Giữa vô vàn các gian hàng hoa, cây cảnh Tết tại Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), những nhánh mai rừng mang vẻ đẹp thuần khiết đã trở thành điểm nhấn, thu hút nhiều người dân, du khách đến xem, mua về đón Tết.
Theo đó, tại một ngã ba đường Nguyễn Tất Thành (Tp.Buôn Ma Thuột), mọi người không khó bắt gặp hình ảnh người dân bày bán những nhánh mai rừng bắt đầu nở hoa, khoe sắc.
Khác với những loài hoa, cây cảnh khác, những nhánh mai rừng không được đặt trong các chậu kiểng sang đẹp nhưng với vẻ đẹp tự nhiên đã hấp dẫn những người chơi hoa ngày Tết.
Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Chảo Kim Sơn (55 tuổi, trú xã Hòa Phú, Tp.Buôn Ma Thuột) - một người bán mai rừng. Ông Sơn cho biết, để có được những nhánh mai rừng này, từ tháng 11 âm lịch, ông và nhóm “thợ săn” tại địa phương đã đùm cơm, nước, lặn lội vào rừng thuộc địa bàn huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), cách nhà hơn 30km để tìm mai.
“Vì đường sá xa xôi nên chúng tôi phải đi từ lúc 2-3 giờ sáng. Sau đó, vượt sông, rồi đi tiếp quãng đường dài nữa mới đến được cửa rừng. Ngay khi vào rừng, mỗi người tản ra một hướng, bắt đầu hành trình tìm mai rừng. So với trước đây, mai rừng bây giờ hiếm lắm, có ngày đi mỏi cả chân mới thấy nhưng cây không đẹp. Tôi thường chọn một vài cành ưng ý, đã có nụ rồi luồng rừng đi về trước khi trời tối để không bị lạc đường. Thế nhưng, cũng có hôm đi khắp các cánh rừng nhưng không tìm được cành mai nào, tôi đành phải trở về tay không. Chưa kể, trong quá trình săn mai rừng, nhiều người bị lạc đường, đối diện với không ít mối nguy hiểm từ rừng già như rắn, côn trùng”, ông Sơn chia sẻ.
Mỗi khi săn được mai rừng, ông Sơn mang về nhà, lặt lá và chăm sóc cẩn thận trong khoảng thời gian hơn một tháng. Đến khi mai rừng ướm nụ nhiều và bắt đầu nở hoa, ông mới mang xuống phố Buôn Ma Thuột bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng, tùy gốc to nhỏ, thế đẹp. Theo ông Sơn, phải có bí quyết chăm sóc đặc biệt thì những nhánh mai rừng mới sống được, nở hoa kịp Tết.
Ông Sơn cho biết, dù bản thân gặp khó khăn trong việc đi lại do một chân bị teo cơ từ nhỏ nhưng hơn 30 năm nay, ông vẫn miệt mài đi săn mai rừng về bán.
“Săn mai rừng không chỉ là nghề mưu sinh, kiếm thêm chút tiền cho gia đình sắm Tết mà còn là niềm đam mê của tôi nhiều năm nay. Do đó, dù đôi chân bước thấp, bước cao nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc đi rừng của bản thân” – ông Sơn nói.
Tương tự, ông Trần Ngọc Tùng (SN 1972, trú xã Hòa Phú, Tp.Buôn Ma Thuột) cũng đi săn mai rừng về bán từ thuở còn thanh niên. Theo ông Tùng, mai rừng có 5 cánh, thưa nụ hơn các loại mai ghép nhưng cánh nở to hơn và mang vẻ đẹp riêng, tinh khiết.
“Từ xa xưa, mọi người đã xếp hoa mai vào loại hoa quý nhất trong các loài hoa. Mai thường nở hoa rực rỡ vào mùa xuân khi tiết trời ấm áp. Hoa mai cũng tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Đây cũng là loài hoa biểu tượng của sự sống động, vui vẻ và hy vọng. Do đó, cứ vào dịp cuối năm, tôi thường rủ 3-4 người có chung niềm đam mê, vào rừng săn mai. Mỗi chuyến đi như vậy, “thợ săn” chỉ đem được vài cành về do đường rừng hiểm trở”, ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, trước đây, do không có phương tiện, đường sá đi lại khó khăn nên ông và mọi người phải đi xe đạp vượt qua nhiều chặng đường hiểm trở, lội sông, suối mới vào được các cánh rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để săn mai. Do đường xa nên phải ở lại trong rừng mấy ngày mới về. Trong quá trình đi săn mai rừng, không ít lần, ông bị té ngã, trầy xước đầy mình. Dù vậy, hàng chục năm nay, việc săn mai rừng đã trở thành niềm đam mê của ông Tùng và nhiều người dân tại xã Hòa Phú. Vui hơn, khi những nhánh mai rừng tìm được chủ nhân mới đã giúp ông và gia đình có một cái Tết ấm no.
Khánh Ngọc