Cuộc khủng hoảng Mỹ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani đã không leo thang thành một cuộc chiến toàn diện. Căng thẳng đã giảm xuống sau khi hai bên chấm dứt các màn trả đũa lẫn nhau.
Tuy nhiên, các yếu tố bất đồng đưa hai nước này đến bờ vực chiến tranh vẫn không có gì thay đổi. Đó là lý do tại sao giới quan sát tin rằng xung đột âm ỉ giữa Mỹ và Iran sẽ không kết thúc, cây bút bình luận quốc tế Jonathan Marcus của BBC nhận định.
Giảm căng thẳng tạm thời
Các nhà lãnh đạo Iran đã cảm thấy sốc khi Mỹ ám sát tướng Soleimani – một trong những chỉ huy quân sự hàng đầu của đất nước. Tất cả những gì Tehran cần phải làm khi đó là đáp trả.
Cuối cùng, Iran đã đáp trả thực sự bằng cách phóng tên lửa vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq. Nhưng Iran đã tính đến những hạn chế về mặt thực tế và chính trị trong hành động này. Iran muốn làm gì đó nhanh chóng nhưng không muốn bắt đầu một cuộc chiến toàn diện.
Cũng có ý kiến cho rằng việc Iran sẵn sàng nhận trách nhiệm vụ bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine là một nỗ lực khác nhằm giảm căng thẳng. Tuy nhiên, bình luận viên Marcus cho rằng đây là đánh giá sai.
Phản ứng tự nhiên của Iran là bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào đến vụ việc. Nhưng khi người Mỹ tuyên bố tình báo chứng minh điều ngược lại, cũng như khi các nhà điều tra Ukraine tìm thấy bằng chứng về một cuộc tấn công tên lửa và khi các nhà điều tra độc lập chứng minh tính xác thực của video máy bay bị bắn hạ, Iran đã có rất ít sự lựa chọn ngoài việc thừa nhận sai lầm của mình.
Hiện tại, các cuộc biểu tình trong nước ở Iran đã trở lại, trong đó có cả những ý kiến phản đối chính sai lầm trong vụ bắn nhầm máy bay Ukraine. Một trong những lựa chọn thông minh của Tehran lúc này là giảm căng thẳng với Mỹ bên ngoài để ứng phó với cơn đau đầu trong nước.
Chính sách của Mỹ không thay đổi
Tại sao Mỹ ám sát tướng Soleimani và cố gắng tấn công một quan chức cấp cao thứ hai của Iran ở Yemen? Mỹ tuyên bố hành động của mình là để ngăn chặn một cuộc tấn công nghiêm trọng của các quan chức Iran chống lại lợi ích của nước Mỹ.
Lập luận này đã không thuyết phục được nhiều nhà phân tích hoặc các nhà chỉ trích Tổng thống Donald Trump ở Washington.
Nhiều khả năng các cuộc tấn công là một nỗ lực để thiết lập lại lằn ranh đỏ rõ ràng đối với Iran. Trong ngắn hạn, hành động như vậy có thể mang lại hiệu quả. Iran sẽ phải hiệu chỉnh các hành động trong tương lai của mình một cách rất cẩn thận, cây bút Marcus bình luận.
Nhưng, cùng lúc với việc Tổng thống Donald Trump đe dọa sự tàn phá đối với Iran, ông cũng một lần nữa nhấn mạnh muốn đưa Mỹ ra khỏi Trung Đông. Điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu bất kỳ thông điệp răn đe nào được gửi.
Mỹ muốn tăng gấp đôi sự dằn mặt với Tehran nhưng lại giảm đáng kể các nguồn lực mà nước này triển khai cho khu vực. Có lẽ, Washington sẽ không thể đạt được cả hai mục đích mâu thuẫn trên.
Các mục tiêu chiến lược của Iran vẫn giữ nguyên
Mục tiêu chiến lược của Iran là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, ít nhất là ở Iraq, và điều này đã được Tehran tiến tới rất gần trước khi cái chết của tướng Soleimani diễn ra.
Từ quan điểm của chính quyền Iran, ít nhất chính sách của họ đã có nhiều thành công đáng chú ý. Nước này đã thành công trong việc hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và cho phép mở ra một mặt trận mới chống lại Israel. Ngoài ra, Iran cũng có ảnh hưởng đáng kể ở Iraq.
Do có những mâu thuẫn trong chính sách với Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang ngày càng đi theo con đường tự lập.
Saudi đã tìm kiếm một cuộc đối thoại cấp thấp với Tehran; Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo con đường riêng của mình và thiết lập mối quan hệ mới với Nga. Chỉ có chính phủ Israel dường như nghĩ rằng vụ ám sát tướng Soleimani là sự thể hiện cam kết mới của ông Trump trong khu vực.
Cây bút Marcus tin rằng, sự rối ren trong nước và một nền kinh tế sụp đổ do các lệnh trừng phạt có thể đưa Iran vào đường cùng, thúc đẩy nước này tăng áp lực lên Mỹ theo thời gian. Phải hứng chịu hai cú đánh tàn khốc, Iran sẽ đáp trả lại bằng cách tinh vi nhất.
Vấn đề của Mỹ ở Iraq
Dấu hiệu cho thấy lối ra của quân đội Mỹ ở Iraq giờ đây hiển thị rõ hơn bao giờ hết.
Chính phủ lâm thời Iraq đang gặp khủng hoảng khi phải hứng chịu làn sóng phản đối trong nước. Trong khi đó, nhiều người không hài lòng với cả sự hiện diện của Mỹ và ảnh hưởng của Iran tại quốc gia này.
Một cuộc bỏ phiếu mới đây tại Quốc hội Iran đã đưa vấn đề rút quân Mỹ trở thành một sự cân nhắc thật sự. Điều này không có nghĩa là các lực lượng Mỹ đang trên đường về nước trong nay mai, nhưng sẽ cần có các nỗ lực ngoại giao khéo léo để giữ các lực lượng này ở lại.
Tuy nhiên Tổng thống Trump đã đe dọa đóng băng các quỹ của Chính phủ Iraq trong các ngân hàng Mỹ nếu nước này buộc quân Mỹ ra về.
Người Mỹ vẫn đang ở lại Iraq cho sứ mệnh chống khủng bố IS. Nếu bị đẩy ra ngoài, việc ngăn chặn sự hồi sinh của IS sẽ khó khăn hơn nhiều. Cuộc tranh luận về sự hiện diện của quân đội Mỹ chỉ mới bắt đầu - và đó là một điều mà nếu Mỹ thua, Iran có thể thắng.