Thông tin về căn bệnh hiếm gặp, ngày 1/10, báo Người Lao Động ghi nhận, một nữ bệnh nhân xin giấu tên 28 tuổi đang vất vả điều trị căn bệnh "siêu giả dạng".
Điều đáng nói, căn bệnh này diễn biến một cách âm thầm với những triệu chứng không rõ ràng, khiến bệnh nhân rất dễ chủ quan và khó phát hiện. Thậm chí, sau nhiều lần đến nhiều cơ sở y tế thăm khám, bệnh nhân cũng không phát hiện ra căn bệnh hiếm gặp này.
Nữ bệnh nhân chia sẻ, ban đầu kể cơ thể cô xuất hiện các nốt nhỏ trông như mụn. Các nốt nhỏ này nổi ở cổ, nách rồi chân, tay với màu nâu nhạt, đỏ, nâu đậm. Nữ bệnh nhân cho biết, trông các nốt này có vẻ vô hại và chẳng gây phiền toái gì ngoài cảm giác ngứa nhẹ khi đổ mồ hôi.
Tuy nhiên, vì thẩm mỹ, cô đã đến nhiều cơ sở y tế để điều trị. Tuy nhiên, sau khi kinh qua các phương pháp điều trị như: Đốt laser CO2, dùng nhiều thuốc, căn bệnh vẫn không thuyên giảm.
Đặc biệt, khi thăm khám, các bác sĩ đều cho rằng, chị mắc bệnh mụn cóc, vảy nến giọt, u vàng, ... Cuối cùng, sau khi đến khám tại bệnh viện Da liễu TP.HCM, cô mới được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Sarcoidosis.
Đây là một bệnh lý u hạt không hoại tử với nguyên nhân không rõ ràng, tỉ lệ mắc ước tính khoảng 10-40 ca/100.000 người.
Các tài liệu y học hiện đại cho biết, Sarcoidosis có biệt danh là "bệnh siêu giả dạng" với các triệu chứng trên da tưởng chừng như vô hại và dễ "giả dạng" nhiều bệnh khác, thậm chí không có phương pháp điều trị.
Cụ thể, các bác sĩ cho biết, bệnh sarcoidosis (sarcoidosis) là hậu quả sự phát triển các ổ viêm nhỏ tại nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể – thường nhất ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
Các chuyên gia cho rằng bệnh sarcoidosis xuất phát từ việc hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với một chất lạ, ví dụ dị vật từ không khí. Hiện nay, không có phương pháp điều trị cho bệnh sarcoidosis.
Mắc phải căn bệnh hiếm gặp, cô gái không chỉ gặp nguy hiểm nằm trên da. Nữ bệnh nhân còn bị mờ mắt, chẩn đoán ban đầu là viêm màng bồ đào mắt mãn tính.
Hai lá phổi cô cũng xuất hiện những nốt li ti, phì đại hạch rốn phổi phải và hạch trung thất. Tất cả các tổn thương tưởng không liên quan đó đều do bệnh siêu giả dạng gây ra.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, sarcoidosis khá khó chẩn đoán vì người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc mắc bệnh khác có triệu chứng tương tự. Bác sĩ cần khám lâm sàng các triệu chứng của bệnh nhân kết hợp chụp X-quang ngực vì chỉ khám lâm sàng không thể chẩn đoán được chính xác tình trạng bệnh.
Bác sĩ cũng cho người bệnh xét nghiệm máu, xét nghiệm hơi thở, chụp cắt lớp (CT), sinh thiết mô, xét nghiệm bệnh lao và lấy điện tâm đồ. Nếu bác sĩ chẩn đoán có u hạt ở phổi, bệnh nhân có thể cần phải nội soi phế quản bằng cách đặt một ống soi thông từ mũi tới phổi. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật sinh thiết phổi (phẫu thuật mở phổi để lấy mẫu mô soi dưới kính hiển vi).
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt phù hợp như: Ăn ít muối trong khẩu phần ăn nếu bạn dùng thuốc steroid; Kiểm tra huyết áp máu, xét nghiệm máu về bệnh tiểu đường; Tiêm chủng vắc xin phế cầu khuẩn viêm phổi; Không tự ý ngưng sử dụng thuốc hay thay đổi liều lượng dù bạn cảm thấy khoẻ hơn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ; Không hút thuốc vì sẽ làm tình trạng bệnh thêm tệ hơn, ... sẽ giúp người mắc "siêu giả dạng" diễn tiến của bệnh.
Thông tin thêm về tình trạng bệnh của nữ bệnh nhân 28 tuổi mắc bệnh "siêu giả dạng", nhóm tác giả gồm bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Vũ Hoàng và bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích Liên đến từ BV Da liễu, trong hội nghị Da liễu khu vực phía Nam do bệnh viện này vừa tổ chức cho biết, nữ bệnh nhân này đã có nhiều dấu hiệu khả quan sau 1 năm điều trị.
Hà Nguyễn (tổng hợp)