Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là một trong những nghi lễ quan trọng của mọi gia đình Việt. Vào ngày này, người dân Việt Nam làm mâm cúng ông Công, ông Táo để thể hiện tấm lòng thành kính trước khi các vị thần về chầu trời. Ngoài những điểm tương đồng mỗi vùng miền vẫn có những nét khác biệt cơ bản sau.
Mâm cúng ông Táo ở miền Nam
Mâm cúng ông Táo miền Nam ngoài những món chủ đạo còn có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy” (là hình con cò và con ngựa cắt bằng giấy).
Tết Táo Quân trong Nam không có tục trút lư nhang để thay cọng nhang, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ.
Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm trái cây đơn giản, gồm những loại quả nhiều màu sắc là đủ.
Mâm cúng ông Táo ở miền Bắc
Không chỉ có vàng mã, cá chép nhiều nơi còn cúng xôi chè, thường là chè bà cốt. Khi nấu chè cúng người ta cố ý để chè vương lên ông đầu rau, thậm chí chủ động bôi chè lên đầu rau để Táo Quân lên Trời tâu bày cho ngọt giọng.
Táo Quân được thờ trên bàn thờ riêng cao hơn bàn thờ tổ tiên, trên đó thờ bộ mũ, hia. Sau khi cúng bái, đốt vàng mã, người ta cũng thay ba ông đầu rau trong bếp bằng cách thả xuống ao và thay bộ mới vào bếp, thay bộ mũ trên bàn thờ.
Người ta quan niệm đây là thời gian nghỉ ngơi, bàn giao của Hành khiển và Táo Quân nên các gia đình cũng bao sái các bàn thờ trong gia đình, đốt hết chân nhang cũ, lau chùi bát hương, ban thờ sạch sẽ để chuẩn bị đón năm mới.
Ngày nay nhiều nơi còn bày cỗ cúng gia tiên và đây cũng là dịp để con cháu về đoàn tụ vui vẻ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của năm vừa qua.
Do bận rộn, nên mâm cúng ông Táo ngày nay đơn giản hơn rất nhiều, đa số các món trong mâm cúng như bánh chưng, giò, nem thì đã có bán sẵn, còn thịt đông, cá kho, hành muối làm từ trước hoặc thậm chí cũng có thể mua sẵn, đến đúng hôm đó thì chỉ cần luộc gà, nấu canh, làm món xào nóng là xong.
Thanh Bình (t/h)