Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, chiều 18/9 (rạng sáng 19/9 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định "chốt hạ" đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Theo đó, Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, từ mức cao nhất trong 23 năm, 5,25-5,5%/năm xuống còn 4,75-5%/năm. Đồng thời phát tín hiệu giảm thêm 200 điểm tới năm 2026. Trước đó, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất từ tháng 3/2022-9/2023, từ mức thấp kỷ lục 0-0,25%/năm lên 5,25-5,5%/năm.
Như vậy, nước Mỹ đã cắt giảm 50 điểm cơ bản đúng như dự báo của thị trường, trong nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm trên thị trường lao động. Tuy nhiên, điều này khá nhanh so với những gì mà Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố trước đó. Cụ thể, trong cuộc họp báo tháng 7, Chủ tịch Powell cho rằng, việc cắt giảm 50 điểm cơ bản "không phải là điều chúng tôi đang nghĩ đến ngay lúc này".
Vài tháng gần đây, thị trường lao động Mỹ có những tín hiệu kém tích cực, số lượng việc làm mới không được như mong đợi.
Về tín hiệu thị trường, biểu đồ dot-plot - thể hiện dự báo về lãi suất của các thành viên, cho thấy Fed sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản cho tới cuối năm 2024, giảm thêm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 và 50 điểm cơ bản vào năm 2026.
Sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết, cơ quan này có thêm niềm tin rằng lạm phát “đang tiến tới mức 2% một cách bền vững”, và đánh giá các rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát đã cân bằng.
Fed cũng nhận định, tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp. Fed dự báo, thất nghiệp trong năm 2024 sẽ tăng từ mức 4% (dự báo hồi tháng 6) lên 4,4%. Lạm phát dự báo về mức 2,3%. Tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn khá tốt, dự báo đạt 3% trong quý III. Tiêu dùng tại Mỹ vẫn ở mức cao.
Giá vàng biến động trái chiều
Quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm được cho là sẽ ảnh hưởng đến chi phí vay ngắn hạn của ngân hàng, sau đó tác động lan tỏa tới nhiều sản phẩm tiêu dùng như lãi suất vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng. Quyết định của Fed ngay lập tức tác động tới các thị trường tài chính, tiền tệ và hàng hóa. Giá vàng tăng vọt lập kỷ lục cao mới nhưng rồi lao dốc ngay sau đó, trong khi chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) trong phiên đêm qua có lúc giảm về mức 100,5 điểm sau đó tăng trở lại lên 101 điểm, trước khi về mức 100,9 điểm vào đầu giờ sáng 19/9 (giờ Việt Nam).
Mức biến động không nhiều. Trước đó, thị trường đã phản ánh kỳ vọng giảm của đồng USD. Chỉ số DXY ở mức 103 điểm hồi giữa tháng 8 và 106,25 điểm hồi cuối tháng 4.
Đêm qua, giá vàng giao ngay lập đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại mới, ở mức hơn 2.595 USD/ounce, sau đó hạ nhiệt và tới đầu giờ sáng 19/9 còn 2.559 USD/ounce.
Chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm
Chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm nhẹ sau khi liên tục lập đỉnh cao kỷ lục thời gian gần đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 100 điểm (-0,25%) xuống 41.503,1 điểm. Trong phiên, chỉ số này có lúc tăng hơn 375 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm gần 0,3%.
Giới đầu tư e ngại kinh tế Mỹ suy thoái dù Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết không thấy bất cứ điều gì trong nền kinh tế hiện nay cho thấy khả năng suy thoái đang gia tăng.
Như vậy, quyết định giảm lãi suất đã có, định hướng cũng khá rõ ràng. Giới đầu tư cần thời gian để mổ xẻ thêm những tín hiệu chính sách và hướng đi của dòng tiền.
Vàng vẫn được dự báo sẽ tăng tiếp vì lạm phát có thể tăng trở lại, cùng với sự quyết liệt trong cuộc đua vào Nhà Trắng tại Mỹ, căng thẳng địa chính trị chưa có lối ra tại nhiều khu vực trên thế giới.
Chứng khoán Mỹ dự báo vẫn khá ổn do kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu rõ rệt nào suy yếu.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 kết thúc phiên tăng 176,95 điểm, tương đương 0,49%, lên mức 36.380,17 điểm, dẫn đầu nhờ hoạt động mua vào của các nhà xuất khẩu do đồng Yên suy yếu.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng trước quyết định cắt giảm lãi suất của Fed.
Thị trường chứng khoán Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Jakarta của Indonesia, Wellington của New Zealand, Manila của Philippines và Sydney của Australia đều đi ngang; trong khi thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) và Seoul của Hàn Quốc đều đóng cửa nghỉ lễ.
Tại thị trường Thượng Hải của Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng điểm sau khi các nhà đầu tư quay trở lại sau 4 ngày nghỉ lễ từ cuối tuần trước. Khép phiên, chỉ số này tăng 0,5%, lên 2.717,28 điểm.
Đồng USD vẫn đang trong xu hướng downtrend khi Fed bước vào chu kỳ giảm lãi suất. Phần lớn các đồng tiền trên thế giới sẽ bớt áp lực mất giá. Dòng tiền có thể sẽ đảo chiều và có thể quay lại các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Giá dầu tại thị trường châu Á giảm
Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch ngày 18/9, sau 2 phiên tăng trước đó, do dữ liệu kinh tế vĩ mô yếu gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ, lấn át khả năng gián đoạn nguồn cung bởi xung đột ở Trung Đông và tác động tiềm tàng của việc cắt giảm lãi suất ở Mỹ.
Cuối phiên này, tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 11/2024 giảm 49 xu Mỹ, tương đương 0,7%, xuống mức 73,21 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 10/2024 giảm 50 xu Mỹ xuống 70,69 USD/thùng.
Đà giảm giá dầu được kiềm chế bởi nguy cơ bạo lực gia tăng ở khu vực sản xuất dầu mỏ lớn tại Trung Đông, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết: "Dữ liệu kinh tế vĩ mô yếu đang làm sâu sắc thêm mối lo ngại về nhu cầu dầu. Các nhà quản lý quỹ đã chuyển sang trạng thái tiêu cực lần đầu tiên kể từ năm 2011. Việc kết thúc giai đoạn nhu cầu cao điểm mùa Hè cũng đang tác động đến tâm lý thị trường."
Nhà phân tích Mitsuru Muraishi tại công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities cho biết: "Các nhà đầu tư đang tập trung vào khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), điều có thể phục hồi nhu cầu nhiên liệu của Mỹ và làm suy yếu đồng USD".
KHÁNH LINH (t/h)