Mái ấm Hoa Mẫu Đơn được biết đến là một tổ chức từ thiện tư nhân của bà Phan Trần Thị Đơn (SN 1959), nổi lên sau mùa giải Việt Nam Got Talent 2013 vừa qua bởi tài năng của chính các em nhỏ. Tuy nhiên, sự thật trần trụi đằng sau đó khiến mỗi chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, đầy căm phẫn khi nghe chính những bảo mẫu, những tấm lòng tình nguyện làm việc trong mái ấm phải cay đắng đứng lên vạch trần, kêu cứu lấy số phận của những trẻ em.
Mái ấm, nhà mở tình thương vốn là nơi để những người khốn khổ cùng quẫn bấu víu vào nhau, nương tựa nhau xây nên những tình thương ấm áp. Ấy vậy mà, những kẻ mang danh chủ mái ấm đã lợi dụng tình thương của các nhà hảo tâm, đem yêu thương ra kinh doanh lừa gạt. Dùng chính những đứa trẻ bơ vơ, những đồng loại khốn khổ ra làm phương tiện để vơ vét làm giàu.
Giọt nước mắt của người bảo mẫu
Theo chân các tình nguyện viên mái ấm, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị L., một cộng tác viên của mái ấm Hoa Mẫu Đơn (trụ sở trên đường Đoàn Giỏi, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM). Trò chuyện với chị, chúng tôi được chị L. tiết lộ những sự thật động trời đằng sau mái ấm mang tên từ thiện này. Theo đó, bà Đơn buộc các phụ huynh phải nộp từ 1,2- 2,5 triệu đồng/người/tháng, riêng với những gia đình không có đủ điều kiện, bà buộc họ phải viết giấy cho con, đồng thời bà cũng đưa cho họ một số tiền nhằm ràng buộc với những quy định chặt chẽ để giữ trẻ ở mái ấm.
Một trong 9 ngôi nhà của bà Đơn.
Chị L. cho biết: “Hiện tại, mái ấm Hoa Mẫu Đơn có khoảng 75 trẻ em. Hàng tháng chúng đều nhận được rất nhiều hàng hóa, vật chất cũng như tiền mặt của các Mạnh Thường Quân và tổ chức bảo trợ. Ấy vậy mà, đời sống vật chất và tinh thần của các đứa trẻ trong mái ấm vẫn bị treo lên một dấu chấm hỏi lớn? Khi chính những bảo mẫu làm việc trong mái ấm phải đứng lên tố cáo hành vi vô nhân đạo, kiếm tiền trên lưng trẻ em của chủ nhân mái ấm bà Phạm Thiên Đơn (SN 1959).
Cũng chính từ chị L., chúng tôi đã được dịp nói chuyện với chị N.T.T. (44 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM). Vì lòng thương yêu trẻ và muốn góp tấm lòng thiện của mình, chị T. đã xin vào làm bảo mẫu tình nguyện chăm các bé tại mái ấm Hoa Mẫu Đơn. Tuy nhiên, sau một thời gian tới làm việc, chị đã phát hiện ra những nghịch cảnh đau xót, thiếu tình thương khiến trong mái ấm khiến chị không cầm được những giọt nước mắt đau lòng.
Chị T. tâm sự: “Nhìn những đứa trẻ nằm lăn lóc và bị chăm nuôi như gà công nghiệp, nằm ngủ như ổ chó, chân tay dơ bẩn không ai quan tâm, khiến tôi nhiều lần ứa nước mắt. Nhìn bề ngoài thì cứ tưởng như được chăm nuôi tử tế nhưng thực chất chúng đều bị bỏ mặc. Một nồi mì 5 gói sẽ được nấu cho 8 bé ăn, cháo thì được nấu bằng cơm nguội, nhiều bé ăn không được phải ói ra là phải nhịn. Với trẻ sơ sinh, mỗi ngày, chúng chỉ được thay 2 lần tã buổi sáng và buổi tối để mặc cho bị ghẻ lở đầy mông”.
Chưa hết khỏi bức xúc đầy căm phẫn, chị T. cho biết thêm: “Rồi khi trẻ bị ốm, bà Đơn không hề chăm sóc hay ngó ngàng gì tới các bé. Có đưa đi bệnh viện thì chỉ tôi, hay một số bảo mẫu tốt sẽ đưa cháu đi khám bằng chính tiền của chúng tôi bỏ ra chứ bà Đơn không hề rút ra một đồng nào. Vậy mà, khi có tổ chức bảo trợ hay Mạnh Thường Quân tới thăm là y rằng bà lấy phiếu khám bệnh ra đưa cho nhóm này đến người kia chi trả”. Mang danh là người mẹ của những đứa trẻ, vậy mà chẳng bao giờ bà ta đến thăm nhà trẻ sơ sinh. Nhưng khi nghe có báo đài tới phỏng vấn ghi hình hay có người tới ủng hộ là bà lại đóng kịch ôm ấp, vuốt ve trẻ con bằng cái giọng ngọt ngào giả tạo.
Để minh chứng cho những bức xúc lời nói của mình, chị T. còn giới thiệu và dẫn chúng tôi tới gặp chị Th. (23 tuổi, ngụ tại Tân Bình, TP.HCM), là bảo mẫu chính thức, làm việc thường xuyên và thời gian dài trong mái ấm. Chị Th. cho biết: “Ngoài những bảo mẫu đã được bà Đơn mua chuộc ra thì những người còn lại làm việc trong mái ấm cảm thấy rất bức xúc với bà Đơn và áy náy với bọn trẻ. Bởi, tất cả những gì các nhà hảo tâm cho từ sữa bà cũng bán, bột cũng bán, bánh kẹo, nước ngọt, dầu ăn bà cũng bán... thứ gì bà cúng đem bán hết. Điều kinh khủng hơn, bé K.A. tại mái ấm lén để dành được 60 ngàn đồng bỏ trong người để về quê thăm em. Tuy nhiên, khi bé mang ba lô chuẩn bị đi về thì bị bà Đơn chặn lại lục túi lấy 60 ngàn đồng. Ngoài ra, bà Đơn còn lấy hết quần áo. Chỉ cho một bộ quần áo mặc trên người để về thôi”.
Những hộp sữa nghi được đem bán mà không cho trẻ ăn.
Sự thật sau hai chữ “từ thiện”
Nhớ lại những chuyện rùng mình đã trải qua, chị T. thở dài thảng thốt: “Đúng là như địa ngục trần gian, tôi thật sự không hiểu tại sao tất cả những thứ như áo quần, sữa hộp, bánh kẹo bà ta có thể đem đi bán còn như thịt, cá để từ sáng đến chiều không bán hết được người ta tới cho đã hôi rồi. Vậy mà bà vẫn không cho ăn mà để đến vài tháng sau khi mỡ từ màu trắng chuyển qua màu vàng là có thể hình dung ra mùi thịt đó như thế nào rồi mới cho ăn. Những đứa trẻ còn nhỏ, cho gì ăn nấy chứ chúng biết gì đâu, cứ ăn rồi đau bụng còn đứa lớn biết thối nên không thèm ăn nên bị đánh là chuyện bình thường. Bởi vậy mới có nhiều đứa bỏ mái ấm đi bờ, đi bụi”.
Để xác minh vụ việc, PV đã cải trang thành sinh viên tình nguyện, bảo mẫu giúp việc để vào mái ấm tìm hiểu, gặp gỡ những bảo mẫu, trẻ em, cha mẹ tới gửi trẻ trong chính mái ấm này. Như đã tìm hiểu trước, chúng tôi biết cần phải chú ý tới những ai làm “tay sai” cho bà Đơn để tránh và những ai có tấm lòng nhưng vì mưu sinh phải cam chịu làm việc để hỏi chuyện. Tại đây, chúng tôi đã tiếp xúc với cô X., cô N., họ là những bảo mẫu tận tụy, tận tâm. Sống trong mái ấm, họ phải e dè, nói năng phải chú ý đến “tai mắt” của bà Đơn. Với bản thân họ, một mặt làm việc để mưu sinh, mặt khác thương bọn trẻ, không muốn bỏ rơi chúng lần nữa.
Cùng giúp việc với các cô bảo mẫu, chúng tôi được dịp làm từ việc lau chùi nhà cửa đến may vá áo quần và cho bọn trẻ ăn. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ trong sáng mặc trên mình những chiếc áo quần mòn, tay cầm tô đến xin cho thêm ít thức ăn mà phải chịu sự mắng nhiếc của ông đầu bếp: “Mày ăn nhiều dữ mày!”. Rồi ông ta múc phát cho đứa bé một muỗng nước canh như bố thí. Khi được chúng tôi hỏi chuyện, cô X. liếc ngang, liếc dọc để dè chừng rồi nói một cách nhỏ nhẹ: “Trong này, ai làm việc nấy vậy thôi, không nên chú ý nhiều quá”. Liếc nhìn bọn trẻ rồi cô X. thốt lên một câu đầy ẩn ý: “Mình làm biết việc của mình, ai làm điều ác rồi sẽ phải đền tội thôi”.
Tủ lạnh được khoá bằng vòng sắt
Tới lượt, tôi cũng được ông đầu bếp phát cho một tô thức ăn chung với bọn trẻ. Nhìn thớ thịt trên tô, tôi nhớ ngay đến thịt thối mà chị T. đã nói. Nhìn lớp thịt da heo bên ngoài đã thâm đen, tôi cố cắn ăn xem mùi vị thế nào. Quả nhiên, thịt mềm và nát rệu ra không còn mùi vị của thịt heo. Liếc nhìn bọn trẻ ăn một cách dè sẻn trên bàn, đứa lớn thì bỏ toàn bộ thịt ra không ăn còn đứa nhỏ ăn một cách bình thường như để hoàn thành nhiệm vụ. Mọi việc đó tôi đã lường trước, nhưng điều làm tôi bất ngờ chính là những bảo mẫu, người lớn làm việc trong mái ấm đều ăn thức ăn riêng.
Sau bữa ăn, lúc mọi người nghỉ trưa, tôi “đột nhập” lên nhà nấu ăn để được tận mắt nhìn thấy thức ăn được cất giữ. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy một phần thịt nhỏ đã bốc mùi dành cho bữa tối, cạnh đó lại có chiếc tủ lạnh đã được khóa lại bằng nhiều vòng sắt chắc chắn. Tiếp đến, tôi lân la với bé H. (4 tuổi), bé chỉ cho tôi xem phòng chứa bánh kẹo, sữa hộp của các nhà hảo tâm cho cũng đã được bà Đơn khóa nhiều vòng sắt cẩn thận. Bé nói: “Mỗi lần đi ra ngoài là mẹ Đơn mang theo một ít, mẹ thường cho em đi theo nữa”.
Thực sự, mái ấm Hoa Mẫu Đơn được rất nhiều người quan tâm. Từ thứ 2 đến thứ 6 sẽ có một vài người tới thăm. Nhưng riêng vào 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật thì sẽ rất đông từ người thân cho đến người nước ngoài, Việt kiều tới thăm và tặng quà. Hai ngày này, bà Đơn sẽ không đi đâu mà ở nhà tiếp đón để nhận phòng bì bằng một giọng nói nhẹ nhàng phúc hậu và vuốt ve những đứa trẻ đầy tình yêu thương. Ấy vậy mà, có hai vợ chồng trẻ tới năn nỉ bà Đơn cho tới thăm con một chút nhưng lại bị bà cự tuyệt và nhất quyết rằng: “Khi nào mang đủ tiền thì hẵng tới đây”.
Nghi vấn chủ mái ấm với 8 ngôi nhà lớn Chị N.T.T. và các bảo mẫu trong mái ấm Hoa Mẫu Đơn cho biết: “Bà Phan Trần Thiên Đơn (chủ mái ấm Hoa Mẫu Đơn) vốn có nhiều năm sống ở nước ngoài nhưng sau một thời gian thì trở về Việt Nam và đi nhặt ve chai rồi sau đó lập nên mái ấm. Hiện tại, bà có khoảng 7 căn nhà lớn phân bố trên các quận Gò Vấp, 12, Tân Bình, Tân Phú… (TP.HCM) và 1 căn nhà đang tranh chấp với ông K. (được xem là người tình cũ của bà). Các ngôi nhà đều được cho thuê trọ. Theo lời đồn của dư luận, với một người từng đi nhặt ve chai và mở mái ấm như vậy thì những ngôi nhà đó từ đâu mà ra? Liệu có phải bòn rút được từ những năm mở mái ấm Hoa Mẫu Đơn hay không?”. |
Hạ Du - Hợp Phố