Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày các gia đình thường làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.
Nếu như nhiều gia đình thường lựa chọn đúng ngày 23 tháng Chạp mới làm lễ, thì gia đình cô Phương Phi Yến (52 tuổi, Thụy Khuê, Hà Nội) lại lựa chọn làm lễ cúng ông Công ông Táo vào chiều tối ngày 22/12.
Theo quan niệm của cô Yến: “Các ông Táo phải đi lên chầu trời trước ngày 23 nên gia đình tôi năm nào cũng vậy, đều làm lễ từ chiều tối đến 11h hóa các bộ quần áo, hóa vàng mã sau đó chờ đến 12h đêm mới mang cá chép ra Hồ Tây Thả”.
Cô Yến cho biết, để làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, gia đình cô cũng không quá cầu kỳ, ở nhà cô có chồng và con gái phụ giúp còn việc khấn vái các cụ là công việc của cô.
Một mâm cúng ông Công ông Táo của gia đình cô Yến gồm những món như: Ba bát cơm đơm đầy, xôi, gà rán (gia đình cô không làm món gà luộc trong dịp lễ này), cá rán, một bát canh, một đĩa nem... và những lễ vật hóa vàng như mũ, áo.
Chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, cô Yến cho hay: “Năm nào cũng vậy gia đình tôi cũng đi thả cá chép vào 12h đêm, việc làm này đã được truyền từ các cụ ngày xưa và cho đến nay, trải qua nhiều thế hệ gia đình tôi vẫn luôn giữ truyền thống ấy, không có sự thay đổi”.
Với cô Yến và cả gia đình, mâm cúng ông Công ông Táo vừa thể hiện lòng thành kính của mình với tổ tiên, đồng thời cũng vừa thể hiện sự mong muốn những vị Táo Quân lên chầu trời báo cáo những việc làm tốt của gia đình trong năm qua và nói giảm những việc làm chưa được tốt để từ đó mọi người tiếp tục phấn đấu trong năm tới.
Xem thêm:
Cúng ông Công ông Táo ngày nào, giờ nào là chuẩn nhất?
Mâm cúng ông Công ông Táo không thể thiếu những lễ vật này
Vì sao cúng ông Công ông Táo lại chỉ thả cá chép?
Bạch Dương