Dòng họ Mai anh hùng
Chúng tôi tìm đến ấp 8 (nay là ấp Tân Điền, xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ai cũng rành mạch kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đặc biệt của gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Trạ. Nhiều người dân cho biết, trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhiều người trong gia đình bà Võ Thị Trà đã hy sinh thân mình, bảo vệ độc lập cho dân tộc. Trong các con của bà chỉ có duy nhất người con út là ông Mai Văn Song (SN 1938) còn sống sót trở về sau chiến tranh. Trong căn nhà nhỏ bé, tuềnh toàng, ngổn ngang đống còng dừa, ông Song kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về gia đình mình. Ông Song cho hay, ông chính là người con trai duy nhất của dòng họ Mai ở tỉnh Bến Tre sống sót sau nhiều trận đánh với quân thù. Ông lớn lên giữa lúc đất nước gồng mình với hai cuộc kháng chiến trường kì ác liệt.
Ông Mai Văn Song kể về những cuộc chiến ác liệt trong thời kì chống Pháp và chống Mỹ
Sau giải phóng năm 1975, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Song trở về quê. Thế nhưng, trong giấy phút trở về ấy, ông đã mang trên mình không ít vết thương chiến tranh. Ông nói trong ngậm ngùi: "Trên khắp cơ thể tôi, chỗ nào cũng in hằn dấu vết tội ác của quân thù. Mỗi khi trái gió trở trời, những nỗi đau ấy lại hành hạ, nhiều lúc như chết đi sống lại. Tuy nhiên, không chết dưới bom đạn của quân thù đó cũng là một may mắn đối với tôi. Bởi trong những tháng ngày ác liệt ấy, tôi nghĩ mình chỉ có thể sống giờ, sống phút, chứ không dám nghĩ đến ngày hòa bình lập lại và được như ngày hôm nay".
"Thế nhưng, nỗi đau lớn nhất của tôi sau ngày hòa bình lập lại đó là phải đối diện với sự mất mát quá lớn của người thân trong gia đình. Nhà tôi có tất cả bốn người thân ruột thịt và nhiều anh chị em dâu rể đã mãi mãi nằm lại dưới trời bom của quân thù. Sau chiến tranh, mảnh đất của gia đình tôi như một nghĩa trang", ông Song chua xót.
Bần thần trong giây lát, ông nhớ lại: "Ngày ấy, vì bị chèn ép và hà hiếp quá nhiều, người con đầu tiên của dòng họ Mai là ông Mai Văn Bộ (bố của ông Song - PV) đã đi theo tiếng gọi của ngọn lửa cách mạng với hi vọng đem lại bình yên cho người dân vùng đồng bằng sông nước; đồng thời đập tan dã tâm của quân thù từ khi cán bộ còn hoạt động bí mật năm 1946. Mặc dù lực lượng quân cách mạng yếu mỏng, vũ khí lại thô sơ nhưng với sự dũng cảm và tinh thần chiến đấu kiên cường, đội quân cách mạng của ông Bộ vẫn một mực lì lợm trước họng súng của quân thù để bảo vệ nhân dân. Để chống trả lại tinh thần chiến đấu quật cường ấy, quân địch ngày càng dở những trò man rợ truy lùng, giết chết quân cách mạng. Thế nhưng, không thể tránh khỏi những trận bão bom đạn, bố tôi đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vì bị bại lộ tung tích vào ngày 13/10/1952".
Trước sự dũng cảm và hi sinh của ông Bộ, phẫn nộ trước tội ác của quân địch, người con trai cả của ông Bộ đã đi theo bước chân cách mạng của gia đình. Đó là ông Mai Văn Sơn (SN 1935). Với tinh thần chiến đấu không một phút ngưng nghỉ trong suốt nhiều năm rõng rã, cho đến năm 1967 ông Sơn đã ra đi mà không một lần quay trở lại vì đạn bom của kẻ thù. Tuy nhiên, không nản lòng trước sự hi sinh của người cha và anh cả, những đứa con kế tiếp của ông Bộ, không kể trai gái hay dâu rể, cứ hễ lớn lên là được giác ngộ tư tưởng cách mạng và lên đường đi chiến đấu không mệt mỏi. Đứa con trai thứ ba, ông Mai Văn Hòa (SN 1938), đã hi sinh năm 1974. Trước đó, ông Mai Văn Bol (con trai thứ tư) đã bỏ mạng trên mảnh đất đầm lầy của xã Sơn Phú năm 1971. Không quản sự mất mát của những thân trong gia đình, ông Song, người con trai út của ông Bộ cũng đã lên đường cầm súng đánh giặc.
Là một người con trai ruột duy nhất của ông Bộ sống sót và được hưởng cuộc sống hòa bình, dù cho có rất nhiều khó khăn và thử thách, ông Song luôn trăn trở làm sao sống tốt để không phụ lòng sự hy sinh của những người thân. Chính vì vậy, hàng ngày dù miếng cơm manh áo đè nặng lên cơ thể đầy thương tích, ông vẫn dành thời gian chăm sóc mồ của những người thân đã ngã xuống. Ông tâm sự: "Điều tôi cảm thấy buồn và trăn trở là chưa kịp phụng dưỡng người mẹ già tần tảo Võ Thị Trà đã vất vả bao năm cho gia đình thì bà đã vội lìa xa. Là thân gái dặm trường, đối diện với nhiều sự đàn áp của quân thù, nhưng chưa một lần bà quên những đứa con và người chồng của mình ngoài mặt trận. Bà vẫn dành cho chúng tôi sự ưu ái, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng".
Ông Mai Văn Song ngậm ngùi bên bia mộ của những người thân
Liệt sĩ trở về sau 43 năm báo tử
Trong mạch nguồn kí ức của người con út Mai Văn Song, chúng tôi còn biết được câu chuyện về liệt sĩ báo tử 43 năm của dòng họ đột nhiên trở về. Đó chính là ông Nguyễn Văn Hai (SN 1935, còn gọi là Hai Hỉnh). Ông Song cho hay: "Anh Hai Hỉnh chưa kịp nở niềm vui với cuộc đời thì phải đối diện với sự mất mát cả cha lẫn mẹ từ khi mới 3 - 4 tuổi. Cuộc sống của anh ấy cứ lay lắt trôi qua cho đến khi được mẹ tôi là bà Võ Thị Trà nhận về nuôi và coi như con ruột của gia đình".
Để không phụ lòng công lao chăm sóc, nuôi dưỡng to lớn của gia đình mẹ nuôi, ông Hai đã lăn lội làm thuê, làm mướn, sớm gắn bó với cuộc sống đồng ruộng để phụ giúp gia đình và đỡ đần cha mẹ nuôi các em. Cuộc sống vất vả cứ trôi qua từng ngày, lớn lên giữa lúc nhân dân Nam Bộ nằm dưới ách áp bức bóc lột của quân xâm lược, tiếp nối truyền thống cách mạng của người cha nuôi đã ngã xuống, ông Hai đã lên đường đi chiến đấu năm 1960. Trải qua nhiều cuộc hành quân ở nhiều đơn vị, ông Hai được rút về Quân khu 7, chiến đấu tại chiến trường Long An và bị thương. Sau đó, ông được chuyển về Lộc Ninh rồi chuyển ra Bắc và mất liên lạc với gia đình kể từ đó.
Ông Song cho biết: "Sau nhiều năm không có tin tức gì về anh Hai Hỉnh, đơn vị cũ đã gửi giấy báo tử về cho gia đình vào năm 1965. Sau ngày chiến đấu trở về, tôi cũng đã lập bàn thờ anh và lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày giỗ. Cuộc sống của gia đình cứ thế trôi qua trong lặng lẽ nhưng cũng đầy giông bão. Cho đến tháng 2/2008, anh Hai Hỉnh đột ngột trở về trong sự bàng hoàng, ngạc nhiên của mọi người. Hôm ấy, cả nhà đang chập chờn trong giấc ngủ thì nghe có tiếng gọi, tôi choàng thức dậy và mở cửa thì thấy hình ảnh một anh Hai Hỉnh già nua trở về trong sự xúc động, nghẹn ngào. Má tôi ôm lấy ảnh rồi khóc nức nở cả đêm và không hết bàng hoàng. Cứ thế, cuộc đoàn tụ của gia đình tôi chìm trong những giọt nước mắt hạnh phúc".
Bình tâm trở lại, ông Hai Hỉnh kể về sự trôi nổi của mình trong mấy chục năm qua. Ông cho biết: "Trong những năm đánh Mỹ, tôi bị thương rồi lạc đơn vị, một đơn vị khác đã tìm được tôi và đưa đi cấp cứu, sau đó được đưa ra miền Bắc an dưỡng. Chính vì thế, đơn vị cũ đã làm giấy báo tử nhầm. Sau khi an dưỡng, tôi lập gia đình rồi có con ở Ninh Bình, có lúc muốn trở về thăm lại quê hương và gia đình nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên cái mong ước nhỏ bé ấy cũng trở thành một món quà xa xỉ. Mặt khác, vì không biết nửa chữ cắn đôi nên tôi cũng không thể gửi một lá thư hay dòng chữ nào cho gia đình suốt bao nhiêu năm dài. Những đứa con của tôi lớn lên, biết được nguyện vọng của cha mình nên đã cố gắng làm việc, tích góp để có tiền cho cha trở lại thăm quê".
Người lính già không mệt mỏi Ông Mai Văn Song tuổi đã cao và là một thương binh với thương tật tới 40% nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở nhiều cơ quan tại địa phương. Bên cạnh đó, ông vẫn phải dìu dắt, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho người vợ nhiễm chất độc màu da cam bao nhiêu năm lê lết quanh nhà. Để kiếm thêm thu nhập, có tiền sinh hoạt, thuốc men cho cả gia đình, ông vẫn cùng với những người con mưu sinh từ những sản phẩm của cây dừa. Dù cho cuộc sống còn nhiều chật vật, bên căn nhà tuềnh toàng và những căn bệnh kinh niên, ông vẫn vui vẻ với cuộc đời mà không một lời than vãn. |
THƠ TRỊNH