Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về việc bổ sung chế định ly thân vào dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình.
Vạch đường cho hươu chạy
Có nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung chế định ly thân vào Dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, do những vấn đề về nhân thân, tài sản và con cái từ việc ly thân tồn tại phổ biến trong thực tế.
Tuy nhiên, đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Nga ở Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội lại cho rằng được phép ly thân là vạch đường cho hươu chạy. Là người đã và đang sống cảnh ly thân chị Nga thổ lộ: "Khi biết chồng có mối quan hệ ngoài luồng, tôi đau lắm nhưng cũng hiểu xã hội này điều đó không phải là hiếm. Nghĩ vậy nên tôi gói trọn nỗi đau trong lòng, ngậm đắng nuốt cay để con cái được hưởng trọn vẹn sự chăm sóc của cha mẹ (cháu lớn 11 tuổi, nhỏ 7 tuổi). Thế nhưng sự việc không dừng ở đó mà tình cảm của anh ấy càng lạnh nhạt theo thời gian.
Ảnh minh họa
Chi Nga chia sẻ: Sống trong một mái nhà nhưng anh ấy thường ngủ riêng biệt và tránh những cử chỉ va chạm đối với tôi. Tôi đã cố gắng để hàn gắn bằng cách quan tâm đến anh ấy nhiều hơn, đến kỳ nghỉ hè của các cháu tôi đã tổ chức cả nhà đi nghỉ ở Sapa. Tôi đã dự tính thuê hai phòng để vợ chồng có khoảng riêng tư. Tối đến tôi chủ động, nhưng anh ấy đứng dậy và nói: "Nếu em tiếp tục anh sẽ đi ra khỏi phòng". Tôi thấy đau đớn đến rã rời và lùi sang phòng con để cho kỳ nghỉ của cả nhà được vẹn toàn.
Trong hoàn cảnh như vậy nhưng điều trớ trêu là anh ấy cũng không muốn dứt khoát tình cảm đối với tôi, lấy tôi làm bình phong trong giao tiếp với bạn bè. Từng trải qua những năm tháng tủi hận của giai đoạn sống ly thân, tôi mới hiểu đó là cái cớ để người đàn ông thực hiện lối sống có thể nói là hai mặt. Tôi cũng biết nhiều cặp vợ chồng sống trong một căn nhà, đến bữa vẫn ăn cùng mâm nhưng tối đến mỗi người một giường, không hề có quan hệ vợ chồng về mặt thể xác, điều đó thật khủng khiếp. Chị Nga tâm sự, ban đầu mình nghĩ sống ly thân một thời gian để cả hai có thời gian suy nghĩ lại cùng nhau hàn gắn, nhưng điều đó thật khó, vợ chồng không chung chăn gối, càng xa nhau lâu, tình cảm càng nguội lạnh.
Từ câu chuyện thực tế của vợ chồng chị Nga cho thấy, có khá nhiều nguyên do mà nhiều cặp vợ chồng tuy xác định mâu thuẫn không thể hàn gắn, nhưng vẫn không ly hôn mà chọn cách ly thân. Họ ngại mang điều tiếng bị vợ bỏ, chồng bỏ, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín gia đình, ảnh hưởng đến công việc, tâm lý con cái, phức tạp trong việc phân chia tài sản chung, nếu ra toà ly hôn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ -khoa pháp luật dân sự trường đại học Luật Hà Nội
Ly thân là quyền lựa chọn sáng suốt?
Luật sư, Nguyễn Thị Oanh (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam là nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng. Khi có mâu thuẫn xảy ra thì vợ, chồng có quyền lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn một cách tốt nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Đó là thông qua hòa giải để đoàn tụ, hoặc quyết định ly hôn. Tuy nhiên, trong đời sống thực tế của các cặp vợ chồng hiện nay phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Pháp luật nhiều nước đã quy định ly thân là quyền của vợ, chồng lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, tạo căn cứ pháp lý cho các quan hệ tài sản, nhân thân, con cái trong giai đoạn quan hệ hôn nhân nhạy cảm này. Còn ở Việt Nam, mặc dù chưa được quy định trong luật nhưng việc ly thân vẫn đang diễn ra khá phổ biến trên thực tế.
Do đó, bổ sung chế định ly thân vào luật HN&GĐ, đồng nghĩa với việc cho phép sống ly thân mà vẫn đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ như: Những khoản đóng góp nuôi con, hoặc có trách nhiệm trong việc vợ/chồng phải thanh toán khoản nợ với người thứ ba. Trên thực tế, ly thân diễn ra nhiều, nên khi xét xử, nhiều thẩm phán vẫn xem xét đến tình trạng ly thân như là một trong những cơ sở cho thấy mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, không thể hàn gắn để cho ly hôn. Nhưng vì không được luật quy định nên ngay cả việc xác định một cặp vợ chồng trong tình trạng ly thân hay không cũng không dễ dàng. Trong khi đó, ly thân (được hiểu là vợ chồng không cùng chung sống, không có quan hệ tình cảm, không thiết lập khối tài sản chung với nhau) lại nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ- khoa Pháp luật dân sự trường đại học Luật Hà Nội: Năm 1986, luật HN&GĐ không có chế định ly thân, nhưng những năm gần đây nhiều cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, không ít chị em phụ nữ khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra đã bế con bỏ đi, hoặc bị đuổi ra khỏi nhà chồng. Họ phải chịu thiệt thòi rất lớn khi phải tự mình vất vả kiếm tiền nuôi dưỡng con cái mà người chồng không hề có trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian dài. Có những bà vợ cũng muốn đòi tiền khi chồng trốn tránh trách nhiệm nuôi con, nhưng khi họ nhờ cơ quan, đoàn thể, ngay cả luật sư để tư vấn trong những trường hợp này thì các luật sư cũng khó xử, bởi luật đâu có quy định trách nhiệm cấp dưỡng trong thời gian ly thân. Nói tóm lại là không thể quy kết trách nhiệm.
"Theo quan điểm của tôi, ly thân là một chế định tiến bộ, các nước văn minh họ đã có từ lâu để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong thời kỳ ly thân. Mặt khác, trong thời gian ly thân, vợ chồng có thời gian suy ngẫm về nhau và có thể họ lại hàn gắn lại. Theo con số thống kê tại một số Hội thảo về bình đẳng giới có tới 70% đàn ông Việt Nam có gia đình bị bạo hành về tinh thần. Điều đó chứng tỏ cho thấy, không chỉ có phụ nữ mà ngay cả những đấng nam nhi khi phải đối mặt với những vấn đề bất ổn của gia đình, họ cũng phải chịu nhiều áp lực không kém phụ nữ.
Ly thân là một chế định tiến bộ Với những cặp vợ chồng theo đạo Thiên chúa giáo, với giáo lý những gì Chúa đã tác hợp thì người đời không có quyền sửa đổi nên họ không được phép ra toà ly hôn. Khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, họ thường chấp nhận ly thân, thậm chí là sống ly thân đến hết cuộc đời. Từ thực tế này, sau một thời gian góp ý cho dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, quan điểm nên luật hóa chế định ly thân được nhiều người đồng tình. |
Lương Liễu