Mặc thế nào để toát lên 'vẻ' Việt Nam không 'lẫn vào đâu được'?

Mặc thế nào để toát lên 'vẻ' Việt Nam không 'lẫn vào đâu được'?

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Thứ 3, 19/09/2017 07:34

Quần, áo luôn luôn là “nước sơn” của con người. Trang phục, với muôn vàn kiểu cách và màu sắc, được cách tân, biến đổi hàng ngày. Thế nào là bộ trang phục đẹp? Có cần phải có quy định về trang phục cho toàn xã hội hay không?

Từ thời xa xưa, dưới các triều đại phong kiến, việc mặc đã được quan tâm quy định cụ thể cho từng thành phần trong xã hội (vua, quan, dân...) cho mọi nghi thức trong cuộc sống (cưới, tang, lễ, hội...).

Cứ mỗi khi xã hội biến đổi, việc ăn mặc không còn thuần nhất không đúng quy định hoặc khi cần thay đổi để bảo vệ sự tôn nghiêm, theo kịp sự phát triển của xã hội, nhà Vua lại ra những quy định mới. Ai trong chúng ta chả nhớ câu vè “Chiếu vua Minh Mạng ban ra/Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng…”.

Nhiều quy định đã thành nếp vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày nay. Ở thời hiện đại nhưng những quy định đó quả thật vẫn mang ý nghĩa văn minh. Chỉ cần đến một đám tang, thông qua quần áo của tang quyến, có thể biết ngay người đã khuất có bao nhiêu con trai, con gái, con dâu, cháu, chắt.

Thời Pháp thuộc, văn hóa phương Tây tràn vào Việt Nam. Cách ăn mặc có nhiều thay đổi lớn nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp Á Đông. Văn hóa Việt Nam đã “thuần hóa” được trào lưu phương Tây làm cho trang phục vẫn thời đại nhưng vẫn có vẻ thanh khiết của văn hóa phương Đông.

Ở thời kỳ này, lúc mới đầu, người người đua nhau “bỏ cũ theo mới”. Các bà, các cô Hà thành còn mặc quần short, đua xe đạp, chơi quần vợt. Sơ-mi muốn hòa nhập vào những trò văn minh ấy phải bỏ lối ăn mặc cũ, phải vận âu phục. Vận âu phục nghiêm chỉnh là phải mặc đồng bộ gồm ba thức chính cùng màu, cùng chất vải, cùng mẫu mã. Đó là áo vét mặc ngoài, gi-lê mặc trong và quần tây là thẳng nếp.

Ngoài ra, đi với nó là cà vạt hoặc nơ, sơ-mi cổ cồn, giày tây. Người biết cách ăn mặc lịch sự không bao giờ mặc com-lê mà lại đi dép hoặc giày ba ta. Mặc đồng bộ như trên thường thấy trong lễ hội, tết nhất, cưới xin. Bình thường, khi đi làm, người ta hay mặc sơ-mi, quần nọ áo kia mà vẫn nghiêm túc, lịch sự.

Nhưng dần dần sau này, những khăn xếp, áo the mới lại là thời thượng, là y phục. Thậm chí, nam giới có thể khoác áo vét ở ngoài áo the, phụ nữ thì áo dài tha thướt vẫn sang trọng, lịch lãm. Điều đó chứng tỏ một phong cách thẩm mỹ độc đáo Việt Nam. Chúng ta đã đồng hóa văn hóa ngoại lai chứ không học đòi, hoặc bị hòa tan.

Đa chiều - Mặc thế nào để toát lên 'vẻ' Việt Nam không 'lẫn vào đâu được'?

Ảnh Internet.

Ở nông thôn, người làm ruộng, người nhà quê nói chung thì quần nâu áo vải, khăn đẩu rìu, khăn tai chéo, cốt ăn chắc mặc bền. Người buôn thúng, bán bưng lại có kiểu áo cánh tứ thân, gài khuy giữa, hai vạt trước có hai túi, trên quanh vai may lót thêm miếng vải để gánh vác cho bền. Mặc thì mặc quần lá tọa vải thô, vải to, nhuộm nâu.

Dông dài như vậy để thấy rằng, thời nào trang phục cũng được quy định bởi Nhà nước và bị ước thúc bởi các quy ước xã hội. Đâu là sang trọng, đâu là công chức, đâu là lễ hội, cưới xin, ma chay… rất rõ ràng, dễ phân biệt. Hàng trăm năm Pháp thuộc, hàng ngàn năm đô hộ của phương Bắc nhưng trang phục của thời nào cũng vẫn toát lên “vẻ” Việt Nam không “lẫn vào đâu được”.

Còn hiện nay thì sao? Về quy chế mang tính Nhà nước, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg quy định về văn hóa công sở trong đó có quy định về trang phục. Nhiều ngành: Công an, quân đội, tòa án, kiểm sát, hàng không… cũng có những quy định riêng về trang phục.

Đó là đối với “quan”, với “dân” thì sao? Hầu như chẳng có quy định nào cả. Trong thời buổi “hội nhập” hiện nay, tất cả đều nháo nhào. Mọi người ăn mặc loạn xạ, bất chấp mọi quy luật, ước lệ, tập tục. Hầu như tất cả “mốt” đều được sao chép, nhập khẩu từ nước ngoài không có kiểm soát, định hướng. Ai cũng muốn chứng tỏ cái tôi, cái khác biệt của mình mà không biết rằng chúng ta đang đánh mất dần văn hóa dân tộc. Chúng ta cứ kêu gọi “hội nhập chứ không hòa tan” nhưng trong thực tế, chúng ta đã bị hòa tan hoàn toàn trong lĩnh vực ăn mặc.

Lớp trẻ hiện nay hầu như “miễn dịch” với các quan niệm, lề thói về sự lịch lãm, tính đúng đắn và phù hợp trong việc ăn mặc ở mỗi nơi, mỗi sự kiện. Rất dễ bắt gặp những cô nàng mặc đồ “xuyên thấu”; các quý ông mặc áo hoa hòe, hoa sói, quần trắng, giày trắng, kính râm to bản trong các đám tang. Các bà, các cô bê y nguyên “bộ đồ” ngắn, hoa văn lòe loẹt trong các chùa chiền. Ai cũng cho mình cái quyền được làm cái mình thích, bất chấp các quy ước xã hội.

Đa chiều - Mặc thế nào để toát lên 'vẻ' Việt Nam không 'lẫn vào đâu được'? (Hình 2).

Ảnh Internet.

Liệu có cần phải thay đổi gu ăn mặc tán loạn thế này không? Chắc là phải có chứ. Chắc không ai hài lòng khi nhìn thấy một người mặc cảnh phục ngồi lê la ở quán bia hơi; chắc chả ai muốn khi đến uỷ ban phường, người tiếp mình là một cô gái mặc áo hai dây hay một anh chàng mặc áo phông, quần ngố. Người ta sẽ thấy trang nghiêm, lịch sự khi trong một buổi lễ tất cả nam giới đều mặc com-lê, nữ mặc áo dài.

Người ta sẽ thấy bi thương khi tang quyến trong những áo xô xé vội và sẽ thấy thành kính, tâm linh khi tham gia hành lễ ở chùa, ngoài “đồng phục” của các nhà sư là áo, quần dài, sẫm màu nghiêm túc. Người ta cũng thấy vui vẻ, hưng phấn trong những bộ trang phục “thoải mái” khi đi du lịch, tham gia các hoạt động thể thao hoặc những sự kiện vui vẻ.   

Nhưng làm thế nào? Có lẽ cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước cần phải trưng cầu một cuộc điều tra xã hội học quy mô để biết được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đó đề ra quy định cho văn hóa trang phục như vua ngày xưa đã làm: Đúng nơi, đúng lúc, đúng sự kiện, phù hợp với các dân tộc, vùng miền trên cả nước.

Có quy định rồi phải tiến hành giáo dục ý thức. Bắt đầu từ trẻ ở các cấp bậc học, thông qua thông tin đại chúng. Rồi phải có những chế tài, đơn giản từ việc trang phục nào sẽ được/không được xuất hiện ở đâu... Tin rằng, với tư duy đúng, cách làm đúng, với sự kiên trì trong bảo tồn văn hóa dân tộc, chúng ta sẽ dần thay đổi tư duy của mỗi người dân, đặc biệt là lớp trẻ để có thể giữ gìn bản sắc văn hóa người Việt.

QFs’

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.