Ngày 11/12, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống thành công một trẻ dư cân sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4, biến chứng suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan.
Cụ thể, bé là Tr.T.N.Q. (15 tuổi, nữ, ngụ ở Bình Chánh). Trẻ bị thừa cân với cân nặng 54 kg trong khi lứa tuổi này cân nặng khoảng 40-45 kg.
Khai thác tiền sử bệnh, gia đình bệnh nhân cho biết, từ ngày thứ nhất đến ngày thứ ba, trẻ sốt cao liên tục, không nôn ói, không đau bụng.
Tới ngày bệnh thứ 4, bệnh nhi bắt đầu bớt sốt tuy nhiên lại xuất hiện tình trạng nôn ói, dịch lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Gia đình đã cho trẻ nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, trẻ nhập viện trong tình trạng mạch nhẹ, chi mát, huyết áp tụt, da nổi bông. Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết dengue nặng và được truyền dịch chống sốc theo phác đồ cùng sử dụng vận mạch...
Dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng trẻ vẫn tiếp tục diễn tiến nặng, sốc kéo dài kèm rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp. Các bác sĩ đã nhanh chóng chống sốc tích cực, đặt nội khí quản thở máy, truyền máu, huyết tương đông lạnh...
Do diễn tiến lâm sàng phức tạp, trẻ có biểu hiện nhiễm trùng bệnh viện nên được tiếp tục điều trị hỗ trợ các cơ quan và sử dụng kháng sinh phổ rộng. Đồng thời, do trẻ bị tổn thương gan thận nặng nên được lọc máu liên tục, điều trị hỗ trợ gan.
Kết quả, sau gần 3 tháng điều trị với 10 đợt lọc máu liên tục cùng hỗ trợ các cơ quan, tình trạng trẻ dần cải thiện, chức năng gan thận trở về bình thường. Trẻ được cai máy thở và tỉnh táo...
Sau thời gian điều trị sốc sốt xuất huyết, trẻ đã giảm hơn 17kg xuống còn 37kg. Để đảm bảo trẻ có thể phục hồi thể chất, các bác sĩ dinh dưỡng đã tư vấn cho gia đình chế độ ăn phù hợp.
Qua trường hợp này, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, để phòng chống sốt xuất huyết phụ huynh cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng đồng thời kết hợp ngủ mùng. Phụ huynh cần theo dõi sát sao trẻ để phát hiện các dấu hiệu sớm, cảnh báo bệnh để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời.
Phụ huynh cần đặc biệt chú ý trẻ khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao trên 2 ngày liên tục, quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...
Ngay khi trẻ có những dấu hiệu cảnh báo trên, cần nhanh chóng đưa trẻ tới trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Trúc Chi (t/h)