Ông Huệ lấy một ví dụ: Trước đây người phụ nữ mặc dù sống “ly thân” với chồng nhưng vì pháp luật chưa công nhận ly thân nên người chồng vẫn có quyền yêu cầu vợ của mình thực hiện “nghĩa vụ” của vợ chồng, lâu lâu vẫn có thể đòi hỏi “chuyện ấy”, dù sống ly thân nhưng vẫn là vợ nên người phụ nữ không có cách nào để bảo vệ mình. Khi chế định ly thân được pháp luật công nhận, kèm theo đó là những điều kiện, quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng khi ly thân, thì quyền lợi của người phụ nữ sẽ được đảm bảo hơn. Chẳng hạn trong thời gian ly thân người vợ có quyền từ chối quan hệ với chồng của mình.
Ảnh minh họa
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trịnh Thị Lê Trâm, ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Hội luật gia Việt Nam cho biết: Thực tế nhiều trường hợp không muốn ly hôn nhưng không còn ở cùng nhau nữa. Pháp luật nên ghi nhận chế định ly thân để tạo điều kiện cho những trường hợp này. Nhiều người đã có tuổi, nếu ly hôn thì ngại, ảnh hưởng đến cuộc sống của con cháu. Do đó họ chọn cách ly thân, mặc dù vẫn là vợ chồng nhưng mỗi người có cuộc sống riêng, khi quy định về ly thân cũng cần chú ý đến các quy định về tài sản, trách nhiệm với con cái.
Tại buổi tọa đàm sáng nay (27/6), vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ cho biết thêm trong thực tiễn lập pháp, ly thân không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Chế định này đã được quy định trong pháp luật ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và ở miền Nam (Luật Gia đình năm 1959, Sắc luật 15/64 năm 1964 và Bộ dân luật Sài Gòn 1972). Hơn nữa, trong bối cảnh Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 không quy định về ly thân, nhưng xuất phát từ thực tiễn giải quyết tranh chấp giữa vợ và chồng, TANDTC đã đưa ra một số hướng dẫn cho các cấp Tòa án thực hiện về vấn đề này.
Đối với hậu quả pháp lý của ly thân, nhiều ý kiến cho rằng về nguyên tắc, ly thân chỉ giải quyết việc không sống chung của vợ chồng và giải quyết các vấn đề về tài sản và con, mà không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Luật cần quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ ly thân, tránh tình trạng hiểu lầm là khi ly thân, vợ chồng tạm thời chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Về chế độ tài sản của vợ chồng, việc ly thân sẽ làm chấm dứt chế độ tài sản chung mà trước đó vợ chồng đã lựa chọn áp dụng và họ sẽ tuân theo một chế độ tách riêng tài sản.
Điều 99b. Giải quyết yêu cầu ly thân của vợ chồng Phương án 1: 1. Vợ chồng hoặc vợ, chồng có quyền yêu cầu ly thân. 2. Các quy định về giải quyết yêu cầu ly hôn từ khoản 2 Điều 85 đến Điều 91 của Luật này được áp dụng trong giải quyết yêu cầu ly thân. Trong trường hợp một bên có yêu cầu ly hôn và bên kia có yêu cầu ly thân thì Tòa án thụ lý giải quyết cả yêu cầu về ly thân và ly hôn. Sau khi xem xét quan hệ hôn nhân giữa các bên, lợi ích của gia đình, đặc biệt lợi ích của các con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình, Tòa án quyết định ly hôn hoặc ly thân. 3. Việc ly thân có hiệu lực kể từ ngày việc thuận tình ly thân được cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận hoặc từ ngày quyết định, bản án cho ly thân của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Việc ly thân phải được ghi chú vào Số bộ hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch”. Phương án 2: “1. Vợ chồng có quyền yêu cầu ly thân theo thỏa thuận. 2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thuận tình ly thân theo quy định tại Điều 90 của Luật này. 3. Việc ly thân có hiệu lực kể từ ngày việc thuận tình ly thân được cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận hoặc từ ngày quyết định, bản án cho ly thân của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Việc ly thân phải được ghi chú vào Số bộ hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Điều 99c. Hiệu lực của ly thân 1. Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng, nhưng vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung. 2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con trong thời kỳ ly thân được áp dụng theo quy định tại các điều 92, 92a, 93 và 94 của Luật này. 3. Kể từ ngày việc ly thân có hiệu lực, vợ, chồng có quyền sở hữu riêng đối với những tài sản mà mỗi bên có được và chịu trách nhiệm riêng về những nghĩa vụ mà mình xác lập, thực hiện. Trong trường hợp vợ chồng yêu cầu về chia tài sản chung có trước ngày việc ly thân có hiệu lực thì tòa án giải quyết theo các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn. 4. Việc cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly thân theo quy định tại Điều 60 của Luật này. 5. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết, người kia có quyền thừa kế tài sản của người chết theo quy định của pháp luật về thừa kế. 6. Quyền, nghĩa vụ tài sản đối với người thứ ba phát sinh trước thời điểm ly thân vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Điều 99d. Chấm dứt ly thân 1. Ly thân chấm dứt theo thỏa thuận của vợ và chồng. 2. Khi ly thân chấm dứt, chế độ tài sản trong ly thân vẫn có hiệu lực, trừ khi vợ chồng có thỏa thuận khác. (Dự thảo luật) |
Băng Tâm