Ma men biến 3 sinh viên trở thành những kẻ cướp đường

Ma men biến 3 sinh viên trở thành những kẻ cướp đường

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Trước mặt tôi là 3 sinh viên của một trường đại học nổi tiếng ở TP.HCM. Với vẻ mặt hiền lành, họ khiến tôi khá bất ngờ vì “thành tích” nổi bật mà cơ quan công an cung cấp. Vì nhậu say, trong phút chốc, cả 3 đã trở thành những tên cướp đường!

Côn đồ đội lốt sinh viên

Lê Thanh Vũ (SN 1990, ngụ Sơn Hòa, Châu Thành, Bến Tre), Võ Ngọc Vinh (SN 1992, Hắc Dịnh, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Hiếu (SN 1990, Huy Khiêm, Tánh Linh, Bình Thuận) cùng tạm trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Vốn là bạn học nên cả 3 thường hay tụ tập nhậu nhẹt bù khú với nhau.

Pháp luật - Ma men biến 3 sinh viên trở thành những kẻ cướp đường

Hiếu (trái), Vũ (giữa) và Vinh (phải) tại cơ quan điều tra

Theo nguồn tin từ cơ quan công an quận Gò Vấp, tối 30/7/2012, cả 3 tổ chức nhậu trong phòng trọ. Sau khi đã ngà ngà say, bọn chúng hứng chí lên rủ nhau đi “đổi gió”. Vốn đã có “tà ý” nên Vũ đem một con dao nhỏ bỏ vào túi để phòng thân. Khi đi đến đường số 15, phường 5, quận Gò Vấp thì thấy chị Ngân (SN 1990, ngụ TP.HCM) đang chạy xe qua. Thấy “con mồi” đi xe xịn, nhìn sang trọng, Vũ liền nói với đồng bọn: “Tao đạp xe, tụi mày lấy tài sản”. Vũ chưa nói dứt câu thì chân đã đạp cho xe chị Ngân té xuống đường. Trong khi nạn nhân chưa kịp định thần thì Vinh đã thò tay vào túi chị Ngân lấy một chiếc điện thoại Iphone 3G.

Thấy cướp, chị Ngân hốt hoảng kêu cứu. Thấy vậy, Vinh và Hiếu cầm điện thoại chạy nhanh vào một con hẻm, Vũ cũng chạy bán sống bán chết để mong thoát thân. Không may cho Vũ, lúc đó có bảo vệ dân phố đi qua nghe tiếng kêu cứu đã tóm được hắn, giao cho công an.

Vì sợ nên khi chạy trốn Hiếu và Vinh đã vứt điện thoại vào lề đường. Sau đó, cả 2 đã ra công an phường 5, quận Gò Vấp đầu thú.

Con đường sa ngã của 3 nam sinh

Điều không ai ngờ tới là 3 tên cướp đường này đều là sinh viên năm cuối một trường đại học có tiếng trên địa bàn TP.HCM. Đến từ những miền quê khác nhau, nhưng do “tâm đầu ý hợp”, cả 3 quyết định “kết nghĩa vườn đào”, coi nhau như anh em trong nhà. Ở cùng phòng trọ, lại chung “sở thích” hay nhậu nhẹt, nên cả 3 luôn trong tình trạng “cháy túi”. Tiền ba mẹ cho bao nhiêu, chúng đều nướng vào những cuộc nhậu. Đôi khi chúng còn chơi lô đề nên sinh ra túng quẫn. Lúc hết tiền, không biết lấy tiền đâu để ăn nhậu nên cả bọn mang đồ đi cầm cố. “Bần cùng sinh đặo tặc”, không kiếm được tiền lại có sẵn hơi men, chúng đánh liều đi cướp để lấy tiền tiêu xài.

Trông trai tráng, mạnh mẽ là thế, nhưng khi thấy phóng viên đến chụp hình cả 3 tên cướp cúi gằm mặt xuống, khuôn mặt ánh lên vẻ sợ sệt. Vốn nhỏ tuổi nhất trong nhóm, khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình, Vinh bật khóc. Vinh nói có nằm mơ ba mẹ Vinh cũng không bao giờ nghĩ việc đứa con trai, niềm tự hào của cả dòng họ giờ bị công an bắt vì tội cướp giật. Tuy ba mẹ Vinh là dân lao động nghèo, nhưng từ nhỏ, Vinh luôn được dạy “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, và Vinh cũng chưa khi nào làm điều gì có lỗi với gia đình. Vốn là cậu bé ham học, được ba mẹ động viên và tạo điều kiện nên từ nhỏ Vinh đã là con ngoan trò giỏi. Ở quê Vinh, việc có con đỗ đại học là mơ ước của nhiều người. Ngày Vinh nhập học, cha mẹ đã phải bán hết mấy tạ lúa mới đủ tiền để Vinh đóng học phí. Suốt mấy năm học, chưa bao giờ ba mẹ phải phiền lòng vì Vinh, cũng như Vinh chưa khi nào bị ba mẹ để cho thiếu thốn khổ sở. Tuy nhiên, cuộc sống chốn thị thành đã làm Vinh thay đổi. Những buổi bỏ học đi chơi, những lần nhậu nhẹt đã tiêu tốn hết những đồng tiền ba mẹ chắt chiu từ quê gửi lên.

Cũng như Vinh, Hiếu là con cả trong gia đình nông dân ở Bình Thuận, quanh năm nắng gió khô cằn. Khó khăn lắm ba mẹ Hiếu mới đủ tiền chu cấp cho Hiếu học đại học. Thay vì thương ba mẹ mà lo học hành, Hiếu lại tụ tập với đám bạn xấu chơi bời. Khi bị bắt, Hiếu sợ hãi hỏi chúng tôi: “Tội của em có nặng không chị? Em lo lắm, khi ra tù, em có còn đi học được không?”. Nhìn vẻ mặt của Hiếu khi nói những câu này, tôi hiểu đó những lời nói thành thật bởi trong sâu thẳm trái tim của kẻ phạm tội, niềm đam mê được bước chân vào giảng đường vẫn âm ỉ cháy. Hiếu nói với chúng tôi rằng hôm đó do nhậu nhiều nên say, chứ thật sự cả ba không có ý định đi cướp. “Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào tụi em lại làm thế”, Hiếu bảo. Từ lúc bị bắt, Hiếu luôn gặp ác mộng. Lúc đó, Hiếu thấy nhớ và thương ba mẹ nhiều. Hiếu bảo nếu biết chuyện của Hiếu, chắc ba mẹ Hiếu không còn mặt mũi nào mà nhìn hàng xóm. Bởi ở quê, ai cũng đã từng biết đến Hiếu là đứa con ngoan, trò giỏi, một tấm gương để đám trẻ nhỏ hàng xóm học hỏi.

Người buồn bã nhất có lẽ là Vũ, bởi năm nay là năm cuối đại học, Vũ cũng đã có bạn gái và hai người đã tính chuyện tương lai sau khi ra trường. Mấy ngày trước, mỗi khi đi đâu, bạn gái Vũ đều đi kèm, vì biết Vũ khi nhậu say, thường không làm chủ được bản thân. Từ hôm vào trại giam, Vũ chưa được gặp người yêu hay ba mẹ để xem tình hình họ ra sao, nhưng Vũ biết mọi người đang rất lo lắng cho mình.

Nhìn những tên tội phạm đang là những sinh viên đại học, chúng tôi chợt chạnh lòng, thầm ước một chữ giá như. Giá như họ biết thương cha mẹ mình, chú tâm vào việc học thay cho những cuộc nhậu triền miên vô bổ. Nhưng thời gian không thể quay lại. Những sai lầm, tội lỗi xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Điều họ nên làm lúc này là thực sự hối cải, để làm lại từ đầu bởi cuộc đời của họ còn rất dài.

Vân Hương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.