Công trạng của vị quan "khai quốc công thần"
Theo các sách sử xưa còn ghi lại, sau khi được vua Trần Nhân Tông hứa gả con gái là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân (vua nước Chiêm Thành), để tỏ lòng biết ơn và thiện chí, Chế Mân dâng châu Ô và châu Rí làm sính lễ. Sau khi tiếp nhận hai vùng đất mới này, vua Trần Anh Tông đổi tên thành Thuận Châu và Hóa Châu (vùng đất từ Quảng Trị đến đèo Lao Bảo, phía nam đèo Hải Vân) rồi cho dân vào vùng đất này khai phá, mở bờ cõi về phía Nam.
Năm 1558, lúc này Chúa Nguyễn chỉ còn trên danh nghĩa, nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin về trấn thủ đất Thuận Hóa, mở mang bờ cõi, các con cháu đời nhà Nguyễn sau đó nối tiếp những tiền nhân đi trước, khai đất lập ấp, mở cõi về phương Nam, hình thành nên thế đất vững bền, phát triển cực thịnh mãi về sau.
Đình Tân Giai, nơi thờ linh vị và thanh gươm của Quốc Công Tống Phước Hiệp.
Năm 1732, Ninh vương Nguyễn Phúc Trú quyết định thành lập Long Hồ Dinh, đặt lỵ sở tại thôn An Bình Đông, huyện Kiến An (Cái Bè). Sau đó, năm 1757, lỵ sở được dời về xứ Tầm Bào, thuộc địa phận Long Hồ, thành phố Vĩnh Long ngày nay. Như vậy với việc thành lập Long Hồ Dinh, bờ cõi nước ta đã được mở rộng rất nhiều về phía Nam, hình thành thế đất vững chắc, phát triển thuận lợi mọi mặt về kinh tế, chính trị, quân sự... Đánh dấu cuộc Nam tiến vĩ đại của người dân nước Nam, bờ cõi dân tộc cơ bản được hoàn thành. Từ đây, đất nước phát triển mạnh, người dân được sống ấm no.
Sau khi thành lập Long Hồ Dinh, Chúa Nguyễn Phúc Trú giao Tống Phước Hiệp làm quan Lưu thủ đầu tiên tại Long Hồ, cấp ấn kiếm để Quốc công Tống Phước Hiệp tiếp tục khai phá vùng đất phương Nam còn nhiều tiềm năng. Tống Phước Hiệp vốn là cháu của Quận công Tống Phước Trị, quê ở huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Vốn là một võ tướng nhưng tính tình ông không khô khan, rất giỏi về trị an, thương dân như con. Nhờ tài quân sự của ông mà bờ cõi được bình yên, phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, khai hoang lập ấp...
Khoảng thời gian năm 1772, dòng họ Mạc xưng vương ở Hà Tiên, cùng thời điểm đó, vua Xiêm đem quân đánh phá và chiếm vùng đất Hà Tiên. Vì không chống đỡ nổi sự hung bạo của quân Xiêm nên con trai của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích chạy về vùng đất Long Hồ cầu viện Quốc công Tống Phước Hiệp, chính Quốc công đã thân chinh ra trận để lấy lại vùng đất vừa bị quân Xiêm chiếm đóng.
Thanh gươm cổ từng bị lưu lạc nhiều năm.
Trong cuốn Vĩnh Long xưa và nay có đoạn ghi: Đầu năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ mang quân theo đường thủy vào đánh Gia Định, Tống Phước Hiệp chống cự, chặn đánh nhiều trận quyết liệt, tinh thần dũng cảm của ông và quan sĩ đã khiến quân lính kiêng dè nể phục. Nhưng lúc bấy giờ ông đã quá suy yếu vì quá gian lao trong mấy năm chinh chiến nên lâm bệnh và mất vào ngày mùng 2 tháng 6 năm 1776.
Quá thương tiếc vị võ quan thương dân như con nên dân chúng Long Hồ Dinh thương cảm đồng chịu tang, chợ nghỉ bán ba ngày, phố phường đều đóng cửa, kẻ làm ruộng ngưng cày cấy, dân chài lưới đem ghe thuyền vào bờ, dân tình đều than khóc, quốc kỳ treo rủ các tư dinh... Triều đình truy tặng ông nhiều danh hiệu như: "Tả phù Quốc Công" "Hữu phù Quốc Công". Và ban sắc phong Trung đẳng thần, truyền lệnh lập miếu Quốc Công thờ tự ông tại làng Trường Xuân (nay là phường 5, TP. Vĩnh Long).
Sử sách cả xưa và nay còn khẳng định rằng, Tống Phước Hiệp là vị quan khai quốc công thần, đặt nền móng cho cả vùng Tây Nam Bộ rộng lớn. Là vị quan được nhân dân tin yêu, được triều đình truyền lập miếu thờ. Tiếc thay, sự xáo trộn của lịch sử, chiến tranh liên miên cùng những biến cố thăng trầm của thời gian đã không giữ nổi cái nơi thờ tự vốn rất linh thiêng của Quốc Công Tống Phước Hiệp cho đến ngày nay khiến không ít người nuối tiếc. Cùng với sự mất đi cái không gian thờ tự Quốc Công là hàng trăm di vật, hiện vật của ngài bị lưu lạc trong dân gian, trong đó có thanh gươm cổ quý báu từng bên Quốc Công Tống Phước Hiệp những ngày thân chinh ra trận và mở mang bờ cõi.
Linh vị Quốc Công Tống Phước Hiệp.
Cuộc phiêu lưu của thanh gươm báu
Trong số những bảo vật liên quan đến Tống Quốc Công, có một thanh gươm cổ mà ngày xưa từng theo chân vị võ tướng tài ba khắp mặt trận phương Nam và cả Nam Trung Bộ. Đó là thanh gươm lệnh, được ngài dùng để thao lệnh tướng sĩ nơi quân trường, gươm được đúc bằng thép quý, thân mảnh, dài khoảng 60cm, nặng gần 2kg. Thanh gươm đã lưu lạc trong dân gian suốt nhiều năm trời, đã có lúc người ta tưởng sắt vụn và định bán ve chai. May nhờ những người có lòng với tiền nhân đã đi tìm và cất giữ nó, gửi vào chùa nên thanh gươm mới có dịp hội ngộ cùng chủ tướng.
Ông Trang Thuận Thái (SN 1949, phó ban quản lý đình Tân Giai, nơi thờ tự thanh gươm của Quốc công Tống Phước Hiệp) cho biết: "Sau khi được giao làm quan Lưu thủ tại Long Hồ Dinh, ngài lập địa giới hành chính đất Long Hồ, mở rộng bờ cõi về tới Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Châu Đuốc, Long Xuyên, tổ chức chợ búa thông thương buôn bán, nhân dân được ấm no vì luôn có Tống Quốc Công che chở. Khi Quốc Công mất, ai nấy đều nhớ thương một đấng nhân thần công lao hiển hách, vào sinh ra tử, bồi thành đắp lũy bảo vệ giang sơn... Vậy mà hơn 200 năm sau khi Tống Quốc Công chết, miếu thờ ngài không còn nguyên vẹn, những di vật, hiện vật bị thất lạc, có nhiều thứ không tìm lại được. Việc tìm thấy thanh gươm cổ quý báu như một sự linh ứng của bậc tiền nhân dành tặng cho con cháu đời sau".
Ông Đình Văn Chiến (86 tuổi, ngụ xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: "Quốc Công Tống Phước Hiệp là người có công lớn trong việc khai quốc công thần, được lập miếu thờ. Nhưng khoảng năm 1982, ngôi miếu Quốc Công bị đập phá tan tành vì suy tội ông từng cầm quân đánh phá Tây Sơn. Ngôi miếu sụp đổ, uy linh Quốc Công giảm sút nên các di vật thờ tự bị người đời thâu tóm làm của riêng. May mắn có một thường dân kính trọng Quốc Công đã nhanh tay đem thanh gươm lệnh đi giấu. Nhưng người này cũng không dám giữ lâu vì sợ bị lộ chuyện, chuốc tội vào thân nên tìm cách bỏ thanh gươm. Sau này chỉ có ông N.H.T (ngụ tại thị xã Vĩnh Long) dám cất giữ thanh gươm cổ quý hiếm. Nhưng để trong nhà lâu không yên tâm, người giữ gươm đem đi gửi ở nhiều nhà. Cuối cùng được sự vận động của Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Trụ trì chùa Giác Hòa (phường 2, thị xã Vĩnh Long), người này đã gửi thanh gươm lại trong chùa để gươm được cất giữ cẩn thận".
Công tội Quốc Công đời sau nay đã rõ Ông Trang Thuận Thái, phó ban quản lý di tích đình Tân Giai (phường 1, TP. Vĩnh Long) cho biết: "Công tội Quốc Công Tống Phước Hiệp đời sau nay đã rõ. Năm 2005, chính quyền đã cho khôi phục lại lễ vía ngài (lễ giỗ - PV) và thống nhất sẽ diễn ra hằng năm trong các ngày 2-3/6 (Âm lịch). Ngày ấy ai ai cũng tưởng niệm sùng kính một vị khai quốc công thần khi xưa trấn nhậm đất Vĩnh Long. Năm 2006, Thượng tọa Thích Phước Hạnh (trụ trì chùa Giác Hòa) cho phép đưa linh vị và thanh gươm của Tống Quốc Công về đình Tân Giai thờ. Khi tìm lại được thanh gươm, nó đã hư phần chuôi và mất vỏ gươm, chính quyền đã cho làm lại chuôi và bao để thanh gươm được hoàn chỉnh. Tính đến giờ, Quốc Công đã quy tiên trên hai thế kỷ, nhưng oai linh hiển hách vẫn còn phảng phất nơi miếu thiêng". |
Công Thư