Du nhập vào Việt Nam từ những năm 2010 nhưng idosing (một dạng âm thanh ồn ào, hỗn tạp được pha trộn với nhiều hiệu ứng trong đó có hiệu ứng làm thay đổi tần số liên tục, tạo cảm giác âm thanh chạy vòng vòng từ tai này sang tai kia) chưa thực sự được xem là một trào lưu của giới trẻ Việt. Nhưng nó đang len lỏi vào từng bộ não, từng ngày ăn dần ăn mòn những tâm hồn non nớt, để rồi một ngày những kết quả đáng tiếc xảy ra cho con em mình thì đã quá muộn.
Ảnh minh họa
Nguồn gốc idosing
Thực chất, khởi nguồn của idosing là hiệu ứng nghe hai tai được Heinrich Wilhelm Dove, một nhà vật lý người Đức, phát hiện từ năm 1839. Theo đó, khi hai giai điệu (hoặc âm thanh) khác nhau cùng được phát ở tần số lệch nhau một chút (dưới 30 Hz), mỗi giai điệu phát vào một bên tai người nghe thì sẽ khiến họ có cảm giác như đang nghe một giai điệu duy nhất, hoàn toàn tự nhiên từ trong đầu mình phát ra. Hiệu ứng này đặc biệt thấy rõ khi sử dụng tai nghe stereo. Khi đó người nghe có thể thấy âm thanh chạy đi chạy lại trong đầu từ bên phải sang bên trái và ngược lại.
Bắt nguồn từ Mỹ, năm 1997, chàng trai 21 tuổi tên Shaahin Cheyene, người lãnh đạo 1 tập đoàn xuyên quốc gia với tổng tài sản trị giá hơn 350 triệu USD đã sản xuất CD nhạc đầu tiên với mục đích: "Chúng tôi có thể làm bạn kích thích bởi một loại nhạc nhất định". Nhưng sau 3 tháng kể từ khi tung loại nhạc đó ra, phản hồi của thị trường quá thảm hại, dự án thất bại.
13 năm sau, năm 2010, loại nhạc đó lại trở thành làn sóng điên cuồng mới nhất cộng đồng mạng, lôi kéo vô vàn bạn trẻ. Chỉ cần cắm tai nghe, che mắt lại, họ nhanh chóng thả trôi mình vào thế giới của một loại nhạc được mệnh danh "ma túy ảo" - idosing. Kể từ đó, idosing trở thành một phần trong việc thể hiện đẳng cấp của dân chơi.
Được mang về Việt Nam thông qua các du học sinh ăn chơi đua đòi cộng với sự hỗ trợ của Internet, teen Việt đang truyền tai nhau những bản idosing ma quái mà các bậc cha, mẹ chưa bao giờ được nghe, được biết. Nguy hiểm hơn khi nó được gắn mác là đồ của dân chơi thì bất cứ teen nào có chút máu chiến cũng sẵn sàng thể hiện đẳng cấp bản thân bằng việc dùng thử và dùng ở cấp độ cao.
Nguy hại khôn lường
Nếu ai nghe thử một bản idosing lần đầu thì sẽ có những cảm giác chung chung như: Hoa mắt, chóng mặt, mệt đầu... Nhưng nếu nghe theo cách của dân chơi thì mới thấy hết được độ phê của nhạc. Tuấn con, một dân chơi 9x của Hà thành, đang là "tín đồ" cuồng tín của idosing tự hào khi nói về những gì mình cảm nhận được: "Nó khó tả vô cùng anh ạ, khi cực đỉnh, em thấy sợ hãi, cô đơn hoang mang vô cùng nhưng chính lúc này em lại mới thấy mình là chính mình. Nhưng phải dùng kèm với ke, đá (ma túy) thì mới đạt được cực đỉnh". Nhả phì phèo khói thuốc, Tuấn đưa mắt nhìn mấy thằng bạn ngồi chung bàn với vẻ mặt khinh thường.
Trên các diễn đàn đã có nhiều khuyến cáo về tác hại khôn lường của idosing. Một người có nickname là TBM nhận xét: "Ban đầu mình thử nghiệm bằng cách tắt volume đi và quan sát, thấy cột sóng âm nhảy lên nhảy xuống loạn xạ, đủ biết nó có thể gây đau đầu thế nào! Sau đó mình vặn volume lên chút xíu nữa thì chỉ thấy một thứ tạp âm nghe hơi giống loa hỏng, chỉ khác là cảm thấy nó lần lượt lượn qua lượn lại 2 bên tai, nghe được khoảng 5 giây thì thấy đầu ong ong, tim đập mạnh hơn. Phát hiện ra quy tắc của nó là dùng sóng âm tác động lần lượt qua 2 bên tai, đánh lừa não bộ, nên mình cố gắng tập trung nghe âm thanh bằng cả 2 tai cùng lúc và lại chẳng thấy có vấn đề gì cả. Không tin đó là "nhạc", mình vặn volume to thêm chút nữa. Lúc này mới nghe thấy chút giai điệu nghe như tiếng flute ta thường thấy trong phim ma Nhật, có lẽ không thể coi nó là "giai điệu chính", mà chỉ là một chất xúc tác khiến người nghe tập trung, tưởng tượng ra sự ghê rợn, và đương nhiên sẽ bị mắc vào "bẫy" sóng âm. Mình không biết ban đầu kĩ thuật này được phát minh ra có nhằm mục đích khoa học lành mạnh hay không, nhưng việc nó được biết đến với khái niệm "nhạc idosing" như thế này quả thật không thể chấp nhận nổi, vì mục đích của âm nhạc là cho con người sống tốt hơn, làm giàu đẹp thêm cho thế giới nội tâm con người hơn chứ không phải là thứ phản khoa học này".
Ở một diễn đàn khác của idosing, chúng tôi ghi nhận thêm nhiều phản hồi như: Nickname có tên Nick Money_NT93 cho biết: "Mở nhỏ nghe bình thường à... mở headphone hết cỡ nghe cái tiếng ong ong phê thiệt đó... nghe tới phút thứ 8 bắt đầu tự nhiên nó hoa mắt chóng mặt dã man..., còn nickname Ashtonvn thì chia sẻ: "Em thấy hơi "phê phê" các bác ạ, định thử cuốn chăn, đeo phone để nghe nhưng thôi, nghiện thì... toi". Tay chơi Blackfield tỏ ra nặng đô hơn: "Chà....1 cảm giác... sợ hãi không phải... xen lẫn chút bồn chồn lo lắng, thi thoảng mạch máu 2 bên thái dương giật giật. Có cái gì đó tiến đến thật gần, rồi lại chạy ra thật xa... cứ thế lặp đi lặp lại... Thi thoảng lại cảm như tụt xuống hố, rồi lại đc từ từ nâng lên... OMG... không thì không biết trôi về miền cực lạc nào nữa rồi…".
Một số kênh tin tức của Hoa Kỳ cũng mới đưa ra một cảnh báo khẩn cấp đến các bậc phụ huynh học sinh trên toàn nước Mỹ về trào lưu cực nguy hiểm cho giới trẻ này. Nó đưa đến những trạng thái hưng phấn cực độ về tinh thần nhờ sử dụng công cụ "ma túy số", hay còn gọi là idosing.
Theo Trần Đình Quân, sinh viên khoa Kỹ sư Tài năng (ngành IT) thuộc đại học Bách Khoa TP.HCM, người có đề tài luận văn nghiên cứu chuyên sâu về idosing cho biết về mối nguy hại của loại âm nhạc này: "Idosing được tạo ra từ những tần số âm thanh cao thấp, đan xen một cách lẫn lộn, nhưng nói chung là lạ so với âm nhạc bình thường, đồng thời cũng sử dụng những ngôn từ gây kích thích mạnh trong ký ức con người. Hiệu ứng cộng hưởng này sẽ tác động mạnh mẽ và gây cảm xúc mạnh nơi người nghe. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể thấy trạng thái quằn quại của những người nghe idosing giống như nghiện ma túy. Tuy nhiên, vì những bản này sử dụng tiếng Anh nên đã mất đi một số hiệu ứng ngôn ngữ đối với người Việt. Điều này giải thích tại sao nhiều bạn nhận xét rằng cũng bình thường khi nghe idosing. Với tần suất quá mức chịu đựng của ngưỡng nghe, idosing gây tác hại ở mức 4 kendals (một tác hại rất lớn trên cơ thể người, đến nỗi một khoảng thời gian sau có thể gây các chứng bệnh về tâm lý, thần kinh, hoặc hỏng màng nhĩ)".
Cảnh báo từ bác sĩ: Dễ tử vong Qua tìm hiểu, idosing cực kỳ hiệu quả khi người nghe đang trong trạng thái cô đơn, chán chường, bất mãn, u uất nghe một mình trong phòng kín càng tối càng tốt. Điều này cho thấy những tâm hồn non nớt của giới trẻ sẽ dễ dàng bị tàn phá thế nào nếu bị idosing mê hoặc. Nhiều người đã thử nghe loại nhạc này và có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng bởi thứ âm thanh hỗn hợp, chát chúa. Những nhà khoa học và các nhà tâm lý học đều khuyên rằng không nên nghe hoặc thử nghe vì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến não và tim, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. |
Nguyễn Đức Thọ