Trong những ngày tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), nhiều tài khoản trên Facebook rao bán những loại “bùa ngải” với những miêu tả về công dụng vô cùng kỳ dị.
“Bùa ngải” được rao bán tràn lan với những quảng cáo kỳ dị
Những người bán “bùa ngải” thường quảng cáo là có nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan, Campuchia hoặc Trung Quốc.
Được biết, để mua loại bùa này, khách hàng có nhu cầu chỉ gần gửi thông tin và chi phí lễ lạt đi lại, những người làm dịch vụ nói là sẽ đi thỉnh thầy giúp rồi sau đó gửi bùa về tận địa chỉ của khách.
“Bùa yêu” là loại bùa được rao bán phổ biến nhất. Giá cả thì có nhiều mức khác nhau, có nơi chỉ vài trăm nhưng có người bán lại đến tiền triệu.
Về hình thức, “bùa yêu” có những dạng như giấy, dầu nước, sáp, bột... Những loại này được người bán miêu tả là có công dụng mạnh khiến đối phương chỉ biết nghe lời, đắm đuối và mê muội.
Có trang Facebook còn mạnh miệng quảng cáo có loại bùa có thể trị khỏi bệnh, bất chấp không có một căn cứ khoa học.
Báo Lao động phản ánh, trong vai khách hàng, khi PV tìm đến một địa chỉ Facebook có tên D.H.H rao bán đủ loại “bùa ngải” kèm theo những quảng cáo... lạ tai như: Bùa yêu, bùa hộ thân, bùa hồ ly, bùa mẹ ngoắc, bùa quyến rũ...
Khi PV tỏ ý đang tìm mua một “bùa” để cải thiện đường tình duyên, chủ Facebook này nhiệt tình tư vấn kèm theo những lời có cánh về công dụng của chúng: “Em có thể thỉnh bùa hồ ly hoặc bùa quyến rũ, đồng giá 2,5 triệu đồng”.
Khi PV đặt vấn đề với chủ Facebook có tên “Nhận làm bùa ngải” về loại “bùa” này, người này cho biết, có thể luyện “bùa” với giá từ 5 - 10 triệu đồng nhưng tác dụng chỉ vừa phải. Cũng có loại đặc biệt tốt có giá hàng trăm triệu đồng. “Bùa” sẽ khiến đối tượng đi từ những hoảng loạn dần dần tới khủng hoảng suy nghĩ và mất kiểm soát hành động, từ đó tán gia bại sản(?).
Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn
Báo Tri thức trực tuyến phản ánh thêm, một số người bán còn rao bán cả các hình nhân Kumanthong với cách dùng và công năng tương tự, thậm chí có thể giúp chủ cửa hàng đòi nợ.
Trong tiếng Thái, Kumanthong có nghĩa là "cậu bé vàng", trước đây được các pháp sư điều chế từ xác thai nhi. Tuy nhiên từ lâu, Chính phủ Thái đã cấm hình thức "chế tạo" này.
Tuy nhiên, với niềm tin vào những truyền thuyết không căn cứ, nhiều người vẫn săn lùng những vật phẩm này.
Bám sát truyền thuyết đó, những trang bán bùa ngải trên Facebook tại Việt Nam cũng truyền lại những kỹ thuật nuôi dạy Kumanthong hết sức kỳ dị như phải đặt nó trên một kệ riêng ở nơi kín đáo, "nuôi dưỡng" nó hằng ngày bằng một ly sữa hay nước ngọt.
Dù vậy, không người bán nào có thể cam kết 100% bùa có hiệu nghiệm. Cái họ cam kết duy nhất là "giá rẻ nhất thị trường" cùng các câu chuyện kỳ bí tặng kèm khách mua hàng đậm chất "buôn thần bán thánh".
Chia sẻ trên báo Lao động, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền (viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, hiện nay, phong trào phục hồi di sản đang được chú trọng nhưng đồng thời cũng làm sống dậy tín ngưỡng xa xưa. Mà bùa ngải hay cúng bái là một trong những tín ngưỡng đó.
Theo ông Hiền, hiện tượng này là mặt trái của việc phục hồi di sản nên các thầy bà địa lý, cầu hồn, gọi vong... càng có lý do để tung tác.
“Ngày này, đến tín ngưỡng cũng dựa vào công nghệ thông tin để phát triển như chữa bệnh từ xa, bắt ma, trừ tà từ xa… Nhưng nếu nhìn nhận tỉnh táo, có thể thấy đó là sự náo loạn về tín ngưỡng. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn, khắc chế tình trạng này”, ông Hiền nêu ý kiến.
Mộc Trà (tổng hợp)