Trạch là xã xa nhất của huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Nơi đây gần như cách biệt với mọi giao lưu bên ngoài và được coi là nơi phát tích của người Ma Coong. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường 20 mở qua đây, được xem như là xương sống một thời cho quân ta chi viện cho chiến trường miền Nam, nên không lực Hoa Kỳ đã tập trung bắn phá hủy diệt. Đạn bom khốc liệt nhưng người Ma Coong ở đây chưa bao giờ có ý rời bỏ quê hương.

Hôm chúng tôi đến một số cơ quan của huyện tìm hiểu thông tin để làm "hành trang" vào xã, thì được nhiều người "nhắc" về tài hát, bắt chước và hát hay đến lạ kỳ của người dân nơi đây. Họ bảo, nhiều người thấy lạ, đã bỏ công ra tìm hiểu nhưng chưa thấy ai tìm ra được nguyên nhân nào cả.

Lạ & Cười - Ly kỳ giếng trời khiến cả làng có giọng hát như ca sĩ

Y Mon, một trong những nữ sinh sáng giá về tài bắt chước và hát khá hay các ca khúc đủ mọi thể loại.

Vào Thượng Trạch, chỗ chúng tôi tìm đến tá túc là trường dân tộc Nội trú của huyện. Hôm ấy cuối tuần, vừa qua trưa, đã thấy các thầy cô sửa soạn loa đài, âm - ly. Tưởng nhà trường tổ chức văn nghệ nhân ngày gì, tò mò, tôi hỏi các thầy cô thì được biết đây là "ngón sở trường" để các thầy cô giữ chân học trò, cho học trò nhớ trường nhớ lớp. Tuần nào cũng vậy, cứ đến ngày cuối tuần, dù mưa hay nắng, dù bận gì đi chăng nữa các thầy cô cũng không thể quên được tiết mục này. Vì học sinh nơi đây trường lớp còn là khái niệm lạ lẫm, nay nhớ mai quên ngày đến trường. Chỉ còn cách cho các em hát, vui chơi văn nghệ thì mới tạo cho các em "niềm vui đến trường" mà thôi.

Tối ấy, vì là khách, lại tò mò về những điều đã nghe về khả năng bắt chước các giọng ca vàng của cánh thanh niên, tôi tìm đến hội trường. Nói thật, chưa ở đâu tôi thấy chương trình "hát cho nhau nghe" lại sôi nổi và phải bốc thăm để có cơ hội hát như ở đây. Màn hình bật, tuy còn ngô nghê, ngọng nghịu với những bài học ở lớp, nhưng bất kỳ bài hát nào có khó đến mấy chỉ cần nghe qua một lượt, nhiều học sinh có thể hát được ngay. Lạ lùng là các em hát rất hay, rất nuột và chuyên nghiệp.

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng của trường bộc bạch: Đồng bào Ma Coong mới thoát vòng lạc hậu chưa lâu. Vì lạc hậu, nghèo đói nên chuyện học hành không được người dân và các em học sinh chú ý. Vì nghề, vì sự nghiệp, các thầy đã tâm huyết lên đây. Thế nhưng học sinh nay bỏ, mai học, thích thì đến lớp, không thích thì thôi. Rồi các thầy đã phát hiện ra năng khiếu đặc biệt thích hát và hát bắt chước của các em. Do đó, trong các biện pháp đưa trẻ đến trường thì việc tổ chức cho các em hát đã được đưa ra.

Thiếu tá Hoàng Minh Đức - cán bộ biên phòng cắm bản cho biết: "Thú thực, làm lính biên phòng tôi đã được đi đến nhiều nơi, nhưng chưa thấy đâu người ta lại có khả năng bắt chước và hát khá hay như ở đất này. Do trình độ dân trí, do cuộc sống nghèo khó nên cái chữ vẫn khó "tiếp cận" với các em học sinh. Nhiều em lên lớp, bài học vẫn phải bập bẹ đánh vần nhưng bài hát thì chỉ nghe 1 lần là nhớ, nhớ cả luyến láy của từng ca khúc. Đây có thể là điều lạ kỳ nhất ở nơi này".

Trong tất cả "những giọng ca vàng" và khả năng nhớ các ca khúc thì Y Mon là cô học sinh nổi danh hơn cả. Không chỉ nhớ và hát theo nhạc đệm các ca khúc trong nước mà một số ca khúc tiếng Anh, tiếng Hoa, Y Mon cũng thuộc và hát khá nhanh. Để thẩm tra sự bắt chước đến diệu kỳ của cô, chúng tôi đã nhờ nhà trường bật vài ca khúc nước ngoài để Y Mon hát. Nằm ngoài trí tưởng tượng, các ca khúc nước ngoài  Y Mon chỉ cần nghe đến 2 hoặc 3 lần là có thể hát ngon ơ.

Không chỉ dừng ở biệt tài nghe hát, bắt chước giọng hát, thanh niên nam nữ nhảy thuần thục nhiều điệu Van, Pốp, Rốc... Kết thúc buổi văn nghệ với biệt tài hát, nhà trường chuyển sang tiết mục khiêu vũ và các em tiếp tục nhún nhảy hết sức sành điệu và chuyên nghiệp.

Lạ & Cười - Ly kỳ giếng trời khiến cả làng có giọng hát như ca sĩ (Hình 2).

Không ai có thể ngờ rằng nằm ở một độ cao tới 1.500m so với mực nước biển lại có chiếc giếng kỳ lạ đến vậy.

Lời giải từ nguồn nước "giếng trời"?

Là nơi cư trú đông nhất của bộ phận người Ma Coong nên đã có nhiều nhà nghiên cứu tìm lên Thương Trạch. Ngoài tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, họ cũng rất chú ý đến biệt tài bắt chước khá nhanh và hát khá hay các ca khúc của người dân nơi đây. Thế nhưng, chưa có ai đưa ra những ý kiến khoa học nào ngoài "nghi án" về việc người dân nơi đây đã uống nước ở giếng được coi là giếng thần trên đỉnh núi Ớt (một nhánh của dải Trường Sơn - PV). Và nhờ thứ nước này mà  người dân Ma Coong có khả năng như vậy.

Ông Quách Văn Tâm, nguyên cán bộ Đồn biên phòng 593 đóng trên địa bàn, hiện đang là Bí thư xã cho biết: "Thời kỳ chống Mỹ, do xã Thượng Trạch nằm gần đường 20 nên đã trở thành trọng điểm đánh phá và càn quét của mật thám và thám báo. Dân làng đã phải di tản lên Núi Ớt và đã phát hiện ra chiếc giếng này. 32 hộ dân người Ma Coong nếu không có "giếng thần" này thì không thể kiếm đâu ra nguồn nước để sinh hoạt khi lánh nạn".

Sau nửa ngày leo dốc và tìm kiếm, chúng tôi cũng đã tìm được đến "giếng thần". Giữa một triền đá vôi rộng mênh mông, trên một độ cao thông thốc gió, giếng hiện ra tròn xoe và sâu hun hút như thể có một bàn tay thần kỳ nào đó "đào" trên đá. "Giếng thần" này rất sâu, đo ngập một cây nứa tép (một loại nứa nhỏ và dài trên rừng) mà vẫn chưa chạm tới đáy. Nước giếng rất trong và mát rượi. Riêng mùa đông nước ở đây lại rất ấm. Người ta có thể múc và tắm cho trẻ con mà không sợ bị cảm lạnh.

Theo anh Đinh Hoan, một người dân trong vùng, nước giếng này không bao giờ cạn. Ngay cả trâu bò của dân lên đây ăn cỏ nhưng không hiểu tại sao chúng chẳng dám bén mảng và uống nước tại "giếng thần" này. Và có một điều lạ kỳ là nếu giới nữ mà uống thứ nước này sau một thời gian giọng bỗng trở lên trong vắt và có khả năng bắt chước tiếng chim và tiếng hát rất truyền cảm lay động lòng người?

 

Muốn đến "giếng trời" phải "ngửa" mặt, chân trần đạp đá

"Giếng thần" với nhiều hiện tượng kỳ lạ là giếng nước duy nhất trên núi Ớt. Muốn đến giếng này, chỉ có một con đường đi duy nhất là theo đường 20, xuất phát từ động Phong Nha qua các địa danh đã đi vào lịch sử như Hang Tám Cô, Nữ y tá, Ngầm Ta Lê, núi Phu La Nhích, Ngầm chữ A… vì thế người ta gọi đây là đường lên "giếng trời". Muốn đến được "giếng trời" này phải "ngửa" mặt, chân trần đạp đá, ngược núi mà đi lên, mất gần nửa ngày trời, ước chừng khoảng 30km. Theo ông Đinh Hợp, Chủ tịch xã Thượng Trạch, cũng là người Ma Coong chính gốc thì "giếng thần" này có nhiều hiện tượng kỳ bí. Giếng nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, trên một kết cấu núi đá vôi, lúc nào giếng cũng đầy ngần ngật nước, kể cả vào mùa khô.

Nhóm PV

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.