Những điều cha ông chúng ta truyền dạy hậu thế quả nhiên chẳng bao giờ sai và thừa thãi. Cả một tuổi thơ chuyển trường, đổi lớp, tôi đã từng thắc mắc tại sao ở cổng trường, lớp học nào cũng có những tấm bảng đề cao phương châm giáo dục: “Tiên học lễ, hậu học văn” mà không phải ngược lại. Và giờ thì tôi đã hiểu.
Hóa ra nhiều người có học “văn”, học chữ giỏi đến đâu, nhiều lúc họ vẫn không biết đọc, không biết “lễ”. Có thể các bạn không tin nhưng chỉ cần phóng tầm mắt ra những ngã tư, các con ngõ hay bãi đất trống thì sẽ thấy. Nơi đâu có biển “Cấm đổ rác”, nơi đó có một đống rác mọc ngay dưới chân biển. Nơi nào có dòng chữ “Cấm đái bậy”, y rằng nơi đó bốc lên mùi amoniac nồng nặc đặc trưng.
Nhiều người phản biện rằng không phải họ không biết đọc mà trước khi mọc lên tấm biển, dòng chữ “cấm” thì những đống rác hay bãi nước tiểu đã được hình thành ở đó rồi. Và theo thói quen, cùng tâm lý thách thức, thích khác người, phá vỡ những quy luật thì có “cấm” họ vẫn cứ làm. Thậm chí còn “nhiệt tình” hơn lúc chưa cấm. Tấm biển “Cấm đổ rác”, dòng chữ “Cấm đái bậy” vô tình trở thành cái mốc đánh dấu địa phận của những thứ rác thải hôi thối.
Những người “không biết đọc” không chỉ lảng vảng ở nơi hoang tàn, bẩn thỉu như đầu đường, xó chợ mà họ còn tràn vào cả những chốn linh thiêng như đền chùa, miếu mạo. Dường như những dòng chữ, những lời nhắc như “Không ăn mặc phản cảm đến chùa”, “Yêu cầu mọi người thành kính, trang nghiêm nơi thanh tịnh” đều không có tác động mạnh đến nhận thức và hành động của nhiều người.
Có lẽ người ta đã nhận ra những tấm biển hiền hòa, im lặng và khiêm tốn chẳng có tác dụng gì trong công cuộc bảo vệ sự sạch sẽ của không gian. Nên tại một lễ hội lớn gần đây của dân tộc – lễ hội đền Hùng, người ta đã “sa thải” những tấm biển mà thay vào đó là lực lượng an ninh được điều động đứng tại khu vực cổng chính lên các đền của khu di tích lịch sử đền Hùng để nhắc nhở những du khách ăn mặc hở hang không được lên dâng hương bái Tổ.
Đương nhiên, với cách giải quyết mạnh tay đó thì những người dù có “không biết đọc” vẫn buộc phải chấp hành. Không biết họ - những người được nhắc nhở có rút được kinh nghiệm cho các lần hành hương tiếp theo, khi đến những chốn thiêng khác hay không. Nhưng có một điều được đảm bảo đó là những hành vi, hình ảnh phản cảm trong lễ hội đền Hùng đã giảm thiểu khá nhiều.
Đó là cách giải quyết với những người “không biết đọc chữ”. Chỉ sợ đến một ngày người ta cũng… “không nghe được chữ” nữa thì không biết lực lượng chức năng sẽ phải xoay xở thế nào?
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả