“Nhớ rõ câu đủ điều kiện đón con nha”
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã đến gặp bà Phạm Thiên Đơn tại mái ấm Hoa Mẫu Đơn để tìm hiểu thêm sự việc. Sau khi giới thiệu tên và nơi làm việc với bảo vệ của mái ấm, chúng tôi được anh này thông báo: “Đã cho cô Đơn biết”. Mặc dù vậy nhưng khoảng hơn 30 phút sau, bà Đơn mới xuống gặp chúng tôi. Vừa gặp chúng tôi, nét mặt bà Đơn thoáng nét lo âu và cho biết sẽ hẹn lại vào ngày hôm sau.
Đúng y lời hẹn, chúng tôi có mặt tại mái ấm Hoa Mẫu Đơn, vừa thấy chúng tôi xuất hiện, bà Đơn bảo: “Chờ cô một lát”. Khi chúng tôi chưa kịp trả lời, bà vội vã đi ngay. Sau 30 phút, bà dắt một người phụ nữ đến và giới thiệu là chị Nguyễn Thị Tuyết, bảo mẫu trẻ sơ sinh của mái ấm Hoa Mẫu Đơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây cũng là người rất thân cận với bà Đơn.
Nụ cười giả tạo của bà Đơn khi có người đến thăm. Ảnh internet.
Bắt đầu câu chuyện, chúng tôi tìm hiểu về sự việc mái ấm giữ bé K. mà không giao về cho ba mẹ ruột. Khi được hỏi về việc vì sao bé K. không được đoàn tụ với gia đình, bà Đơn cho biết: “Sau một thời gian cũng không bao lâu, tôi cho đến thăm con (ngụ ý nói gia đình chị V. - PV), họ thấy đứa trẻ quá đẹp, tôi không biết ý trong của họ như thế nào. Lần thứ nhất, chính tôi cho đến thăm con. Lần thứ hai, họ đòi con tôi bảo khi nào em có điều kiện em bồng cháu về. Bây giờ đưa cháu về không đủ điều kiện thì lấy gì nuôi con của mình. Để con ở đây chị vẫn cho thăm đàng hoàng. Không như những nơi khác bán con cho người này bán con cho người kia”.
Mặc dù quy định của bà Đơn rất rõ ràng, nhưng thực chất vẫn có điều kiện trói buộc để không bị mất trẻ. Bà nhấn nhá khá rõ yêu cầu khi đưa trẻ về: “Cho tới một ngày nào đó em đủ điều kiện nha”. Giọng bà Đơn gằng lại bà nói tiếp: “Nhớ rõ câu đủ điều kiện”. Thấy thế chúng tôi mới hỏi, đủ điều kiện là như thế nào, bà đáp gọn lỏn: “Đủ điều kiện là nuôi cháu được một cách tốt nhất”.
Theo ý của bà Đơn, đủ điều kiện của bà thực chất là cách bắt gia đình chị V. đưa cho bà số tiền 15,5 triệu đồng. Bà lấy số tiền với lý do như sau: “Cô (ngụ ý ám chỉ chị V., mẹ bé K.) ngày 14-15 đưa đơn ra phường. Chị đồng ý trả lại bé, cô ấy nói là cô đủ điều kiện. Tôi xin lại số tiền 4 triệu, đồng thời mỗi tháng 2,5 triệu cho chị, công nuôi dưỡng cháu bé. Cô ấy hẹn ngày 31/8 nhận con, từ đó về sau tôi không thấy phường gọi tôi”.
Rồi bà Đơn kể tiếp: “Cách đây hai hôm, cô ấy nói đến thăm con, thì tôi nói: Em ơi em đã đưa chuyện này ra phường thì em cứ xin giải quyết, chị ở đây hoàn toàn không biết gì hết. Em cứ ra phường khiếu nại, giải quyết thế nào để rồi phường mời chị. Chị mới làm việc được. Trước đây, chúng ta thỏa thuận với nhau thì em không chịu thỏa thuận. Bây giờ em đưa ra phường rồi thì phường mới có quyền trên chị”.
“Đừng có mang chính quyền ra hù dọa”
Theo theo tìm hiểu của chúng tôi, mái ấm Hoa Mẫu Đơn được UBND quận Tân Phú cho phép thành lập vào ngày 24/8/2010, số 2584/QĐ-UBND. Tuy nhiên, khi thành lập, bà Đơn đã làm biến tướng mái ấm của mình để trở thành nơi mua trẻ. Mặc khác, dùng trẻ nhỏ để trục lợi tình thương và lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân. |
Cách lý giải của bà Đơn thực sự chỉ là cách ép buộc gia đình của bố mẹ bé K. vào đường cùng. Vì bà Đơn nhận biết gia đình của bé K. thật ra rất nghèo, họ không có đủ số tiền đưa cho bà Đơn, thứ mà họ có duy nhất đó là tình thương con, nhưng vì trong lúc gia cảnh ngặt nghèo đành phải nhờ bà nuôi giúp. Bởi họ tin vào lời hứa ngày xưa là có thể nhận lại con của bà Đơn. Nhưng thực tế khá phũ phàng khi mái ấm Hoa Mẫu Đơn là nơi có đường vào mà không có đường ra. Trong buổi trò chuyện của chúng tôi, khi bà Đơn vừa đi khỏi, bà Tuyết tiết lộ bản chất thật sự của mái ấm: “Cô Đơn làm khó hai vợ chồng này để bảo vệ thằng K. thôi, tại vì mái ấm này không bao giờ cho bé đi hết, chỉ vô chứ không có ra”. Đừng có hòng mang chính quyền ra hù dọa”.
Khi chúng tôi thắc mắc: “Từ trước đến nay có trường hợp bé nào vào đây mà được bố mẹ xin ra chưa?”. Thì bà Đơn kể lại rành rọt: “Trong trường hợp mẹ bán con. Bán cho chị. Chị mới nói: nếu mà bán cho người ngoài, thay vì bán cho người ngoài thì bán cho chị đi! Chị cũng sẽ có cơ may cho gia đình gặp lại”. Rồi bà kể tiếp: “Chị biết hoàn cảnh của cô ấy, vì giận chồng, giận gia đình chồng như thế nào rồi bán đứa bé đó. Cô ấy (chỉ người bán con) nói 5 triệu đồng thì chị cũng đồng ý vấn đề 5 triệu đồng. 3 tháng sau người chồng mới đi kiếm cô ấy về, biết được bé gái đó ở trong mái ấm chị. Chị cho làm giấy tờ đưa cháu bé ra”.
Giấy khai sinh của bé K..
Lương tâm ở đâu?
Chúng tôi hỏi khi đưa ra có tốn tiền không? Bà Đơn trả lời: “Có. Phải trả cho chị số tiền chứ. Lúc đó chị không lấy tiền công, chị không lấy tiền gì hết. Chị chỉ xin 5 triệu đồng vì chị đã đưa cô ấy 5 triệu đồng, thì trả lại chị 5 triệu đồng”. Khi chúng tôi hỏi có nhớ năm nào không bà Đơn chỉ lắc đầu. Rồi bà nói tiếp: “Có những trường hợp cháu Đăng, mẹ cháu là người vô gia cư ở Bình Triệu thời gian đó chị ở bên quận 8. Chị đưa cháu bé về nuôi, đưa mẹ về nuôi để sanh đẻ. Sau khi sanh đẻ xong cô ấy cũng muốn bán con. Bán con thì cứ giữ con ở đây, cô có đi làm gì thì làm. Thời gian sau cô ấy có tìm lại mái ấm và biết con mình ở đây nhưng cô ấy không đưa con về”. Đó là cách bà Đơn dụ dỗ các bà mẹ trẻ để con lại cho mình. Bà cũng không quên phòng ngừa về sau khi ba mẹ đòi lại con nên bắt họ phải làm đơn bán con cho bà. Không ít người đã vấp phải chiêu lừa bán con này của bà Đơn.
Kết thúc buổi trò chuyện, bà Tuyết nói: “Nhiều khi nghĩ đứa bé vô phước lại gặp phước, tụi nó chẳng thiếu gì hết, thậm chí cô nghĩ những đứa trẻ bình dân ở ngoài không bằng trẻ trong đây, không thiếu gì hết từ đồ chơi, thuốc ho, sốt...”. Chúng tôi nghe mà cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn trong lòng. Hình ảnh những đứa trẻ ốm tong teo lởn vởn trước mắt. Trong khi thức ăn thì đầy ắp trong tủ lạnh, trong kho chứa đồ... nhưng các bé thì không được phép ăn vì sự khắc nghiệt của bà Đơn. Sở dĩ bà không cho trẻ ăn vì bà biết rằng nếu để trẻ béo tốt thì các nhà hảo tâm không cung cấp tiền, thức ăn như trước nữa, bà sẽ không kiếm được nguồn thu nào cho mái ấm. Không biết làm như thế lương tâm của bà nằm ở đâu?
Câu chuyện của chúng tôi tiếp tục với việc chế độ dinh dưỡng, chế độ khám bệnh cho bé. Bà cam đoan rằng mái ấm của mình nuôi trẻ rất tốt với các giấy khám bệnh được đưa ra. Khi tôi đề cập đến vấn đề sức khỏe của các bé đều bị suy dinh dưỡng, chứ không đúng như những gì bà đề cập thì bà Đơn giận dữ tuyên bố: “Mạnh khỏe là không đi bệnh viện, không đi trạm y tế, cháu không bị bệnh”.
Các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ Sự việc sai trái mà bà bắt mẹ bé K. đưa tiền rồi mới được nhận được con được chúng tôi chất vấn phòng LĐ-TB&XH quận Tân Phú và được ông Phạm Thanh Xuân, Phó Trưởng phòng trả lời như sau: “Luật không quy định... Đâu có quy định trường hợp nhận trẻ nuôi, khi ra lại đòi tiền. Ví dụ gia đình người ta làm ăn khá giả, nếu anh nuôi con người ta tốt người ta muốn ủng hộ để nuôi những cháu khác thì mình chấp nhận. Đúng không? Còn ra điều kiện, ra giá thì là biến tướng của mua bán rồi. Mà biến tướng của mua bán là vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để làm rõ”. |
Hợp Phố - Du hạ
Kỳ tới: Hạnh phúc vỡ òa của cặp vợ chồng giành lại được con từ mái ấm