Tưởng lạc vào phố Tàu
Thực tế đang xảy ra hiện nay, tại nhiều thành phố, địa điểm du lịch trưng bày liên tiếp, la liệt biển quảng cáo có in chữ nước ngoài. Nhìn cách trang trí, biển hiệu bên ngoài ở những con phố ấy người ta dễ nhầm lẫn đang ở Trung Quốc, Pháp... chứ không phải đang du lịch trên mảnh đất hình chữ S.
Về thôn Đông và Phù Khê Thượng (Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hàng loạt biển hiệu gắn tiếng Trung Quốc ở những xưởng sản xuất gỗ, công ty vận tải, cửa hàng ăn, nhà nghỉ... Được biết xã Phù Khê làm nghề truyền thống là sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp, sản phẩm chủ yếu được xuất đi Trung Quốc. Những sản phẩm của xã được nhiều thương lái Trung Quốc về tận cơ sở để mua. Vì thế để "chiều" khách, hầu hết những cửa hàng đồ gỗ, nhà nghỉ, công ty vận chuyển, cửa hàng ăn uống đều treo biển hiệu tiếng Trung xen lẫn tiếng Việt.
Không chỉ ở làng nghề, trên tuyến đường mang tên Hạ Long của TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chưa đầy 1km mà có tới hàng chục biển hiệu khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm... in đầy chữ Trung Quốc. Ở những khu mua sắm lớn của thành phố Hạ Long cũng có in chữ Trung Quốc to tướng, trong khi đó chữ bằng tiếng Việt lại được in nhỏ xíu như chú thích cho dòng chữ Trung Quốc ở bên trên. Nhiều du khách người Việt nhìn vào biển hiệu ngỡ rằng mình đang ở khu của người Trung Quốc, khi giao tiếp với chủ quán mới biết rằng đó là cửa hàng của người Việt.
Biển hiệu được ghi bằng tiếng Trung Quốc không chỉ có ở những trung tâm thương mại, cửa hàng lớn mà từ những ki ốt, cửa hàng bán đồ lưu niệm, thời trang, đồ uống vỉa hè... cũng có in chữ Trung Quốc. Cửa hàng nào chữ Trung Quốc cũng to rõ ràng và nhiều khi át cả tiếng Việt.
Biển chỉ dẫn bằng tiếng Trung ở thôn Đông, Phù Khê, Từ Sơn (Bắc Ninh).
Giải thích về việc dùng tiếng Trung Quốc in trên biển hiệu, một chủ cửa hàng cho biết, trước đây bên cạnh tiếng Việt, anh có dùng thêm tiếng Anh. Nhưng thời gian gần đây, khách Trung Quốc, Đài Loan sang đây du lịch nhiều nên anh chuyển sang dùng biển có chữ Trung Quốc. Từ khi chuyển sang dùng biển này nhà anh có thêm nhiều khách du lịch hơn. Anh này cũng cho biết, từ khi lắp biển không thấy ai nhắc nhở gì.
Đại diện sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh thừa nhận hiện tượng này đang diễn ra phổ biến ở một số điểm du lịch tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Hạ Long... Nguyên nhân là do lượng khách Trung Quốc và Đài Loan đến đây du lịch nhiều nên người dân dùng biển quảng cáo bằng chữ Trung Quốc để hút khách. Người dân lại kém hiểu biết pháp luật thấy nhà này làm biển quảng cáo chữ Trung Quốc, nhà khác cũng bắt chước và làm to hơn nữa. Chính vì thế dẫn đến thực trạng nhiều nhà làm biển hiệu có chữ Trung Quốc.
Để xảy ra thực trạng này có một phần trách nhiệm của sở. Tuy nhiên đại diện của sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ khó khăn: Lực lượng thanh tra quá mỏng và nhiều khi những hộ dân vì muốn đạt hiệu quả kinh doanh mà sẵn sàng làm sai luật, phản ứng lại với cán bộ thanh kiểm tra.
Trên nhiều con phố của Thủ đô Hà Nội hay TP.HCM cũng diễn ra tình trạng tương tự. Nhiều nơi ghi biển hiệu của người nước ngoài to hơn cả chữ tiếng Việt.
Đại diện sở VH-TT&DL cho biết, đầu tuần tới, Sở sẽ tổ chức ra quân dẹp các sai phạm biển hiệu quảng cáo tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ có những biện pháp tuyên truyền giáo dục để người dân kinh doanh đúng pháp luật
Luật Quảng cáo ở đâu?
Theo PGS.TS. Phạm Văn Tình, phó tổng biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, ông đã từng đi nhiều nơi và cảm thấy buồn khi trên mảnh đất Việt Nam nơi nào cũng thấy xuất hiện những biển quảng cáo ghi tiếng nước ngoài. Sự tự tôn, tình yêu với chữ viết và văn hóa Việt đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người Việt có tâm lý sính ngoại nên không chỉ biển hiệu mà nhiều thứ khác cũng ghi tiếng nước ngoài. Chẳng hạn trên nhãn của hàng thuốc, dù được sản xuất ở Việt Nam, bán cho người Việt nhưng lại ghi tên tiếng Anh, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh, như đánh đố người tiêu dùng. Khi đến Việt Nam du lịch, người ta muốn tìm hiểu thiên nhiên, văn hóa nước ta vậy mà ta lại toàn trưng tiếng nước ngoài thì cũng không phải là điểm hay.
"Ngay khi pháp lệnh quảng cáo ra đời, những nhà quản lý thị trường, cơ quan phụ trách văn hóa chưa làm quyết liệt, chưa có những chế tài đủ mạnh, nếu chỉ nhắc nhở không thì không giải quyết được vấn đề. Đặc biệt, tình trạng ngày càng nhiều những biển quảng cáo được trưng lên mà chỉ bị nhắc nhở thì không khác gì “ném đá ao bèo””, TS Phạm Văn Tình nói.
Bởi vậy, ông Tình cho rằng, cần phải có sự hiệu ứng của toàn xã hội một cách rộng rãi, ý thức được việc quảng cáo sai, đúng thế nào thì họ sẽ tự điều chỉnh hành vi, làm sao để từ nhận thức thay đổi được hành vi rất quan trọng. Khi người ta tự ý thức được hành vi thì họ tự điều chỉnh hành vi và điều này quan trọng hơn là sự bắt buộc mà không có hiệu quả. Do vậy, cần ý thức ngay từ ban đầu, nhận thức một cách hệ thống tạo hiệu ứng chung về quảng cáo trong xã hội.
Đồng quan điểm với PGS Phạm Văn Tình, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, khoa Ngôn ngữ học, đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, không thể chấp nhận hiện tượng này. Khi ông ra nước ngoài thấy họ rất có ý thức trong việc bảo vệ ngôn ngữ của mình. Những người dân Trung Quốc khi sang nước khác sống và làm việc họ luôn có ý thức giữ gìn và mở rộng văn hóa nước họ ra thế giới. Trong khi đó trên chính đất nước ta lại đi chuộng văn hóa và chữ viết của nước khác. Điều này vừa ảnh hưởng đến sự tự tôn dân tộc, vừa ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Khoản 2, Điều 18 của luật Quảng cáo quy định: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. |
Thành Huế