Ma trận tem mác trái cây nhập khẩu: Sự thực nguồn gốc tem mác

Ma trận tem mác trái cây nhập khẩu: Sự thực nguồn gốc tem mác

Vương Đức Sơn

Vương Đức Sơn

Thứ 4, 09/05/2018 20:49

Cùng một loại trái cây nhập khẩu nhưng có hàng chục loại tem mác khác nhau đi kèm với mức giá cũng khác nhau ở mỗi cửa hàng khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận, chẳng thể phân biệt thật giả và nỗi lo về trái cây không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại như thách thức người tiêu dùng.

Những năm vừa qua, thị trường trái cây liên tục biến động khi người tiêu dùng đang có xu hướng “sính ngoại”, ưa chuộng những mặt hàng trái cây có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, hay ít ra là những mặt hàng được dán nhãn “nhập khẩu”. Tuy nhiên, liệu những trái cây được dán nhãn “nhập khẩu” như một tấm danh thiếp khẳng định chất lượng có thực sự đúng như người tiêu dùng vẫn tin tưởng?

Cùng một loại trái cây nhập khẩu nhưng có hàng chục loại tem mác khác nhau đi kèm với mức giá cũng khác nhau ở mỗi cửa hàng khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận, chẳng thể phân biệt thật giả và nỗi lo về trái cây không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại như một bóng ma trong lòng người dân.

Chỉ cần đi một vòng quanh các siêu thị, các chợ đầu mối trái cây hay kể cả là những chiếc xe bán hàng rong của các tiểu thương cũng dễ dàng thấy được những loại trái cây “nhập khẩu” với màu sắc rất bắt mắt và “cao cấp” với mức giá rẻ “giật mình”.

Ma trận tem mác trái cây nhập khẩu: Sự thực nguồn gốc tem mác

Trái cây được dán mác "nhập khẩu" tràn lan trên thị trường.

Ví dụ cùng một loại “táo Mỹ” nhưng mức giá lại có sự khác biệt rõ rệt, trong các siêu thị lớn nhỏ thường dao động từ 125 – 150 nghìn đồng/1 kilogam còn ở các quầy hàng tại chợ chỉ từ 75 – 90 nghìn đồng/1 kilogam. Thắc mắc sự khác biệt về giá cả thì các chủ hàng đều khẳng định táo của mình là hàng nhập khẩu 100%, giá rẻ hơn vì được nhập trực tiếp chứ không phải qua các công ty kinh doanh hoa quả. Đáng nói là tem mác được dán trên mỗi trái táo ở chợ đều giống nhau y hệt khi không thể kiểm tra bằng các ứng dụng xác minh nguồn gốc xuất xứ.

Không riêng gì một loại mà các loại trái cây khác nhau cũng được dán nhãn “nhập khẩu” như lê từ Hàn, nho từ Mỹ, táo từ New Zealand, Úc v.v.. khiến người tiêu dùng lúng túng khi phải chọn lựa như lạc vào ma trận. Và khi PV hỏi thăm một vài vị khách có nhu cầu mua hoa quả ở chợ thì đều nhận được cái lắc đầu giống nhau, chẳng biết trái cây mình mua có phải là hàng thật hay không, chỉ biết người bán nói hàng “nhập khẩu” thì biết vậy thôi.

Ma trận trái cây nhập khẩu từ mấy năm nay đã phát triển mạnh mẽ mặc dù các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên tục siết chặt quản lý nhưng vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về các loại tem mác được dán trên trái cây. Điểm chung của các loại tem mác này thường có 3 hình dạng, thứ nhất là mã vạch với dãy từ 12 – 13 chữ số để người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin và giá của sản phẩm, thứ hai là mã PLU gồm 4 chữ số có thể đọc được bằng mắt thường và cuối cùng là tên nước sản xuất loại trái cây đó.

Tuy nhiên, dù tem mác được dán trên các loại trái cây có đọc được hay không đọc được qua các ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì thực tế lại phũ phàng khi mọi thứ đều có thể “làm giả”. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hay tiểu thương đã nhập khẩu những loại trái cây giá rẻ có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc rồi về dán những tem mác từ Mỹ, New Zealand hay Canada để lừa dối người tiêu dùng, đẩy giá thành của sản phẩm lên cao hòng trục lợi nên người tiêu dùng chỉ nhìn vào tem mác không là chưa đủ.

Ma trận tem mác trái cây nhập khẩu: Sự thực nguồn gốc tem mác (Hình 2).

Văn phòng đại diện của công ty in ấn tại Ba Đình, Hà Nội.

Trong vai một tiểu thương có dự định mở cửa hàng kinh doanh trái cây nhập khẩu đang tìm nguồn hàng tại Chợ đầu mối rau củ Long Biên, PV đã lân la dò hỏi ở nhiều sạp hàng về việc mua tem mác để dán vào trái cây thì đều nhận được cái nhìn “không mấy thiện cảm”. May mắn, PV được một người hành nghề chở hàng thuê tại chợ cho biết không có cửa hàng nào bán tem mác như vậy cả mà chỉ có thể đến đặt ở những cửa hàng in ấn tại một con phố ở quận Ba Đình.

Lần theo địa chỉ mà người chở hàng thuê cung cấp cuối cùng PV cũng đã tìm được đến một văn phòng giao dịch chuyên cung cấp dịch vụ in ấn của một công ty. Bước vào văn phòng với diện tích khoảng 15m2, tiếp chuyện PV là hai nhân viên nam đang làm việc với máy tính. Khi PV đề cập đến vấn đề in ấn tem mác trái cây nhập khẩu, nhân viên khẳng định rằng PV đã tìm đúng địa chỉ và ở đây cung cấp mọi loại dịch vụ in ấn trên giấy bao gồm cả tem mác dán lên các sản phẩm.

PV chỉ cần cung cấp ảnh của bất kỳ loại tem mác trái cây nhập khẩu nào trên mạng thì nhân viên cũng có thể in giống hoàn toàn như vậy từ mã vạch, mã PLU và cả nguồn gốc xuất xứ của các quốc gia khác nhau. Bất ngờ hơn, nhân viên còn gợi ý việc có thể làm giả các loại tem mác có “mã số thật” để khi đưa vào các siêu thị, các cửa hàng lớn có thể qua mặt được cả máy quét. 

“Bây giờ mã mình tự vẽ thì vào trong siêu thị sẽ không quét mã được nên em phải chuyển cho anh số mã trái cây có thật thì anh sẽ vẽ giống hoàn toàn cho em, như thế thì mới đưa qua máy quét của siêu thị được” – nhân viên này cho biết.

Ma trận tem mác trái cây nhập khẩu: Sự thực nguồn gốc tem mác (Hình 3).

Một loại tem được nhân viên đưa ra làm "mẫu"

Để có thể dễ dàng làm cho PV hiểu hơn về cách thức sản xuất và sử dụng các loại tem mác này, nhân viên đã đưa ra một bảng tem mác “mẫu” để PV tham khảo. Sau đó, PV chỉ cần chuyển lại mẫu mã và số lượng tem mác cần in thì văn phòng sẽ gửi bảng báo giá chi tiết theo từng chất liệu mực và giấy in khác nhau. Sản phẩm PV nhận được rất tiện dụng khi chỉ cần bóc ra khỏi lớp giấy giữ tem là có thể dán trực tiếp lên trái cây như mặt hàng thật.

Cách thức giao dịch thì rất đơn giản, sau khi đặt sản phẩm thì khách hàng chỉ cần cọc trước 30% tổng số tiền phải chi trả cho lô hàng tem mác giả này, sẽ có nhân viên vận chuyển tận nơi đến sau đó thanh toán nốt số tiền còn lại. Những lần sau khi đã trở thành “mối quen” thì sẽ không cần phải cọc lại nữa.

Nguồn gốc tem mác trái cây nhập khẩu tại Hà Nội

Để làm rõ vấn đề này PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với chi cục Quản lý thị trường Hà Nội để cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến thị trường trái cây không rõ nguồn gốc được dán tem mác "nhập khẩu" giả. Chi cục Trưởng chi cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo, giao cho Phòng liên ngành thuộc chi cục để tiếp nhận. Sau khi tiếp nhận tài liệu từ phía PV, chi cục QLTT Hà Nội sẽ phối hợp xử lý và có văn bản phản hồi lại cho báo. Được biết, từ đầu năm 2018 cho tới thời điểm hiện tại, phía chi cục QLTT Hà Nội chưa phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm nào liên quan đến vấn đề trên.

Tiểu Phàm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.