“Chăn lạnh gối tàn”
Không nặng lời, to tiếng chỉ vì tự ái cá nhân nhiều cặp vợ chồng trí thức đã "chăn lạnh gối tàn", gác mái đò chung quặt lái sang sông. Mỗi người tìm cho mình một nửa mới nhưng cả hai vẫn giữ một tổ ấm tượng trưng vì con cái. Để giữ hình ảnh, nhiều cặp đôi vẫn ngủ chung phòng nhưng khoảng cách mong manh chỉ là chiếc gối ôm nhưng nhiều năm không ai muốn vượt qua. Trong đêm, hai máy điện thoại cùng rung tin nhắn, hai vợ chồng cùng trò chuyện với người tình.
Hai vợ chồng chị Nguyễn Thu Lan cùng là luật sư, họ quá hiểu luật nhưng vẫn chơi trò tam nhân diễn nghĩa, tứ đồng hành. Ngủ trên một chiếc giường nhưng mọi trao đổi hai người đều sử dụng tin nhắn. Trước mặt con cái họ luôn diễn kịch đầy giả dối. Cuộc sống cứ thế nặng nề diễn ra suốt hơn năm. Đến một ngày, chịu không được nữa họ quyết định bán nhà, chia đôi gia tài mỗi người tìm mua cho mình một căn hộ. Nhưng họ cũng chẳng nghĩ gì đến sự giải phóng cho nhau. Người chồng vẫn ngang nhiên ở với một cô sinh viên, còn chị Thu Lan vẫn đi về với… mối tình đầu, cho dù anh ta đã có vợ con đề huề.
Một trường hợp khác, chị Nguyễn Mai Anh cùng chồng đã ly thân cả 10 năm nay. Nhưng mỗi lần định đưa nhau ra toà thì các con lại khóc cho rằng làm xấu hổ, không còn mặt mũi nào để đi học. Cực chẳng đã, chị Mai Anh lại diễn vở bi hài kịch cho ngôi nhà hạnh phúc. Chị vẫn than thở: "Ở trong ngôi nhà của mình mà như bị theo dõi. Làm cái gì cũng không được tự nhiên vì có "cú dòm". Nhưng biết làm sao, 10 năm chịu được cuối đời đưa nhau ra toà người ta lại bảo… đổ đốn". Vậy là vì sĩ diện cá nhân, vợ chồng chị Mai Anh chấp nhận diễn vở kịch cho đến… cuối đời.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà cho rằng, cuộc sống đóng kịch của nhiều gia đình trí thức thành thị đang thành xu hướng phổ biến. Nếu trong trường hợp mọi nỗ lực không thể cứu vãn được hôn nhân thì "ly hôn là giải pháp tốt cho cuộc hôn nhân tồi". Chuyện ly thân, đôi khi không phải là giải pháp tốt nhất cho mối quan hệ hôn nhân, thực chất họ nói vì con cái nhưng không đúng, họ chỉ vì danh dự, vì cái tôi của bản thân thôi.
Cần có định chế ly thân
Theo pháp luật, ly thân là vợ chồng không ăn ở với nhau nữa, nhưng chưa chính thức phân rẽ theo luật pháp. Tuy nhiên, trong thực tế có những đôi vợ chồng ly thân thì không còn quan hệ tình dục với nhau nhưng vẫn còn chịu chung trách nhiệm pháp lý cho nhiều việc về phương diện gia đình và xã hội. Chính vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng trong luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi nên quy định định chế ly thân để phù hợp với xu hướng của gia đình hiện đại. Thực tế, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 mới chỉ thừa nhận hai phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa hai vợ chồng là thông qua hòa giải và thông qua việc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn. Còn vấn đề ly thân lại chưa được luật quy định.
Về vấn đề này, pháp luật một số nước đã quy định ly thân được đặt ra để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng khi không thể tiếp tục chung sống. Chế định ly thân được quy định là quyền của vợ, chồng trong lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân. Ở Việt Nam, mặc dù chưa được quy định trong luật nhưng việc ly thân vẫn đang diễn ra trên thực tế. Vì nhiều lý do khác nhau như ngại tuổi cao, danh dự, uy tín, ảnh hưởng tâm lý của các con, khi có mâu thuẫn xảy ra nhiều cặp vợ, chồng đã chọn cho mình việc chấm dứt hôn nhân bằng ly thân như là một giải pháp giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân mà không thực hiện việc ly hôn.
Thực tế khi giải quyết các vụ án ly hôn, dù không được quy định nhưng nhiều thẩm phán vẫn xem xét đến tình trạng ly thân này như là một trong những cơ sở cho thấy mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, không thể hàn gắn. Nhưng vì không được luật quy định nên ngay cả việc xác định một cặp vợ, chồng nào đó trong tình trạng ly thân hay không lại cũng không phải là vấn đề dễ dàng. Mặt khác, không xác định được thời gian ly thân, nên việc giải quyết án ly hôn thường phải kéo dài khiến cho nhiều đương sự gặp khó khăn trong việc xây dựng cuộc sống mới. Đồng thời, trong quá trình ly thân nảy sinh nhiều vấn đề như việc cấp dưỡng nuôi con sẽ được thực hiện như thế nào, tình trạng ngoại tình, tẩu tán tài sản lại không được luật điều chỉnh. Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong trường hợp này đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng vì chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết. Nhiều trường hợp, vợ, chồng dù không sống hạnh phúc, nhưng vẫn chọn cho mình giải pháp ly thân để cản trở cuộc sống mới của một trong hai bên.
Theo một số chuyên gia, đã đến lúc chế định ly thân cần phải được luật quy định. Vì ly thân được coi như là một biện pháp hữu hiệu tránh tình trạng bạo lực gia đình. Đồng thời, cũng là khoảng thời gian để vợ chồng có thể cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định giải quyết mâu thuẫn vợ chồng bằng ly hôn. Việc quy định về ly thân còn giúp các bên thực hiện giao dịch một cách minh bạch, cũng như bảo đảm được quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình... Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định chế định ly thân vì dưới góc độ pháp lý, Luật Hôn nhân và Gia đình không có quy định nào vợ chồng nhất thiết phải sống chung cùng với nhau. Hơn nữa, bản chất của ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Mai Nguyễn