Chuyện chưa kể của những thầy giáo dạy nghề cho trẻ khuyết tật
Ngày học cuối cùng năm học 2022 – 2023, thầy Dương Công Chiến, Phó Giám đốc trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật Nghệ An, ít nói hẳn, đi gặp từng học sinh để vỗ về động viên trước khi các em trở về với gia đình. Gần 35 năm làm việc tại đây, chính thầy cũng không ngờ mình lại gắn bó với trung tâm lâu đến như vậy.
“Không hiểu sao mỗi khi kết thúc một năm học, các em chuẩn bị về gia đình thì tôi lại thấy lo lắng. Gần một năm các em ở trung tâm, chúng tôi quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ. Nên dù biết các em về nhà vẫn cảm thấy không an tâm”, thầy Chiến cười.
Thầy tâm sự, vốn tốt nghiệp ngành sư phạm Vật lý, trường Đại học Vinh, vì vậy thầy cũng không ngờ cuộc đời mình lại đi sang ngã rẽ như thế này. “Ra trường là tôi về luôn trung tâm, dạy rất nhiều thế hệ, phụ trách rất nhiều môn học, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn tự học, tự tìm tòi các phương pháp bởi mỗi em là mỗi cách truyền đạt, không thể áp dụng rập khuôn được”, thầy Chiến nói.
Năm học 2022 – 2023, trung tâm có gần 250 em, thì có tới 148 học sinh ở nội trú. Mỗi em đến trung tâm là một cảnh đời, bị một căn bệnh và biểu hiện khác nhau. Vì vậy, hàng ngày ngoài điều trị và dạy ngôn ngữ, các giáo viên còn chăm lo từ việc vệ sinh cá nhân đến ăn ngủ của các em.
“Khi mới vào trung tâm, các em khuyết tật (câm, điếc, khiếm thị, khuyết tật vận động) sống khép nép và rất mặc cảm, tự ti. Ðể các em hòa nhập được với cộng đồng, khi trưởng thành có việc làm, cán bộ, giáo viên của trung tâm phải rất tâm huyết trong việc nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy ngôn ngữ ký hiệu và dạy kỹ năng sống cho các em”, thầy Chiến nói.
Công việc này với các nữ giáo viên vốn đã vất vả, thì đối với nam giáo viên càng khó khăn hơn nhiều, khi cần sự khéo léo và cần mẫn. Cũng vì vậy, các nam giáo viên thường trêu đùa nhau, dạy các em mà mái tóc không có vài sợi bạc thì vẫn chưa thể thành công.
Đứng phía sau hội trường để quan sát các em học sinh tập văn nghệ cho buổi bế giảng năm học, thầy Hồ Đức Thành không khỏi vui mừng khi thấy từng em tiến bộ vượt bậc so với đầu năm. Hơn 22 năm giảng dạy tại trung tâm, thầy Thành đã cùng khóc, cùng cười, cùng tập nói với những em nhỏ khuyết tật nơi đây.
Theo thầy Thành, hiện tại, từ chương trình đào tạo nghề chung, các giáo viên nơi đây phải tự xây dựng riêng cho mình giáo án giảng dạy. Bởi đặc thù của đào tạo nghề cho người khuyết tật là cầm tay chỉ việc, là giúp các em bắt chước hành động của mình để lâu dần công việc này trở thành thói quen của các em. Công việc này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian.
“Tuy gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng chứng kiến sự nỗ lực vươn lên của mỗi học sinh, thì chúng tôi cảm thấy có động lực để vượt qua tất cả, hướng đến mục tiêu chung là trang bị nghề và tạo việc làm cho các em”, thầy Thành cho hay.
Dạy nghề cho các em vốn đã quan trọng, nhưng ổn định tâm lý và giúp các em tự tin hòa nhập với xã hội càng quan trọng hơn. Sau những giờ lên lớp, các thầy, cô giáo lại trở thành người bố, người mẹ hiền, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho những học sinh đặc biệt. Cũng vì vậy, thời gian thầy Thành ở trung tâm còn nhiều hơn ở nhà. Đêm nào thầy cũng phải đi kiểm tra các phòng ngủ một lượt mới an tâm lên giường nghỉ ngơi dù cả ngày đã mệt rã rời.
Còn đó những khó khăn…
Ông Phan Bùi Hải, Giám đốc trung tâm giáo dục - dạy nghề người khuyết tật Nghệ An cho biết, song song với giảng dạy bổ túc từ lớp 1 đến lớp 5, trung tâm còn chú trọng đào tạo các ngành nghề như: may cơ bản, may công nghiệp, đồ mộc dân dụng và mỹ nghệ, thêu đan và vi tính… Hàng năm, trung tâm cho ra trường 50 - 60 em học sinh đã học xong chương trình văn học bậc tiểu học và có trình độ nghề cơ bản, có khả năng hành nghề và tìm kiếm việc làm, trong đó 30 - 35% em có việc làm, có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, theo giám đốc trung tâm, mặc dù đã được các cơ quan tỉnh, sở LĐ-TB&XH, Bộ LĐ-TB&XH, các tổ chức, cá nhân quan tâm nhưng vẫn còn quá nhiều khó khăn như: Cơ chế chính sách đối với công tác giáo dục, dạy nghề còn bất cập; Kinh phí theo định mức mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao quá thấp, chế độ phục vụ nội trú quá khó khăn; Chương trình khung đối với dạy nghề, sách giáo khoa đối với dạy văn hóa chuyên biệt cho học sinh khuyết tật còn thiếu…
“Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được bổ sung, đầu tư tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn còn thiếu, một số trang thiết bị quá thời gian quy định sử dụng hay hỏng hóc như: máy học nghề mộc, nghề may. Trung tâm phải tận dụng sửa chữa để đảm bảo cho học sinh thực hành và học tập…”, ông Hải nói.
Đặc biệt, gần 100 em dưới 14 tuổi ở đây gia đình vẫn đang phải đóng 1.050.000 đồng/tháng tiền ăn. Trong khi phần lớn hoàn cảnh gia đình của các em còn vô cùng khó khăn. Nhiều em ở khu vực miền núi, bố mẹ chủ yếu làm nương rẫy, nhưng vì các em khuyết tật nên đã gửi xuống trung tâm nhờ thầy cô giúp đỡ dạy học.
Một điều trăn trở nữa là ngoài số ít các em tìm được việc làm tại một số doanh nghiệp “kết nghĩa” với trung tâm, các hiệu may tư nhân… thì còn rất nhiều học sinh vẫn chưa thể tìm được việc làm do nhiều đơn vị “ngại” thuê các em khuyết tật.
“Hiện tại chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm cho các em nhưng phải thừa nhận là rất khó. Chúng tôi chỉ có cách nhận một khâu nào đó trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp may mặc về cho các em làm. Vừa tạo điều kiện cho các em được thực hành nhiều hơn, vừa giúp các em có thêm thu nhập. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn về lâu về dài chúng tôi vẫn cần sự quan tâm hơn của xã hội”, ông Phan Bùi Hải cho biết thêm.
Trước thềm ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, nằm trong chương trình giải đấu Tennis Báo chí Nghệ An lần thứ 4 năm 2023, hướng tới kỉ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 24/5, Câu lạc bộ Tennis Báo chí Nghệ An đã có mặt tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật Nghệ An trao tặng 5 triệu đồng tiền mặt, 50 thùng sữa và nhiều bánh kẹo.
Nhà báo Nguyễn Cảnh Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ đã gửi những lời chia sẻ về sự khó khăn, trắc trở của các em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, mong mỏi các em luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, học tập tốt và hiện thực được những ước mơ của bản thân. Những món quà tuy không lớn, nhưng đó là tình cảm, là sự san sẻ và khích lệ để các em nhỏ khuyết tật luôn cảm thấy sự động viên, khích lệ từ đội ngũ những người làm công tác báo chí nói riêng, cộng đồng nói chung.