Liên quan đến dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Hà Nội có quy định taxi “mặc đồng phục cùng màu sơn, chung tổng tài”, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuyển - Phó Trưởng phòng Quản lý Vận tải (sở GTVT Hà Nội), đơn vị phụ trách dự thảo này.
PV: Vì sao Sở lại đưa ra quy định “mặc đồng phục” chung màu sơn đối với các xe taxi hoạt động tại Hà Nội? Quy định màu sơn chung có phát sinh chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh taxi không?
Ông Nguyễn Tuyển: Thời gian qua, có nhiều phản ánh về những bất cập liên quan đến hoạt động taxi trên địa bàn thành phố như: Chất lượng phục vụ, xe dù... Quy chế mới là nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng phục vụ của taxi tại Hà Nội.
Nó thể hiện nét văn minh đô thị phù hợp với Nghị định 86 (UBND cấp tỉnh quy định màu sơn taxi).
Theo quy định, có những điều khoản chuyển tiếp, các xe đang chạy không phải thay ngay màu sơn mà có lộ trình đến 2025 mới thống nhất toàn bộ màu sơn.
Trong khi đó niên hạn của taxi chỉ có 8 năm, do đó kể cả các xe mới đưa vào hoạt động thì 8 năm sau mới phải thay và đương nhiên với các xe mới thì phải chung màu sơn. Điều này không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Khi các xe taxi chung màu sơn thì việc nhận diện thương hiệu sẽ dựa trên logo của từng hãng, thậm chí là trên mào xe. Tại nhiều thành phố lớn trên thế giới các xe taxi cũng có màu sơn chung.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng quy định taxi chung màu sơn sẽ làm cho việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp bỏ sông, bỏ bể?
Ông Nguyễn Tuyển: Việc taxi chung màu sơn sẽ tạo bộ mặt văn minh đô thị. Đương nhiên các hãng taxi có những logo riêng và hành khách có thể dựa vào đó để nhận diện.
PV: Đến thời điểm hiện tại, Sở đã có lựa chọn màu sơn chung và đơn vị phân phối xe taxi cho các hãng chưa?
Ông Nguyễn Tuyển: Việc taxi chung màu sơn sẽ dễ giải quyết xe dù hơn. Còn về màu sơn, đến khi nào lựa chọn, chúng tôi sẽ công khai lấy ý kiến tiếp.
PV: Các hãng taxi sẽ hoạt động chung tổng đài thì việc phân phối hành khách thế nào để đảm bảo công bằng?
Ông Nguyễn Tuyển: Hiện TP có hơn 77 hãng taxi và hơn 19.000 xe phủ khắp TP. Nếu các hãng hoạt động chung tổng đài thì sẽ giảm thời gian các xe chạy rỗng khi có hành khách gọi.
Ví dụ: Khi dùng chung tổng đài, hành khách gọi đến thì tổng đài sẽ liên lạc với xe gần nhất, tiện lợi nhất qua đó giảm thời gian chờ, thời gian chạy rỗng. Việc đó sẽ là giảm cước phí, nâng cao chất lượng vận tải hơn so với việc hành khách gọi riêng một hãng taxi cụ thể.
Việc này, TP không đứng ra làm mà giao cho sở làm việc với hiệp hội Taxi… Khi thực hiện cụ thể thì các đơn vị sẽ thống nhất một phần mềm kỹ thuật để hành khách lựa chọn. Đây là một định hướng quản lý rất tốt.
Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào kinh doanh vận tải taxi cũng làm giảm tắc đường.
PV: Dự thảo cũng quy định phân vùng đối với xe taxi. Xe vùng 1, chỉ được dừng đỗ trả khách chứ không được đón khách của xe ở vùng 2, vậy làm thế nào để giám sát được việc này?
Ông Nguyễn Tuyển: Mục đích chính của quy định vùng là nhằm xử lý taxi dù, taxi nhái, xe đăng ký ở tỉnh ngoài nhưng vẫn vào nội thành để hoạt động.
Khi phân vùng thì sẽ có những điểm dừng, đỗ, đón, trả khách cho xe taxi ở những vùng nhất định. Tuy nhiên, xe ở vùng 2 vẫn có thể đón khách ở vùng 1 miễn là không phải điểm dừng đỗ quy định dành cho xe vùng 1. Quản lý việc này thì sẽ dựa vào công nghệ số hóa và các thiết bị giám sát hành trình.
PV: Vậy Sở có tính đến việc quản lý các xe taxi công nghệ như Uber, Grab hiện nay?
Ông Nguyễn Tuyển: Đây mới là thời gian thí điểm. Sau khi thí điểm và có đánh giá toàn diện thì Sở sẽ có những văn bản để quản lý loại hình xe Uber, Grab.
PV: Xin cảm ơn ông!