Theo các nhà nghiên cứu bảo mật thì "chúng tôi chưa từng gặp mã độc nào có nhiều phương thức phá hoại như thế này". Đầu tiên và nguy hiểm nhất, Loapi có thể khiến xuất hiện hiện tượng cháy nổ smartphone của người dùng.
Hiện tượng này xảy ra được vì mã độc này làm smartphone nóng dần lên bằng cách nâng công suất hoạt động của máy lên một cách tối đa. Trong thử nghiệm của các nhà bảo mật từ Kaspersky Lab thì pin smartphone bị nhiễm Loapi đã phồng lên rõ nét chỉ sau 2 ngày.
Các nhà bảo mật của Kaspersky Lab đã nói: "Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy hiện tượng pin phồng lên vì mã độc như thế này trước đây. Đây dường như là một phiên bản mới của Podec - một trojan được tìm thấy vào năm 2015. Người dùng cần cẩn trọng hơn khi có ý định tải các ứng dụng khiêu dâm".
Bên cạnh đó, Loapi còn được dùng để đào tiền mã hóa Moreno. Người nhận những số tiền mã hóa này dĩ nhiên là các hacker đã tạo ra Loapi. Loapi có ít nhất 20 biến thể, được ngụy trang dưới dạng phần mềm diệt virus hoặc các ứng dụng khiêu dâm trên Android.
Sau khi smartphone bị lây nhiễm, Loapi sẽ liên tục hiện ra các cửa sổ cho đến khi người dùng phải đồng ý cấp quyền cho nó. Khi người dùng đã cấp quyền rồi, Loapi tự ẩn biểu tượng khỏi menu hoặc giả dạng đang chạy diệt virus để người dùng không nhận ra. Sau đó, Loapi sẽ xóa các ứng dụng diệt virus thật sự trong máy của người dùng, xâm nhập vào SMS để gửi tin nhắn, đăng kí dịch vụ trả tiền, làm đầy bộ nhớ smartphone bằng các quảng cáo,…
Để xóa mã độc này, người dùng phải khóa màn hình và đóng các cửa sổ mà Loapi bật lên liên tục cho đến khi đóng được nó thật sự, rồi xóa nó khỏi kho ứng dụng của máy. Loapi có nhiều biến thể vì vậy để tránh lây nhiễm, người dùng nên cài đặt ứng dụng từ các nguồn chính thức bởi vì Loapi không có trên Google Play Store.