Xử dân sự siêu dự án "chết"
Ngày 1/12, thông tin từ chi cục Thi hành án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, vụ án nợ xấu hàng trăm tỷ đồng của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh tại dự án Thép Vạn Lợi đã được xét xử dân sự. Hiện, tòa, công an và cơ quan thi hành án thị xã Kỳ Anh cùng các cơ quan chức năng liên quan đang tiến hành kê biên tài sản của nhà máy, thực hiện theo đúng bản án đã xử.
Để rõ hơn về kết quả xét xử dân sự này, PV đã liên hệ với Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để nắm thông tin về bản án nhưng không được hồi đáp.
Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Hai cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình, Hà Nội) với tỷ lệ góp vốn 64% và Công ty đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa, Hà Nội) góp 34% còn lại. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 1 thực hiện dự án, có 3 ngân hàng tham gia cho công ty Gang thép Hà Tĩnh vay vốn và đã giải ngân số tiền 750 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh (VDB) Hà Tĩnh 609 tỷ đồng, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hà Tĩnh 49 tỷ đồng và ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Hà Tĩnh 70 tỷ đồng.
Dự án được khởi công vào tháng 8/2008 với công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 1), sau đó nâng cấp lên 500.000 tấn/năm. Theo cam kết về tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư, đến tháng 3/2010 sản xuất thử ra phôi gang và tháng 8 ra phôi thép thương phẩm. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương nhưng từ năm 2010 công ty đã dừng việc thi công và bỏ hoang từ đó đến nay.
Cuối năm 2015, ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi.
Theo quan sát của PV tại dự án vào ngày 1/12, khuôn viên nhà máy Thép Vạn Lợi được xây tường bao kiên cố nhưng bên trong các hạng mục công trình nhà xưởng đã xuống cấp trầm trọng, máy móc, thiết bị chỉ còn trơ lại những bộ khung, cỏ dại mọc um tùm.
"Thu hồi may ra được 1/10"
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, dự án này được triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư chỉ 15%. Chủ đầu tư lấy dự án ra thế chấp, tức, tài sản hình thành sau khi dự án được triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc, bây giờ, các ngân hàng thu hồi vốn bằng cách... cân sắt vụn để bán đấu giá.
Theo một cán bộ công tác tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Hà Tĩnh, vụ việc đã được tòa án tỉnh xét xử, hiện lực lượng thi hành án phối hợp với các ngân hàng đang kê biên, định giá tài sản dự án thép Vạn Lợi để tiến hành đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ước tính, việc thu hồi vốn của VDB may ra chỉ được khoảng 1/10.
Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình thẩm định cho công ty Gang thép Hà Tĩnh vay vốn, PV đã có cuộc gặp với ông Phan Viết Phong, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh. Ông Phong cho hay, toàn bộ tài liệu, hồ sơ thẩm định đều ở bên VDB.
“Vietcombank và BIDV chỉ là đơn vị đồng tài trợ, toàn bộ hồ sơ thẩm định đều ở bên VDB. Bây giờ thi hành án họ đang kiểm kê tài sản của nhà máy rồi đưa ra bán đấu giá công khai theo pháp luật. Quan điểm của tôi là những gì còn tồn tại thì phải xử lý cho xong và hoạt động ngân hàng thì đều không tránh được khỏi những rủi ro”, ông Phong nói.
PV tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Tiến Tính, Giám đốc VDB Hà Tĩnh để tìm hiểu thông tin về quá trình thẩm định vay vốn tại dự án Thép Vạn Lợi thì bị từ chối với lý do ông không được quyền phát ngôn. Ông Tính cho hay, người được giao phát ngôn tại VDB là ông Phạm Văn Bốn, phát ngôn thuộc Ngân hàng VDB tại Hà Nội.
Câu chuyện thất bại của Thép Vạn Lợi có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng dễ nhìn thấy nhất là sự đầu tư dàn trải; chủ đầu tư vốn ít, song lại đầu tư quá lớn, vượt quá năng lực và lệ thuộc nhiều vào vốn vay.
Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ai khi VDB, Vietcombank, BIDV đã mạo hiểm ký hợp đồng tín dụng cho công ty CP Gang thép Hà Tĩnh thế chấp tài sản được hình thành trong tương lai để vay hàng trăm tỷ đồng vẫn là câu hỏi cần được trả lời?
Dự án này được triển khai vào tháng 4/2015 với quy mô dự án lên tới 254.200 con bò/năm, trên diện tích 2.163,5 ha thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, với kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm cho con em Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, dự án bộc lộ "đầu voi, đuôi chuột", chết yểu để lại những hậu quả về kinh tế, môi trường cho địa phương.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV; Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV; ông Kiều Đình Hoà, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh và bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Hà Tĩnh liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV. Trước đó, vào tháng 6/2018 nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, ông Đinh Văn Dũng bị Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt 110 tỷ đồng tại dự án chăn nuôi Bình Hà.