Mai Linh “ngã ngựa”, vì đâu nên nỗi?

Mai Linh “ngã ngựa”, vì đâu nên nỗi?

Thứ 4, 02/01/2013 11:26

Những ngày qua, các phương tiện thông tin truyền thông đưa tin tập đoàn Mai Linh đang thiếu nợ hàng trăm tỉ đồng nhưng chưa có phương án giải quyết thoả đáng nợ nần với các chủ nợ (nhà đầu tư). Từng là doanh nghiệp hùng mạnh trong lĩnh vực vận tải, nay bỗng dưng đứng trước nguy cơ vỡ nợ, hàng chục nghìn lao động của doanh nghiệp này đang đứng trước nguy cơ trắng tay. Đâu là nguyên nhân khiến một doanh nghiệp như Mai Linh "ngã ngựa"?

Thêm một đại gia  "ngã ngựa"

Trước khi tập đoàn Mai Linh lao vào vòng xoáy nợ nần, trong năm 2012 đã có khá nhiều doanh nghiệp đại gia lâm vào tình cảnh khốn khổ, vỡ nợ. Từ công ty Bianfishco kinh doanh thủy, hải sản đến tập đoàn Thái Hòa Việt Nam kinh doanh cà phê đều chìm trong nợ nần. Những ngày cuối năm này lại chứng kiến thêm một doanh nghiệp đại gia khác là Mai Linh đang đứng bên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất lên tới hàng trăm tỉ đồng. Việc ngập trong nợ nần của Mai Linh đã khiến hàng chục nghìn lao động của doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ trắng tay, mất tết.

Thành lập từ năm 1993, sau gần 20 năm phát triển, Mai Linh vượt lên là doanh nghiệp hàng đầu về vận tải ở Việt Nam, đặc biệt nổi tiếng với thương hiệu taxi Mai Linh với hơn 12.000 đầu xe. Tuy nhiên, một điều khiến dư luận không khỏi bất ngờ, từ một người khổng lồ, hiện nay Mai Linh đang "ôm" nợ gần 600 tỷ đồng, chậm lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động, đặc biệt, vốn vay từ các đối tác khác, khó có khả năng trả nợ.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, công ty CP Tập đoàn Mai Linh có khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 469 tỷ đồng, bằng phân nửa so với vốn điều lệ 876 tỷ đồng (ở thời điểm hiện tại) của công ty. Trước gánh nợ khổng lồ đó, nguy cơ Mai Linh theo chân các đại gia khác tan vỡ đang hiển hiện trước mắt.


Bất động sản - Mai Linh “ngã ngựa”, vì đâu nên nỗi?

Mai Linh đang trong tình cảnh bị mắc kẹt.

Cho dù đang đứng đầu cả nước về thị phần dịch vụ taxi với khoảng hơn 12.000 đầu xe, nhưng Mai Linh lại đang phải khất nợ từng nhà đầu tư. Thê thảm hơn, doanh nghiệp nổi tiếng này không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn. Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp đang tính đến việc vay tiền của 28.000 lao động trong công ty để trả nợ, cứu doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh vỡ nợ như hiện nay. Ngoài ra, doanh nghiệp này đang cố gắng bán đi khoảng 1/10 "cần câu cơm", tương đương với hơn 1.000 xe để lấy tiền trả nợ.

Xác nhận thông tin nguy cơ vỡ nợ, ông Hồ Huy, Chủ tịch tập đoàn Mai Linh cho biết, hiện Mai Linh đang vay tiền của khoảng 800 người với tổng số vốn vay khoảng 500 tỉ đồng. Số vốn vay này dùng làm nguồn vốn lưu động và đầu tư cho hoạt động vận tải. "Đây là nguồn vốn ngắn hạn nhưng chúng tôi lại đem đi đầu tư dài hạn từ 5-10 năm nên không thể nào xử lý được. Đầu tư một chiếc taxi phải sau 5 năm mới thu hồi vốn, lúc này chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả" - ông Huy nói.

Vì đâu nên nỗi?

Liên quan đến nguy cơ vỡ nợ, phá sản của tập đoàn vận tải này, ông Hồ Huy thẳng thắn thừa nhận: "Đã có những sai lầm trong việc đầu tư của Mai Linh", mặt khác việc doanh nghiệp vay nợ nhà đầu tư với lãi suất quá cao đang đẩy Mai Linh vào chỗ khó. "Chúng tôi vay vốn từ người dân với lãi suất 18-25%, nhưng công ty mẹ Mai Linh rót vốn vào gần 60 công ty con khắp cả nước với tổng số vốn hàng nghìn tỉ đồng. Những năm qua, các công ty con chỉ trả cổ tức cho công ty ở mức 3-5%/năm. Phần chênh lệch lãi suất này khiến chúng tôi lỗ nặng". Ông Hồ Huy cho biết.

Ngoài ra, cũng theo ông Hồ Huy, Mai Linh là doanh nghiệp có số xe taxi nhiều nhất cả nước, phát triển hệ thống khắp Bắc, Trung, Nam, doanh thu cũng vào hàng lớn nhất nhưng tại thị trường lớn nhất nước là TP.HCM lại để tuột xuống vị trí thứ hai. Ông Huy cũng thừa nhận, việc thành lập mô hình công ty mẹ - con cũng là bước đi sai lầm của doanh nghiệp, vì như thế sẽ phát sinh chi phí, bộ máy cồng kềnh.

Sự mở rộng không ngừng của Mai Linh trong vài năm gần đây với số đầu xe liên tục tăng, đứng đầu cả nước, với gần 60 công ty con rồi việc mua các bất động sản làm trụ sở, trạm dừng chân và việc đầu tư vào vận tải đường dài... trong khi lãi từ công ty con trả về cho công ty mẹ không đủ bù lãi trả cho người góp vốn đã khiến DN lao đao vì nợ nần, do đến hạn không trả được.

Việc trong năm qua, hàng chục doanh nghiệp lớn lâm vào phá sản, vỡ nợ đã khiến những doanh nghiệp phát triển "nóng" đang lo lắng cho số phận của mình. Đi tìm nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này, chúng tôi đã có cuộc chia sẻ với bà Đinh Thị Phượng, giám đốc trung tâm Phát triển Doanh nhân Việt Nam (Hiệp hội DNVVN Việt Nam). Theo bà Phượng, việc doanh nghiệp lạm dụng đòn bẩy tài chính một cách quá đà để phát triển là sai lầm, nếu cứ lạm dụng điều đó thì việc doanh nghiệp chìm ngập trong nợ nần là điều khó tránh khỏi. Bà Phượng dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau, có những doanh nghiệp mạo hiểm vay gấp hàng chục lần so với vốn tự có. Vì thế, đến khi làm ăn trục trặc, nguy cơ vỡ nợ rất cao.

"Bài toán phát triển nóng, đầu tư vốn dàn trải, không cân đối được nợ ngắn hạn, dài hạn nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lấy vốn ngắn hạn để đầu tư cho dài hạn. Nếu thuận lợi, trên đà phát triển thì không sao, nhưng chỉ một lúc "ốm yếu" lại gặp nhà đầu tư đến đòi nợ thì sẽ vô cùng nguy hiểm vì tiền anh đã lỡ đầu tư rồi, chưa thu hồi được. Như vậy thì lấy đâu ra tiền để trả nợ. Mai Linh đang ở trong tình cảnh như vậy", bà Phượng lý giải thêm.

"Có thể thấy, khi nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp dễ dàng rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính. Hàng loạt vụ vỡ nợ, đổ vỡ trên phạm vi cả nước mà mới đây nhất là vụ việc của tập đoàn Mai Linh là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Tình trạng này có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2013, bởi tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao. Tham vọng phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp đã mang lại những hậu quả đáng tiếc", bà Phượng cảnh báo.

Hà Khê

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.