Để thực hiện khát vọng trở thành nhà nghiên cứu khoa học, họ dồn hết tâm huyết, trí lực vào đó mà quên mất cuộc sống thực tại khiến tâm lý bị stress nghiêm trọng để rồi trở thành bệnh nhân tâm thần. Trường hợp của anh N.V.Th. là một ví dụ. Vốn là học sinh giỏi, từng học ở nhiều trường đại học nổi tiếng, nhưng chỉ vì quá mê học, không biết cân bằng cuộc sống, Th. đã trở thành bệnh nhân tâm thần, là gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ già...
Khuân đồ ra đường để... cúng giường
Trong lần về công tác tại bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi được nghe kể về hoàn cảnh của bệnh nhân N.V.Th.. Do chỉ biết vùi đầu vào sách vở nên anh Th. đã mắc bệnh tâm thần phân liệt. Đây là lần thứ hai anh phải nhập viện để điều trị bệnh.
Bước vào khu điều trị, chúng tôi không có cảm giác rờn rợn, sợ hãi vì những khuôn mặt vô hồn hay những tiếng la hét, hành động kỳ quái làm tổn thương người khác... Trái lại, những gương mặt hiền lành, những nụ cười ngây ngô nhưng khá thân thiện của các bệnh nhân nơi đây giúp chúng tôi hiểu phần nào nỗi đau của họ. Với họ, mong muốn duy nhất chính là sức khỏe nhanh chóng bình phục để trở lại làm một người bình thường, được trở về với cuộc sống bình dị.
Cũng như bao bệnh nhân khác, Th. chỉ mong nhanh chóng khỏi bệnh để trở về nhà phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già. Mỗi khi nhắc về mẹ, khuôn mặt anh hiện rõ nỗi buồn của "đứa con bất hiếu", trưởng thành rồi vẫn là gánh nặng đè lên đôi vai gầy của người mẹ già nơi quê nhà. Những tưởng chàng sinh viên hào hoa, giỏi giang sau khi tốt nghiệp sẽ là chỗ dựa cho người mẹ khi tuổi già nhưng không, chưa kịp tốt nghiệp anh đã bị bệnh tâm thần phân liệt khiến cả gia đình phải lo lắng.
Khi đang là cậu học sinh chuyên hóa lớp 10, Th. bắt đầu có biểu hiện khác thường. Nhiều khi cậu hay nói những câu vô nghĩa, những chủ đề linh tinh không liên quan. Bên cạnh đó, Th. còn có sự thay đổi về tính nết, từ một cậu học sinh hiền lành, chăm chỉ học tập cậu hay cáu gắt vô cớ, không đi học. Thấy thế, gia đình Th. đưa cậu vào điều trị tại bệnh viện tâm thần (BVTT) Huế. Sau một thời gian điều trị, Th. được ra viện. Trở về, Th. tiếp tục lao vào học tập để thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học. Ngoài thời gian học trên lớp, ở nhà Th. học ngày học đêm để đạt kết quả cao nhất. Th. tâm sự: "Ngày còn đi học, tôi ngủ rất ít. Có khi chỉ là một vài giờ đồng hồ. Với tôi ngoài học ra tôi chẳng thích gì khác".
Mỗi khi thấy mình khỏe hơn, Th. luôn đặt ra cho mình rất nhiều kế hoạch cụ thể để thực hiện. Thế nhưng những kế hoạch ấy luôn bỏ dở giữa chừng do bệnh cũ tái phát. Vì chủ quan, khi thấy mình khỏe hơn, cậu không uống thuốc hỗ trợ về thần kinh, thế nên chỉ sau vài hôm ngắn ngủi, cậu lại rơi vào chứng bệnh rối loạn tâm thần: Cách đây vài tháng, như bị "ma xui quỷ khiến", mặc cho mẹ can ngăn, Th. khuân hết đồ đạc trong nhà ra để ở ngoài đường (chủ yếu là đồ đạc trong phòng của Th.). Khi mẹ hỏi, Th. chỉ nói: "Sáng mai con sẽ giải thích với mẹ sau. Giờ con phải làm đã".
Kể đến đây Th. cười bảo: "Lúc ấy tôi cũng không hiểu vì sao lại làm thế. Đấy là lần duy nhất tôi khuân đồ đạc nhà mình ra đường. Trước đấy, tôi chỉ trải giấy khen, giấy tờ của mình từ nhà ra tận đường lớn, mà phải trải mấy hôm mới hết. Còn lần này thì tôi, không biết là ngày hay đêm, khuân hết đồ đạc của nhà mình ra đường, chỉ còn duy nhất bộ quần áo đang mặc. Lý do giải thích với mẹ hành động của mình chính là tôi khuân ra để làm lễ cúng giường (cúng giường trong Phật giáo gần giống với cúng chúng sinh-PV). Thấy tôi làm thế, mẹ liền gọi điện cho hai anh rể và mấy người bên họ nội đến bắt tôi đưa ra Hà Nội điều trị".
Ước mơ dở dang ở... 4 trường đại học
Trong con mắt của các y bác sỹ, Th. là bệnh nhân khá đặc biệt. Khi mới vào điều trị tại BVTT Trung ương I, tưởng gia đình ruồng rẫy, bỏ lại mình ở đấy, Th. sợ hãi và không chịu hợp tác bởi trong suy nghĩ của anh đây là nơi vô cùng đáng sợ. Anh không được ở gần gia đình của mình như ở trên viện Sức khỏe tâm thần thuộc bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng chỉ sau một tuần, anh rể cùng chị gái vào thăm, động viên cố gắng điều trị, Th. đã nghe lời các bác sỹ, y tá ở đây khiến bệnh tình của anh thuyên giảm nhiều hơn. Từ việc không nắm được tay (Th. cho rằng mình bị mất sức, không làm gì được), đến nay tay Th. có thể hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, Th. là bệnh nhân khá hiểu về bệnh của mình nên việc điều trị có tiến bộ vượt bậc so với những bệnh nhân khác.
Th. sinh ra trong một gia đình có nề nếp, mẹ là một viên chức đã nghỉ hưu. Từ ngày bố Th. mất đi, mẹ anh ở vậy nuôi ba chị em ăn học thành tài. Hai chị gái của Th. được ăn học thành tài, hiện đang công tác và làm việc tại Hà Nội. Noi gương các chị, Th. chăm chỉ học hành quên cả thời gian. 12 năm là học sinh, Th. luôn là học sinh giỏi của ngôi trường nổi tiếng ở Huế. Ngay năm đầu tiên, Th. đã thi đậu vào trường đại học Bách khoa Đà Nẵng với số điểm khá cao. Thế nhưng học hết năm thứ nhất, Th. bỏ học, quyết định ra Hà Nội thi lại trường đại học Mỏ địa chất. Khi chúng tôi hỏi vì sao anh lại từ bỏ giấc mơ trở thành nhà khoa học, Th. chỉ cười bẽn lẽn. Th. bảo: "Tôi cũng không biết tại sao. Có lẽ lúc ấy bị bệnh nên mới hành động như vậy".
Trong quá trình học tập tại trường Mỏ địa chất, ngay năm đầu tiên Th. đã đạt được khá nhiều giải thưởng trong cuộc thi Olympic dành cho các sinh viên năm nhất. Đã vậy, học kỳ nào anh cũng giành được học bổng và là sinh viên xuất sắc. Thế nhưng tất cả chấm dứt vì một lý do rất "đặc biệt": Th. không được tham gia nhiều hoạt động trong phong trào đoàn của trường. Rời khỏi trường, Th. tham gia vào môn phái nhân địa (hấp thu năng lượng vũ trụ để chữa bệnh cho mình và cho người khác). Học môn phái này được hai năm thì Th. nghỉ học. Cũng trong thời gian này, Th. tiếp tục thi vào học viện Ngoại giao nhưng không đỗ. Cuối cùng, Th. theo học ở học viện Giáo dục theo nguyện vọng hai. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, Th. lại bỏ học. Đối với Th. trường nào anh cũng chỉ học một thời gian rồi bỏ bởi vì chán. Cứ thế, từ khi đi học đại học, đến nay Th. đã trải qua tới 4 trường đại học nhưng không học xong một trường nào cả.
Nghe Th. kể về các quá trình phấn đấu của Th., chúng tôi phần nào hiểu được cái tấm lòng ham học của anh. Thế nhưng niềm đam mê ấy anh đành phải gác lại khi trở thành bệnh nhân tâm thần. Không riêng gì chúng tôi, ngay cả các y bác sỹ ở đây cũng tiếc cho anh. Mọi người tiếc cho một người giỏi giang nhưng chỉ vì bệnh tật mà phải gác lại tất cả những ước mơ.
Giờ đây, mong ước lớn nhất của Th. chính là khỏi bệnh để tiếp tục thực hiện ước mơ mở nhà trẻ, dạy thêm cùng với người mẹ của mình. Đây là cái ước mơ Th. ấp ủ sau khi từ viện Sức khỏe tâm thần về nhà. Nhìn vào gương mặt Th., chúng tôi phần nào hiểu được cái khát khao ấy trong anh. Nếu trước khi bị bệnh, anh chỉ khát khao chinh phục được bản thân mình thì nay anh chỉ khát khao có được sức khỏe ổn định để trở lại cuộc sống thường nhật mà thôi. Chuyện học hành hay ham muốn trở thành tiến sỹ khoa học, Th. đành gác lại bởi anh biết bản thân mình không đủ sức khỏe. Nếu cứ cố gắng một cách thái quá, anh sẽ trở thành bệnh nhân, là gánh nặng của gia đình. Chỉ khi mắc bệnh người ta mới thấy sức khoẻ quý như thế nào, và Th. đã thấu hiểu điều đó sau những lần nhập viện.
Bị stress triền miên dễ mắc bệnh tâm thần Th. tâm sự: "Từ khi vào đây điều trị, tôi rút ra một điều là khi làm việc quá mức, người ta dễ rơi vào trạng thái stress. Tôi đã trải qua trạng thái ấy, đặc biệt là sau mỗi đợt thi cử tôi thường bị stress rất là nhiều. Từ stress, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm vì tôi chỉ biết học mà không biết dành thời gian cho các hoạt động thể dục thể thao và vui chơi giải trí. Điều đó khiến tôi bị mất cân bằng trong cuộc sống". |
Hồng Mây